THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:42

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngon: Hai lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…

 

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngon.

Ký ức đau thương

Một chiều cuối tháng 4 chúng tôi có dịp về thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngon tại quê nhà - phường Hòa Lợi, Thị xã Bến Cát, Bình Dương nhân dịp cuối tuần mẹ được con cháu đưa về quê thăm nhà (Mẹ hiện đang sống với con trai út- ThS.Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM tại Q.7, TP.HCM - PV). Theo thời gian, bàn tay mẹ giờ đã nhăn nheo gầy guộc, sức khỏe cũng đã yếu đi nhiều, duy chỉ nụ cười của mẹ vẫn hiện tươi trên mặt mỗi khi có khách đến thăm, nụ cười đó như xua tan những mất mát, đớn đau, nhọc nhằn.

Mẹ Ngon hiện nay đã 90 tuổi, nhiều ký ức ít nhiều mờ xa, chỉ có những lần tiễn các con đi, mòn mỏi trông con về vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm mẹ.

Trong buổi trò chuyện với mẹ, khi chúng tôi nhắc đến hai người con trai của mẹ đã hy sinh, mẹ xúc động lắm nhưng vẫn rành rọt kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện ngày xưa, ngày các anh nằng nặc đòi ra chiến trường…

Mẹ kể: Chồng mẹ đặt tên cho các con với những cái tên đầy ý nghĩa: Anh, Em, Sống, Đoàn, Kết…

Anh Nguyễn Thanh Hồng (tên khai sinh là Nguyễn Văn Anh) là người con đầu tiên xin mẹ ra chiến trường, ngày ấy anh đi công an huyện Châu Thành, làm chức vụ đội trưởng Đội an ninh tỉnh Bình Dương. Năm 1968 trên đường dẫn tội phạm từ Hòa Lợi đến chiến khu Đ lọt vào ổ phục kích, anh bị thương, chúng bắn bồi tiếp. Anh hi sinh cùng với 2 người đồng chí nữa. Chúng kéo ra bìa rừng để nằm trên đường, không ai dám lấy thi thể. Vì sợ còn mìn, ba anh cột chân cho bò kéo đi một đoạn rồi mới bế lên xe bò đưa về nhà. Sau đó anh và một đồng đội được chôn cất ở nghĩa trang gia đình.

Năm ấy chị Nguyễn Thị Kết, người con gái của mẹ cũng qua đời vì bệnh do không đưa kịp đến bệnh viện vì quá xa và không có thuốc chữa trị

Sau anh Hồng là anh Nguyễn Văn Sống sinh năm 1951. Anh học ở Trường An Mỹ, Bình Dương. Cách mạng thấy anh giỏi, có chí hướng, cho người móc nối rồi cho anh ra chiến trường. Mẹ đầy lo lấng, nhưng với lý tưởng của người thanh niên thời chiến, với lý tưởng cách mạng, một lần nữa mẹ lại tiễn người con của mình ra chiến trường.

Anh đi lần đầu năm 1967 khi vừa đậu tú tài 1, hay tin anh theo cách mạng, mẹ ra tận đơn vị báo cáo cho lãnh đạo để xin anh về tiếp tục đi học. Nhưng anh về nói với mẹ: “Bao anh em ngoài Bắc bỏ quê hương vào Nam chiến đấu, thì làm sao con ở nhà cho đặng”. Thế là anh lại ra đi lần 2.

Anh Sống vào ngành công an, thỉnh thoảng mới được phép ghé thăm nhà. Tình mẹ thầm lặng dõi theo con. Mỗi khi con về thấy cái túi con treo trên vách là mẹ đã biết, mẹ chuẩn bị mọi thứ nhét vào balô cho anh từ chiếc khăn, bàn chải, mấy con cá khô…

Tiễn các anh đi rồi, nhưng mẹ vẫn luôn tìm mọi cách để được ở bên anh, đồng hành theo anh trên bước đường công tác bằng những công việc thầm lặng của mẹ. Mẹ đào hầm ngụy trang, tiếp tế cho cách mạng cơm nước, gạo, mắm, dầu, thuốc Tây… Những năm địch dựng hàng rào ấp chiến lược, phong tỏa mọi con đường, cách mạng đã tồn tại nhờ vào những bà mẹ dũng cảm, gan góc, mưu trí, sáng tạo như mẹ.

Không tin anh  hi sinh mẹ đi tìm anh đến từng nhà tù, nhà thương mà không thấy anh. Mãi đến năm 1979, đơn vị anh Sống báo sẽ bốc hài cốt đưa anh về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương mẹ mới chịu tin. Mẹ nghẹn ngào: “Không tin làm sao được khi tận mắt tôi nhìn thấy chiếc áo thun, quần đùi tôi mua ngày nó thoát ly!”. Một lần nữa lòng mẹ lại quặn đau khi 2 lần tiễn con đi nhưng chưa bao giờ được đón các con về…

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ngon chụp hình lưu niệm với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Đền ơn xứng đáng

Không muốn mẹ buồn khi nhắc đến chuyện các anh đã hi sinh, chúng tôi lảng sang chuyện khác, chuyện các con cháu của mẹ hiện nay như thế nào, niềm hạnh phúc của mẹ khi sống trong hòa bình hôm nay bên con cháu thành đạt ra sao…

Nhắc đến con cháu bây giờ mẹ vui lắm, mẹ kể tiếp: “Mẹ có 12 người con, chín trai, ba gái. Hai anh thì đã hi sinh, một chị chết bệnh. Tuy có mất mát đau thương nhưng gia đình mẹ thật may mắn, hạnh phúc; bởi con cháu đều học hành giỏi giang, nên người, thành đạt!”. Mẹ nhẩm tính, mắt sáng ngời niềm vui, nói: “Vợ chồng tôi thật có phúc nên có hơn 50 cháu chít, 6 bác sĩ, kể thêm dâu là 7”. Các con cháu luôn là niềm tự hào của gia đình chúng tôi.

Mẹ không kể hết, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay cả 10 người con của mẹ Ngon đều học hành giỏi giang, thành đạt như ông Nguyễn Văn Cư đang là phó giáo sư - bác sĩ; ông Nguyễn Đức Huệ là bác sĩ CKII Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương TP.HCM, ba người cháu và một con dâu là bác sĩ. Người con út Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Minh  hiện là giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM.

Không phải tự dưng mà gia đình mẹ có được hồng phúc nhìn con cháu thành đạt, ngoan hiền. Đó là kết quả của một quá trình giáo dục công phu, kiên trì, khó nhọc. Các con của mẹ không chỉ tài giỏi mà còn có nhân cách, đạo đức tốt. Những cái tốt ấy bắt nguồn từ những điều giản đơn như cách đối nhân xử thế của ba mẹ với bà con hàng xóm, với người thân… để từ đó các con được noi theo.

Các con luôn thấu hiểu nỗi đau mất mát của mẹ, cùng chung tay chăm lo, phụng dưỡng mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ, đặc biệt là luôn quan tâm theo dõi sức khỏe của mẹ. Họ không chỉ thành đạt trong nghề nghiệp mà còn là những người thầy thuốc thiện nguyện, cống hiến đóng góp cho xã hội và hiếu thảo, hiếu học trong gia đình.

Khi được hỏi về một trong những người con thành đạt hiện nay của mẹ, Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt TP.HCM. Mẹ cười kể: “Thằng Minh tuy nhỏ nhưng rất khỏe mạnh, ngày xưa ở quê việc gì nó cũng làm được, từ gặt lúa, trồng cao su, cày ruộng khỏe lắm ... Lúc nhỏ đi học trường huyện ngày nào thằng Minh cũng đạp xe hơn 15 cây số đến trường, xa xôi vậy mà chưa bao giờ nó dám nghỉ buổi học nào. Giờ nó bận rộn lắm vì đã là lãnh đạo một bệnh viện đầu ngành của thành phố nhưng hễ có thời gian là nó về ngay trò chuyện, chăm sóc, thăm hỏi mẹ”.

Hai anh Hồng, Sống hiện đã được quy tập về nghĩa trang, các em của anh đã thay hai anh thực hiện những ước mơ còn dang dở... Đã đi qua bao đau thương mất mát, gian khổ, vinh quang, cuộc đời đã đền bù cho mẹ Ngon thật xứng đáng.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh