CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Mở lối cho nghệ thuật truyền thống tiếp cận giới trẻ

Diễn viên Phùng Thị Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội) trong vai Thị Màu đoạt Huy chương vàng Tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020

Diễn viên Phùng Thị Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội) trong vai Thị Màu đoạt Huy chương vàng Tài năng trẻ sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2020

Tái sinh nghệ thuật Chèo với tư duy thiết kế

Trong đời sống ngày nay, nghệ thuật chèo bị cạnh tranh mạnh bởi các hình thức giải trí hiện đại. Vì vậy, nếu các đơn vị, tổ chức không đổi mới hoạt động, không có những sáng kiến hấp dẫn thì khó có thể cuốn hút người trẻ.

Mới đây nhất, trong khuôn khổ Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam do Trường Đại học Việt Nhật, Cộng đồng nhà giáo dục khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam, nhóm "Chèo 48h" tổ chức chương trình “Tái sinh nghệ thuật chèo với tư duy thiết kế” thu hút hàng trăm bạn trẻ tham gia.

Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giảng viên Trường Đại học Việt Nhật cho rằng, những người trẻ luôn dồi dào năng lượng sáng tạo nên có thể đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả để nghệ thuật chèo lan tỏa.

Là nhà thiết kế đồ họa tại Hà Nội, bạn trẻ Ngô Tùng nêu ý tưởng, có thể làm những phim hoạt hình ngắn để giới thiệu về nghệ thuật chèo truyền thống. Những hình ảnh ngộ nghĩnh, sinh động cùng lời giới thiệu, giọng hát chuẩn mực từ các nghệ nhân sẽ thu hút các bạn trẻ.

Phim sẽ phổ biến hơn nếu được đưa lên mạng xã hội, nơi có nhiều người trẻ tham gia, như: Facebook, TikTok, Zalo…

Cùng ý tưởng, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Phạm Khánh Linh chia sẻ, để nghệ thuật chèo trở nên quen thuộc, gần gũi, cần liên kết với các đơn vị để thương mại hóa hình ảnh của chèo.

“Chúng ta có thể kết hợp với các thương hiệu thời trang Việt để cho ra mắt những sản phẩm mang hình ảnh nhân vật tiêu biểu từ phim hoạt hình, điện ảnh về chèo”, Phạm Khánh Linh đề xuất.

Ngoài ra, việc truyền đạt kiến thức về chèo cho giới trẻ sẽ thuận lợi hơn khi lồng ghép trong các chương trình trải nghiệm văn hóa dân gian, trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật hay mời nghệ sĩ có ảnh hưởng quảng bá, giới thiệu về chèo…

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan nhận định, chèo là bộ môn thuần Việt, tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam. Trong thẳm sâu mỗi người Việt đều ẩn chứa tình yêu với chèo, chỉ cần cảm hứng và năng lượng để kích hoạt.

“Những sáng kiến, ý tưởng mới của các bạn trẻ rất khả thi, cần sớm ứng dụng trong đời sống để khơi dậy tình yêu và ý thức giữ gìn nghệ thuật chèo trong giới trẻ”, NSND Thanh Ngoan nói.

Các chương trình biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư luôn thu hút đông đảo “khán giả nhí”.

Các chương trình biểu diễn múa rối nước Đồng Ngư luôn thu hút đông đảo “khán giả nhí”.

Quảng bá hợp thị hiếu giới trẻ qua các kênh mạng xã hội

Tìm cách dẫn lối, khơi gợi tình yêu nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ và kiếm tìm nhân tố mới bồi đắp cho bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng cần thiết, mang tính chiến lược để không bị đứt gãy thế hệ kế cận nối tiếp di sản.

Hơn nữa, chính sự rung cảm trước tinh hoa văn hóa dân tộc, hiểu được thông điệp ông cha và biết trân quý những vẻ đẹp, giá trị gốc ẩn trong mỗi bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ giúp thế hệ trẻ vươn xa hơn...

Đơn cử như Bắc Ninh là vùng đất có vai trò đặc biệt trong lịch sử phát triển của dân tộc, có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển nhiều môn nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống như: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Tuồng, Chèo, Trống quân, Múa rối nước... Đây là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, chứa đựng bản sắc, hồn cốt quê hương, dân tộc. Tuy nhiên, kết quả khảo sát, kiểm kê các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống gần đây cho thấy thực trạng khá ảm đạm.

Ngoài Di sản Dân ca Quan họ được ưu tiên bảo tồn và phát triển bằng một chuỗi chương trình hành động dài hơi, thiết thực, còn lại các loại hình diễn xướng truyền thống khác vẫn đang rất chật vật, khó khăn.

Đơn cử như Ca trù, mặc dù được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp từ năm 2009 nhưng đến nay việc triển khai các biện pháp bảo vệ di sản này mới dừng lại ở công tác kiểm kê.

Toàn tỉnh có 3 địa phương còn gìn giữ và thành lập được CLB ca trù là Thanh Khương (Thuận Thành), Tiểu Than (Vạn Ninh, Gia Bình) và Thượng Thôn (Đông Tiến, Yên Phong) với khoảng 100 thành viên. Song điều đáng nói là độ tuổi trung bình của thành viên đều trên 50 tuổi, có 5 nghệ nhân lão thành thì chỉ còn 3 nghệ nhân duy trì được khả năng truyền dạy.

Nhiều tư liệu, nghi lễ, các thể cách ca trù như hát thi, hát cửa đình, hát thờ... hầu như đã thất truyền. Các CLB rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động bởi thiếu thốn từ nguồn lực con người đến cơ sở vật chất, thiếu từ đàn phách cho đến người truyền dạy, người học và cả khán giả...

Khi bàn về nghệ thuật sân khấu truyền thống với những giá trị dành cho giới trẻ, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan tin rằng: “Giới trẻ không quay lưng với giá trị nghệ thuật truyền thống. Vấn đề là các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật cần có nhiều hơn nữa những giải pháp đưa nghệ thuật truyền thống gần hơn và hấp dẫn hơn với giới trẻ”.

Minh chứng thời gian qua có nhiều dự án cộng đồng phi lợi nhuận của các bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống thế hệ 8X, 9X diễn ra sôi nổi như: “Chèo 48h”, “Về hát bội”, trình diễn trang phục cung đình... hoặc chương trình “Tái sinh nghệ thuật Chèo với dư duy thiết kế” do “Chèo 48h” phối hợp với Trường Đại học RMIT, Trường Đại học Việt Nhật tổ chức cũng là một ví dụ điển hình.

Như vậy, theo NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan chính những người trẻ với những góc nhìn mới mẻ, đầy sáng tạo sẽ biết cách cần phải sàng lọc, tiếp thu như thế nào để những giá trị truyền thống của ông cha được gìn giữ bền lâu.     

Vấn đề quan trọng nhất cần tác động bây giờ chính là làm sao truyền cảm hứng; có cơ chế, chính sách và sự quan tâm đầu tư; có chính sách đào tạo thế hệ trẻ kế cận ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống; đầu tư kinh phí hàng năm để xây dựng vở diễn, triển khai các dự án như “sân khấu học đường”, mở lớp truyền dạy trong cộng đồng;

Cùng với đó nghiên cứu, khuyến khích những ý tưởng mới về giáo dục kiến thức di sản; sáng tạo, đổi mới hình thức truyền thông, quảng bá nghệ thuật truyền thống hấp dẫn, phù hợp thị hiếu giới trẻ thông qua các kênh mạng xã hội như: Youtube, Zalo, Facebook, Tiktok, Twitter...

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh