CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:22

Mẹ ơi, nhất định các anh sẽ trở về

Thực vậy, chiến tranh đã khép lại hơn bốn chục năm, nhưng đến nay còn hơn nửa triệu liệt sĩ chưa xác minh được thông tin, trong đó khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia; trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. 

 

Lau khô đi những giọt nước mắt đợi chờ

Còn nhớ, ngày 18/4/2017 trong phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh, vấn đề quy tập và xác định danh tính liệt sĩ là vấn đề day dứt, đau lòng nhất và hứa cố gắng phấn đấu làm càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt, bởi chiến tranh đã qua lâu, nếu không nhanh thì cơ hội càng ít. Lời hứa này đã và đang được ngành LĐ-TB&XH nỗ lực thực hiện. Nhiều giọt nước mắt vui mừng đã rơi trên những gương mặt sau bao tháng năm đợi chờ. 

Năm 1946, ông Nguyễn Ngọc Gấm tham gia Trung đoàn 48, nhưng do sức khỏe yếu, nên được đơn vị cử về địa phương hoạt động bí mật. Đến tháng 10/1950, ông Nguyễn Ngọc Gấm bị chỉ điểm, địch phát hiện rồi đào tung hầm ẩn náu để giết hại. Ông Nguyễn Ngọc Gấm đã anh dũng cầm lựu đạn tự sát và tiêu diệt quân địch.

Cùng chiến đấu với ông Nguyễn Ngọc Gấm còn 13 người khác, nhưng đã đều được công nhận liệt sỹ từ lâu, duy chỉ có trường hợp của gia đình ông, do thất lạc giấy tờ gốc nên chưa được vinh danh.

Bao năm qua, con trai ông là Nguyễn Minh Đức đã cùng gia đình kiên trì, tìm lại mọi giấy tờ thất lạc để ông Nguyễn Ngọc Gấm được công nhận là liệt sỹ. Và cuối cùng thì ngày vinh dự ấy cũng đã đến, cho dù con trai của người liệt sĩ đã đến gần chặng cuối của cuộc đời.

 

Ông Nguyễn Minh Đức con trai liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm: "Được cầm tấm bằng này tôi mãn nguyện lắm, sống đến giờ cũng chỉ mong có thế".


Cách đây 2 năm, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH đã trao bằng Tổ quốc ghi công cho 498 thân nhân các liệt sỹ thuộc Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng và 36 tỉnh, thành phố. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong số 498 liệt sĩ được trao bằng công nhận có 94 người đã hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ.  

Khi nghe tên cha mình được xướng lên, ông Nguyễn Minh Đức ở Hoài Đức, Hà Nội năm nay đã 88 tuổi con trai liệt sĩ Nguyễn Ngọc Gấm cố gắng bước thật nhanh lên sân khấu. Nhìn ông, có cảm giác dường như tuổi tác không cản được bước chân đầy niềm vui của ông đi lên sân khấu để nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công của người cha mình.

Không vui sao được khi sau 30 năm làm hồ sơ để được công nhận liệt sỹ và sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi liệt sỹ Nguyễn Ngọc Gấm hy sinh, người con trai của liệt sĩ mới được nhận tấm bằng Tổ quốc ghi nhận công lao của cha mình.

Xúc động nghẹn ngào, ông Đức chia sẻ: “Được cầm tấm bằng này tôi mãn nguyện lắm, sống đến giờ cũng chỉ mong có thế. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã truy tặng, công nhận, vinh danh cha tôi và những liệt sỹ khác trong những ngày tháng 7 hào hùng này”.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, tháng 7/2019


498 thân nhân đón nhận niềm vui nhưng vẫn còn rất nhiều liệt sĩ, thân nhân, người có công chưa được xác định, xác nhận, truy tặng, ghi công. Vì thế, ngành LĐ-TB&XH với quyết tâm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, đã chủ động phối hợp với các địa phương rà soát số hồ sơ tồn đọng. Từ việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An qua đó rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong công tác xử lý những hồ sơ tồn đọng, đối mặt với những câu hỏi về tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn, ngành LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau. 

Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan. Có nơi như tỉnh Long An, Vĩnh Long, An Giang phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ. Có trường hợp để công nhận liệt sĩ hôm nay, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại 3 quân khu, 4 địa phương. Những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận.

Tất cả danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, những người hoạt động kháng chiến, các cụ cao niên và được niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp xã cho đến cấp tỉnh và trung ương. Tất cả những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và đến nay không có bất kỳ ý kiến nào khác qua niêm yết, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp… 

“Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành căn bản việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

Kéo gần “con đường” để các anh về với mẹ

Người viết bài này có người chú ruột là liệt sĩ hy sinh năm 1964 ở chiến trường Bắc Bình Định. Tấm giấy báo tử cứu được sau trận hỏa hoạn chỉ còn đọc được có vậy. 65 năm trôi qua trong nỗi ao ước tìm thấy chú mà không biết tìm ở đâu vì mọi thông tin đều quá mông lung. Vì thế, sự ra đời của một cơ sở dữ liệu chung trên toàn quốc về liệt sĩ và mộ liệt sĩ để giúp thân nhân có thể tra cứu, tìm kiếm - đó không chỉ là mơ ước của riêng gia đình tôi mà còn là ước mơ của hàng vạn gia đình Việt Nam khi con em, thân nhân họ còn nằm đâu đó ngoài kia chưa thể trở về quê hương

Và rồi ước mơ về một cơ sở dữ liệu chung trên toàn quốc về liệt sĩ và mộ liệt sĩ đã trở thành hiện thực. Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2018), Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TT&TT đã cùng khai trương Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ với tên miền là “thongtinlietsi.gov.vn” và “thongtinlietsy.gov.vn”. Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ là đề án phối hợp giữa các Bộ: LĐ-TB&XH, Quốc phòng, Bộ TT&TT. 

Được biết, Cổng Thông tin điện tử liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đang lưu trữ bao gồm: hình ảnh, thông tin của 3.082 nghĩa trang, 885.000 mộ liệt sĩ và 2.114.613 ảnh mộ và nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Cổng Thông tin điện tử tích hợp các nội dung về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ gồm: Danh sách các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước được phân chia rõ đến tận quận/huyện thuộc các tỉnh/thành phố; Bản đồ chỉ đường đến nghĩa trang; Hình ảnh tổng quan của nghĩa trang; Sơ đồ khu mộ trong nghĩa trang; Danh sách mộ, hình ảnh từng ngôi mộ trong nghĩa trang. Riêng tại 5 nghĩa trang: Đường 9, Trường Sơn, Tân Biên, Việt - Lào và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận có thể hiển thị bản đồ Google Maps. 

 

  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hồng, khu phố 9, phường 1, TP. Đông Hà, Quảng Trị


Sau khi được Bộ TT&TT bàn giao cho Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị tiếp quản và tiếp tục công tác xây dựng hệ thống Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ là Cục Người có công.

Sự ra đời của Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đã thực sự đáp ứng được niềm mong mỏi của nhiều gia đình Việt Nam.

Hiện nay, mỗi ngày có gần 4000 lượt tra cứu và nhiều thân nhân liệt sĩ đã tìm được mộ liệt sĩ. Có thể nói Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đã thực sự kéo gần “con đường” để các anh về với mẹ, với quê hương.

Mới đây nhất, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã dâng hương tại các Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ xem xét đầu tư xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Trường Sơn. Đó sẽ là nơi đón tất cả các anh hùng liệt sĩ chưa được về Nghĩa trang Trường Sơn, những người đã hy sinh trên mảnh đất này được về với đồng đội của mình...

 

Vĩ thanh 

…Còn tôi, người viết bài này, khi viết đến đây bỗng dưng thấy mắt mình ậng nước. Quê hương ở Quảng Nam - mảnh đất nơi có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhất cả nước, tôi luôn hiểu những gì mà sự mất mát, đau thương mang lại. Mảnh đất vườn nhà vẫn ngày đêm ngóng bước chân các anh trở về, giếng nước sân nhà vẫn chờ mong bàn tay các anh kéo gầu, làn môi các anh vục vào dòng nước mát quê hương. Và Mẹ, mẹ vẫn ngồi đó, đôi mắt già nua, mờ đục hướng ra cửa để lắng nghe từng bước chân anh: “Về rồi đó hả con? Đói không, lạnh không? Mau vào nhà ăn cơm đi con”. 

Và, tôi tin rằng rồi đây với nỗ lực của nhiều người, nhiều ngành, các anh - những linh hồn liệt sĩ bất diệt – nhất định sẽ được về với quê nhà, về với Mẹ!

HỒNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh