Sân khấu Rô Băm - nghệ thuật truyền thống độc đáo của cộng đồng người Khmer
- Văn hóa - Giải trí
- 20:20 - 05/11/2021
Sân khấu Rô Băm là loại hình sân khấu cổ của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện chỉ còn Đoàn nghệ thuật Rô Băm của doanh nghiệp tư nhân Đoàn nghệ thuật Robam Khmer Resmay Bưng Chông ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề đang được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.
Sân khấu Rô Băm có nguồn gốc từ lâu đời, Rô Băm còn có tên là Rom Rô Băm, “hát rằm” hay hát “riêm kê”. Điểm thu hút của loại hình nghệ thuật này là những chiếc mặt nạ của các diễn viên khi họ hóa thân vào nhân vật. Một số mặt nạ được sử dụng trong các vở diễn như mặt nạ chằn, mặt nạ khỉ Hanuman; mặt nạ hoàng tử, mặt nạ công chúa…
Nội dung của vở diễn thường đặc tả lại các tích xưa về tiên, phật, vua, chúa, hoàng tử, công chúa; chằn, khỉ, chim đại bàng… Ở đó có hai thế lực thiện và ác chống đối nhau và cuối cùng thiện vẫn thắng ác. Sân khấu Rô Băm được nhiều người yêu thích và cuốn hút bởi nét đặc sắc ẩn chứa qua các điệu múa và những chiếc mặt nạ.
Nhiều người gọi sân khấu Rô Băm là sân khấu “kịch múa”, sử dụng múa như một ngôn ngữ chính yếu, các điệu múa trong Rô Băm rất sinh động, mềm mại, có 12 động tác múa. Điệu “Txu Txai” là điệu kết hợp của 12 động tác này. Mỗi thay đổi tình cảm là mỗi thay đổi động tác, bộ điệu, và mỗi nhân vật thể hiện tình cảm qua động tác và điệu bộ cũng khác nhau. Căn cứ vào những nguyên tắc thẩm mỹ, cấu trúc kịch bản, ngôn ngữ hình thể, lối diễn của kịch hát này, chúng ta có thể phỏng đoán rằng Rô băm xuất phát từ một sân khấu kịch hát cổ điển xuất phát từ cung đình.
Đoàn nghệ thuật Robam Khmer Resmay Bưng Chông do bà Lâm Thị Hương, Trưởng đoàn kiêm diễn viên chính, được thành lập năm 1933 và đã truyền thừa đến đời thứ 6. Được biết, vào năm 2007, Đoàn được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn mời tham gia trình diễn tại “Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian” ở Mỹ, với chủ đề “Mê Công: Dòng sông kết nối các nền văn hóa”.
Năm 2008, ngành văn hóa đã xây dựng dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đối với sân khấu Rô Băm và đã được “Quỹ Đan Mạch hỗ trợ văn hóa vùng và dân tộc ít người” tài trợ để mua sắm trang phục và đạo cụ biểu diễn. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã mở lớp tập huấn để các nghệ nhân đoàn Rô Băm tại Bưng Chông truyền dạy cho hàng chục diễn viên Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh và người dân yêu thích loại hình nghệ thuật này.
Vào năm 2016, Đoàn nghệ nhân Bưng Chông được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội mời ra phục dựng lại sân khấu cổ Rô Băm. Khi đến tham quan tại Làng văn hóa - du lịch, du khách có thể thưởng thức nét đẹp văn hóa của sân khấu Rô Băm, mặc trang phục truyền thống người Khmer và múa các điệu múa của người Khmer như Romvong, Romleo, múa Lâm Thôn.... Với những đóng góp của mình, tháng 3/2019, bà Lâm Thị Hương đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Đến năm 2019, nghệ thuật Rô Băm của người Khmer Sóc Trăng vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019).
Để góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con đồng bào Khmer, góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể, phát huy các giá trị truyền thống và để đáp lại sự tâm huyết bao năm qua của gia đình Nghệ nhân Ưu tú Lâm Thị Hương, Uỷ ban Nhân tỉnh Sóc Trăng vừa công nhận nghệ thuật Rô Băm của doanh nghiệp tư nhân Đoàn nghệ thuật Robam Khmer Resmay Bưng Chông ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Sóc Trăng là sản phẩm thuộc bộ sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Đây là một tín hiệu đáng mừng cho loại hình sân khấu Rô Băm, một loại hình Nghệ thuật sân khấu Khmer đáp ứng nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ, là nền tảng cho các loại hình nghệ thuật khác của người Khmer ra đời và phát triển, điển hình là nghệ thuật sân khấu Dù Kê.
Rô Băm thường diễn những tích cổ như vở Riêm kê, trích từ anh hùng ca Ấn Độ Ramayana và các vở diễn khác như Preah Chinh Na Vông, Ra Ta Na Vông,... Nếu sử dụng các tích khác thì cũng là truyện cổ, thần thoại, nội dung nhuộm màu Phật giáo, với đạo lý giáo dục con người “ở hiền gặp lành, kẻ làm ác thì phải đền tội”. Vở diễn Rôbăm được cấu trúc theo hai tuyến nhân vật tiêu biểu cho hai loại người trong xã hội: chính diện và phản diện là đại diện hai phái thiện - ác. Vai chính diện thường là vua, hoàng tử, hoàng hậu trong xiêm y theo kiểu dân tộc, có trang trí và màu sắc lộng lẫy,...
Theo cấu trúc của tuồng Rô Băm, chằn (Yaks) tiêu biểu cho phái ác, mang mặc nạ, tay cằm gậy, mồm rộng, nhe răng, mắt trợn, mũi to nhưng cuối cùng phải đền tội. Đặc biệt, trong nghệ thuật Rô Băm còn có sự tham gia các thú vật (đều mang mặc nạ và đội lốt). Vai hề tuy đóng vai trò phụ trong các vở diễn nhưng lại làm những việc quan trọng như “cứu khốn phù nguy” cho vai chính diện, gây cười, gia tăng vui nhộn,làm cho hình thức sân khấu Rôbăm gần gũi giới bình dân, tăng thêm sự hấp dẫn và bớt đi tính chất khô cứng của kịch hát cổ điển này.