THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:42

Hương Thuỷ (Thừa Thiên Huế):

Mô hình sinh kế hay giúp người dân thoát nghèo cần nhân rộng

Từ 2 con bò giống sinh sản đầu tiên, hiện gia đình chị Ngân đã có đàn bò 9 con, chưa kể những con đã bán để tạo thu nhập

Từ 2 con bò giống sinh sản đầu tiên, hiện gia đình chị Ngân đã có đàn bò 9 con, chưa kể những con đã bán để tạo thu nhập

Căn nhà mới khang trang, vững chắc vừa mới hoàn thiện năm 2021 sau nhiều năm xây thô trên diện tích được cấp theo tái định cư đã giúp gia đình chị Ngô Thị Kim Ngân (40 tuổi, ở thôn 1, xã Phú Sơn) ổn định đời sống. Đây là thành quả sau nhiều năm phấn đấu làm ăn, tích cóp của hai vợ chồng nông dân xứ gò đồi Phú Sơn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà còn thoang thoảng mùi gạch mới, chị Ngân không giấu được niềm vui khi cả gia đình với 3 đứa con nhỏ của mình đã có thể yên tâm khi không còn phải lo sợ mùa mưa bão đến.

Ngược lại quá khứ, chị Ngân kể, trước năm 2007 khi mới trưởng thành, do điều kiện khó khăn, chị từ giã gia đình vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân may mặc. Trong thời gian 4 năm làm công nhân may tại miền Nam, chị quen và yêu một chàng trai cùng nghề quê ở Bình Thuận. Năm 2007, hai anh chị nên duyên vợ chồng rồi dắt díu nhau về quê chồng sống. Được một thời gian ngắn, vì quá khó khăn nên vợ chồng trẻ này lại đưa nhau ra Phú Sơn quê vợ lập nghiệp.

Năm 2009, xã Phú Sơn có chủ trương lập khu tái định cư mới tại thôn 1 để giãn dân. Vợ chồng chị Ngân được xã tạo điều kiện, cấp cho một thửa đất 0,5ha, bao gồm cả đất ở và đất vườn. Ngay khi được nhận đất, gia đình nhỏ này đã ra làm một nhà tạm để ở. Năm 2011, gia đình chị Ngân được Đại học Y Dược Huế hỗ trợ 20 triệu đồng. Gia đình quyết định vay thêm 40 triệu từ Ngân hàng chính sách xã hội để làm căn nhà kiên cố, xoá nhà tạm.

Dù đã có nhà để ở, nhưng đời sống của gia đình chị Ngân vẫn chưa thoát những ngày khó khăn, nhất là khi chưa có mô hình sinh kế phù hợp, hai vợ chồng vẫn chỉ đi khai thác gỗ keo, nuôi ong thuê cho người khác. Thế rồi năm 2015, gia đình này đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) xã Phú Sơn hỗ trợ một con giống sinh sản theo hình thức vốn quay vòng. Gia đình cũng tự vay thêm 9 triệu đồng để mua thêm 1 con nữa cho đủ cặp. Có bò giống trong tay, vợ chồng chị Ngân tập trung chăm sóc, từ việc làm chuồng đến chăn dắt, cắt cỏ. Được chăm sóc tốt, những con bò mẹ đã liên tục đẻ bê con. Đến nay, đàn bò của gia đình đã tăng lên 9 con và đã có một số được bán để tạo thu nhập, trả lại tiền hỗ trợ ban đầu. “Hiện nay, đàn bò là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi, giúp chúng tôi trả được nợ nần, có tiền hoàn thiện nhà, nuôi 3 đứa con ăn học”, chị Ngân chia sẻ.

Theo tìm hiểu, gia đình chị Ngân không phải là hộ duy nhất được hỗ trợ bò giống sinh sản theo mô hình nuôi bò giống luân phiên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phú Sơn thực hiện. Các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định, như: Bùi Quyết, Nguyễn Thị Cẩm Tú,..cũng đều đã được hỗ trợ và thay đổi đời sống.

Ông Lê Trọng Quốc - Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Sơn cho biết, dự án đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, bảo toàn đồng vốn để quay vòng, giúp cho các hộ nghèo trên địa bàn xã có điều kiện chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo được triển khai từ năm 2008, với sự hỗ trợ vốn từ UBMTTQ Việt Nam thị xã Hương Thủy. Đợt đầu tư đầu tiên với số tiền 28 triệu đồng, mua 7 con bò giống cấp cho 7 hộ nghèo. Sau thời gian 4 năm, những con bê đầu tiên sinh ra được dự án thu lại. Nhận thấy đây là mô hình có hiệu quả cao, UBMTQ Việt Nam xã tiếp tục đầu tư mua bò giống thêm 2 đợt để hỗ trợ cho người nghèo, nâng tổng số hộ được hỗ trợ lên 22 hộ.

Để mô hình đạt hiệu quả, UBMTTQ Việt Nam xã Phú Sơn chủ trương tập trung hỗ trợ cho những hộ nghèo do thiếu công ăn việc làm, trong gia đình vẫn có người trong độ tuổi lao động để khi nhận bò giống mới có thể chăn nuôi có hiệu quả. Còn những hộ nghèo là người già, người tàn tật sẽ có chính sách hỗ trợ khác. Mặt khác, xã chủ động phối hợp với Hội Nông dân tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi.

Theo ông Quốc, với lợi thế đặc thù của vùng bán sơn địa, nguồn thức ăn dồi dào, xã Phú Sơn hoàn toàn có thể phát triển chăn nuôi bò, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Sau khi đánh giá, mô hình bò giống quay vòng mang lại hiệu qảu khá cao, điều kiện kinh tế các gia đình nay đã khá hơn rất nhiều. Tới đây, UBMTTQ Việt Nam xã Phú Sơn sẽ tiếp tục triển khai, để nhân rộng hơn nữa mô hình sinh kế này.

Ông Phan Văn Sang bên những con ba ba giống đang được ươm để chuẩn bị nuôi thả

Ông Phan Văn Sang bên những con ba ba giống đang được ươm để chuẩn bị nuôi thả

Ông Hà Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, với thế mạnh từ rừng và vùng gò đồi, xã đã lãnh đạo, vận động, khuyến khích người dân đầu tư vốn, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế theo hướng gia trại, trang trại chăn nuôi sản xuất tổng hợp, nhất là chăn nuôi bò, lợn và gà thả vườn; các mô hình trồng bưởi da xanh, cam, thanh long ruột đỏ…được nhiều hộ dân đầu tư thực hiện, nhân rộng. Nhiều hộ gia đình đã trở nên khá giả, như hộ ông Sang với mô hình vườn - rừng - ao - chuồng, trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, nuôi dê, dế, cá, ba ba; hay mô hình trang trại tổng hợp bò - lợn - gà của gia đình ông Hương,…

Tại Phú Sơn, có đến gần 50% hộ dân nuôi gà thả vườn, trong đó, khoảng 23 hộ chăn nuôi kết hợp theo mô hình gia trại với số lượng từ 200 con gà trở lên. Phú Sơn cũng đang triển khai xây dựng nhãn hiệu Gà đồi Phú Sơn; Đăng ký dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học  để phòng chống dịch bệnh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế". Việc phát triển và nhân rộng các mô hình sinh kế phù hợp, hiệu quả cao đã giúp nhiều hộ dân tại xã Phú Sơn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định đời sống. Hiện nay, toàn xã Phú Sơn chỉ còn 15/489 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, chiếm tỷ lệ 3,067%, số hộ cận nghèo là 48/489 hộ, chiếm tỷ lệ 9,81%; đa số hộ nghèo là người già, người tàn tật, không có sức lao động.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh