“Mắt trùng khơi”- nồng nàn tình yêu biển đảo
- Văn hóa
- 13:29 - 16/11/2019
"Nơi đầu sóng – Mắt trùng khơi" là cuốn tản văn có độ dày khoảng 170 trang, gồm 18 câu chuyện và bộ ảnh chọn lọc minh họa xoay quanh chủ đề biển đảo, cuộc sống của người lính trên đảo nổi, đảo chìm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, tàu trên biển...
Trong lời mở sách, nhóm tác giả đã chia sẻ về chủ đề "Mắt trùng khơi" xuyên suốt tác phẩm: "Đi biển, trong ngàn vạn điều thiêng liêng và thương mến, có lẽ những ánh mắt nơi trùng khơi luôn thuộc về nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đã có những đôi mắt rưng rưng tiễn nhau nơi cầu cảng, lặng lẽ nhìn nhau mà khoảng cách cứ xa dần khi con tàu rời bến; những ánh mắt bỡ ngỡ, ngơ ngác của những người lính mới khi còn đang ở dưới xuồng nhìn lên hòn đảo bé nhỏ mà mình sắp đặt chân lên; những ánh mắt đó lại bịn rịn, bần thần khi hoàn thành nhiệm vụ rời đảo về đất liền, xa rồi đấy mà vẫn chan chứa yêu thương; rồi những cặp mắt lại hòa trong cặp mắt khi con tàu chuẩn bị cập mạn về tới đất liền... Bên mắt người, còn có cả những mắt biển, mắt trời bất kể ngày hay đêm đang ngời lên giữa nghìn trùng sóng gió. Đó là hải đăng, là ra-đa, là tàu trên biển đấy... Nhìn đâu cũng thấy cờ Tổ quốc, thấy mắt trùng khơi, để lại thêm vững tâm vào biển của lòng người, biển của cuộc đời mỗi con dân nước Việt".
"Nơi đầu sóng – Mắt trùng khơi" là tác phẩm chung, đánh dấu sự kết hợp của hai tác giả: Một người là kỹ sư yêu biển đảo và một nhà văn, nhà báo. Kỹ sư Trần Vũ Thành là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ.
Tính đến nay, anh có 8 lần đi Trường Sa qua các mùa, tích lũy được nhiều trải nghiệm, luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1.
Nhà thơ - Nhà báo Lữ Mai, hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân Dân, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Chị là tác giả của 6 tập sách, đa dạng về thể loại như: Thơ, truyện ngắn, tản văn… Tháng 5/2019, chị đã có chuyến công tác Trường Sa trên tàu KN 490.
Nhóm tác giả Lữ Mai - Trần Thành cho biết, ngay trong tháng 11 này đã phối hợp với đơn vị tài trợ là thương hiệu Evashoes thực hiện chương trình phát hành, tặng sách ra biển đảo và lan tỏa câu chuyện về các lực lượng ngày đêm canh giữ biển trời cùng hậu phương nơi quê nhà của họ tới cộng đồng.
Bên cạnh đó cũng sẽ phối hợp cùng Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương mang ấn phẩm "Nơi đầu sóng" và triển lãm ảnh biển đảo tới nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội; phối hợp cùng các nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt đầu tuần, tọa đàm… mang ý nghĩa tuyên truyền tình yêu Tổ quốc, biển đảo thiêng liêng.
Sắp tới, từ ngày 21 đến 24/11 nhóm tác giả và các đơn vị phối hợp sẽ mang triển lãm lên A Pa Chải, giới thiệu cho bà con bản làng, các em học sinh vùng biên giới hình ảnh của biển đảo Tổ quốc. Hoạt động này thuộc nội dung tuyên truyền, kêu gọi xã hội chung tay cho chương trình "Xuân biên giới – Tết hải đảo". Theo đó, những món quà mộc mạc, ấm áp của biên giới có thể được gửi ra tận Trường Sa góp vào cái Tết giữa bốn bề sóng gió.
Trước đó, cuốn "Nơi đầu sóng" do NXB Văn học ấn hành với 5.000 bản và Triển lãm ảnh cùng tên giới thiệu 100 hình ảnh tiêu biểu về biển đảo Tổ quốc trong dịp Quốc khánh 2/9/2019 cùng Triển lãm ảnh, tọa đàm, giao lưu, phát động ủng hộ "Xuân biên giới - Tết hải đảo"...
Có thể nói, trong hành trình lan tỏa tình yêu biển đảo qua tác phẩm văn học, những dự án cộng đồng… nhóm tác giả Lữ Mai – Trần Thành nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ những cá nhân, đơn vị khắp mọi miền và truyền thông. Hiện tại, dù sách đang chờ phát hành nhưng đã có những tấm lòng hướng về biển đảo bằng cách đặt mua sách tặng những người lính đảo. Cuối tháng 12 này, khi những chuyến tàu chở mùa Xuân ra nơi đầu sóng, nhóm tác giả sẽ hỗ trợ công tác chuyển sách tới các điểm đảo, nhà giàn DK1, tuyến đảo Tây Nam.