CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:30

A Lưới (Thừa Thiên Huế): Tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 - 2025

Đoàn công tác của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với A Lưới về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025

Đoàn công tác của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với A Lưới về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Huyện đã tập trung huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực để thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 35,04%, đến năm 2020 giảm xuống còn 14,82%, bình quân mỗi năm giảm 4,04%.

Kinh tế của huyện miền núi ngày càng đi lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Các chương trình, chính sách giảm nghèo cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai có hiệu quả đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn A Lưới.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo tại A Lưới chưa thực sự bền vững. Việc huy động nguồn lực, lồng ghép và sử dụng nguồn lực cho công tác giảm nghèo hiệu quả chưa cao; nguy cơ tái nghèo và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng lên theo chuẩn nghèo đa chiều. Qua rà roát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021, toàn huyện A Lưới có 7.022 hộ nghèo (chiếm 49,98%), 2.185 hộ cận nghèo (chiếm 15,55%).

Giai đoạn 2022 - 2025, A Lưới đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin và thích ứng biến đổi khí hậu.

A Lưới cũng đề ra chỉ tiêu đến cuối năm 2025, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 20%. Phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh đều được đáp ứng; 100% người đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề đều được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Trước đó, Nghị quyết của Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh này phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2 - 2,2%. Trong đó, khu vực khu vực miền núi giảm còn dưới 5%; các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%. Như vậy có thể thấy, việc đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra là vô cùng khó khăn.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, A Lưới cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 và sớm đưa vào thực tế đời sống. A Lưới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đang, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững. Tăng cường lãnh đạo, quản lý điều hành, tổ chức triển khai công tác giảm nghèo, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm.

Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân về giảm nghèo bền vững; nâng cao ý thức, khơi dậy ý chí thoát nghèo của người dân; xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

A Lưới cũng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường để tập trung giải quyết việc làm cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt thể chế, chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, chính sách bảo trợ xã hội, trợ giúp đột xuất.

A Lưới cần nhân rộng các mô hình sinh kế có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương

A Lưới cần nhân rộng các mô hình sinh kế có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương

Tham gia giúp A Lưới hoạch định chiến lược thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025, đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị địa phương sớm giải quyết các chiều thiếu hụt về nhà ở, bảo hiểm y tế, vệ sinh; đồng thời có các biện pháp, giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để thực trạng thiếu đất sản xuất của hộ nghèo, cận nghèo. Mặt khác, cần đánh giá lại toàn bộ diện tích đất xem đã sử dụng như thế nào, đã có các mô hình phù hợp, hiệu quả hay chưa? Việc duy trì các mô hình sản xuất, kinh doanh có giá trị cao đã được thực hiện như thế nào? A Lưới cần tập trung đầu tư các mô hình sinh kế, gắn liền trách nhiệm của người dân với sản phẩm của họ; nghiên cứu hướng đầu tư cho nông nghiệp và hướng ra cho sản phẩm một cách cụ thể, rõ ràng.

Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị A Lưới tận dụng các nguồn lực từ các chương trình, dự án, các nguồn xã hội hoá để phục vụ chương trình giảm nghèo bền vững. Đồng thời cần có định hướng sử dụng một cách hiệu quả vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng tổ giúp việc thực hiện công tác giảm nghèo.

Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo phải đi vào thực tế, đi sâu đi sát với đời sống người dân để có kết quả trung thực, phản ánh đúng thực trạng nghèo, từ đó mới hoạch định các kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Đồng thời cũng cần giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu thiếu hụt theo từng quý trong năm để kịp thời điều chỉnh, bổ sung biện pháp hỗ trợ.

A Lưới cần phát huy nội lực, lấy lợi thế về văn hoá để xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế, nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào địa bàn, qua đó giải quyết việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân. A Lưới cũng cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động, nâng cao chất lượng mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; tập trung giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh