CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:46

Mất 170 năm nữa phụ nữ mới bình đẳng với nam giới về việc làm

 

Đây là thông tin do Oxfam - Liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công vừa công bố trong báo cáo với tiêu đề “Một nền kinh tế mang lại lợi ích cho phụ nữ”, nêu rõ tầm quan trọng của công việc được trả lương là một cách thức giúp phụ nữ thoát khỏi đói nghèo.

Phụ nữ cần được bình đẳng về việc làm và thu nhập.

 

Việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ đòi hỏi phải tạo ra được các cơ hội việc làm chất lượng tốt, được trả lương công bằng và tăng quyền ra quyết định của phụ nữ. Cần đảm bảo các quyền của phụ nữ, giảm đói nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển lớn hơn. Để chấm dứt tình trạng đói nghèo đòi hỏi nhiều nỗ lực khác ngoài tiền bạc.

Mặc dù vậy, bất bình đẳng giới về kinh tế đã lấy đi của phụ nữ tại các nước đang phát triển khoảng 9.000 tỷ đô la Mỹ mỗi năm (tương đương khoảng 205.000 tỷ đồng) – số tiền có thể đem lại lợi ích không chỉ cho phụ nữ mà còn cho các cộng đồng và tạo động lực phát triển toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, những tiến bộ trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong nền kinh tế hiện đạt được ở tốc độ rất chậm, và phụ nữ hiện đang phải sống trong tình trạng nghèo đói nhiều hơn nam giới. Trên thế giới, phụ nữ hiện thu nhập ít hơn so với nam giới và tập trung chủ yếu trong các công việc thu nhập thấp nhất và những công việc kém an toàn nhất. Ở cấp độ toàn cầu, khoảng cách thu nhập trung bình giữa hai giới ở mức 23% và trong các công việc được trả lương, số lượng lao động nữ hiện đang thấp hơn 700 triệu người so với nam giới.

Vẫn còn những bất bình đẳng trong việc làm đối với phụ nữ.

 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra cảnh báo trong năm 2016 tình trạng bất bình đẳng giới không những không được cải thiện mà còn quay về nguyên trạng của năm 2008. Với đà này, phải mất 170 năm nữa hai giới mới đạt được bình đẳng về việc làm, về mức lương và về cơ hội thăng tiến. Rõ ràng, cần một sự thay đổi mang tính cấu trúc. Các bằng chứng cho thấy mặc dù bình đẳng giới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế lại chưa hỗ trợ nhiều cho bình đẳng giới.

 Mô hình kinh tế hiện nay đang tích lũy của cải cho những người giàu nhất, gây ra bất bình đẳng kinh tế nghiêm trọng và bỏ lại những phụ nữ nghèo nhất ở phía sau. Hiện nay, 8 người đàn ông giàu có nhất đang sở hữu khối tài sản bằng 3,6 tỷ người nghèo nhất cộng lại. Sự gia tăng bất bình đẳng đã làm chậm lại những nỗ lực giảm đói nghèo, và đại đa số người nghèo trên thế giới vẫn là phụ nữ.

Để trao quyền kinh tế cho phụ nữ, cần tác động để nền kinh tế đem lại lợi ích cho phụ nữ. Những định kiến xã hội cổ hủ đã hạ thấp giá trị của phụ nữ và hạn chế công việc của họ: Nghiên cứu tại 67 quốc gia đang phát triển chỉ ra trung bình cứ 5 nam giới lại có 1 người không đồng tình với việc phụ nữ đảm đương những công việc khác ngoài công việc nội trợ, thậm chí ngay cả khi họ có đủ năng lực để đảm nhiệm.

Nguyên Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho biết: “Mặc dù đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, thực tế còn tồn tại nhu cầu bức thiết cần tháo gỡ những rào cản mang tính cấu trúc trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo phụ nữ được hưởng lợi trong các hoạt động kinh tế … Nếu thế giới mong muốn đạt được các mục tiêu phát triển bền vững thì chúng ta cần một bước nhảy vọt trong việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ”.

Ở khu vực châu Á, thu nhập phụ nữ kiếm được chỉ bằng khoảng 70-90% so với nam giới. Một trong những nguyên nhân lý giải thực tế này là do phụ nữ chủ yếu đảm nhận những công việc được trả lương thấp nhất và chủ yếu làm việc trong những khu vực không chính thức. Có khoảng 75% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực không chính thức, trong đó họ không được hưởng các chế độ như nghỉ ốm hay nghỉ thai sản được hưởng lương.

Bất bình đẳng giới tồn tại dai dẳng đồng nghĩa với việc công việc của phụ nữ bị hạ thấp giá trị, và phụ nữ có ít khả năng được trao quyền để tuyên bố những quyền lao động của mình. Phụ nữ cũng đảm nhận khối lượng công việc chăm sóc không lương gấp khoảng 2,5 lần so với nam giới, trong khi tính trên phạm vi toàn cầu khối lượng công việc không lương này trị giá khoảng 10.000 tỷ USD.

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ và doanh nghiệp ở các quốc gia đảm bảo các cơ hội kinh tế cho phụ nữ. Trước hết, cần đảm bảo phụ nữ có công việc thích đáng, bao gồm thu nhập bình đẳng, hợp đồng lao động ổn định và điều kiện lao động an toàn. Thứ hai, cần ghi nhận, giảm thiểu và tái phân bổ công việc chăm sóc không lương. Sau cùng, cần ủng hộ tiếng nói của phụ nữ trong các phong trào lao động, bình quyền, sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trên chính trường.”

 Oxfam cũng kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ phụ nữ để họ có quyền tiếp cận công bằng tới những công việc an toàn, thích đáng, được trả lương bình đẳng và hướng tới một thế giới không còn bất công, đói nghèo.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh