CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:13

Hơn 3,5 triệu phụ nữ vay vốn thoát nghèo

 

Chị em vay vốn chính sách thoát nghèo.

 

Chị Phàn Thị Thủy, thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, người phụ nữ dân tộc Dao nơi miền sơn cước không những thoát nghèo mà còn thoát nghèo bền vững, trở thành một trong những tấm gương làm kinh tế giỏi nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Năm 2005, gia đình chị lần đầu được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Có vốn trong tay, vợ chồng chị đồng thuận dùng số tiền vay được để mua ngựa giống và cỏ giống. Từ việc là người đầu tiên ở thôn trồng cỏ giống và đầu tư vào mô hình nuôi ngựa bạch hiệu quả, giờ đây gia đình chị đã có đa dạng giống cây trồng và vật nuôi với hơn chục con trâu, bò, ngựa bạch, lợn đen…

Trước ý chí thoát nghèo và tấm gương giàu nghị lực về phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ rừng, năm 2008, chị Thủy được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tại, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Thủy quản lý có 38 tổ viên với dư nợ hơn 1 tỷ đồng, số dư tiết kiệm đạt gần 20 triệu đồng. Vốn vay, chủ yếu được tổ viên sử dụng vào phát triển chăn nuôi bò, ngựa, trồng cỏ cho gia súc.

Ông Phùng Minh Thóc, Giám đốc NHCSXH huyện Mèo Vạc cho biết: Hoạt động cho vay ủy thác qua Hội LHPN trên địa bàn luôn được đánh giá đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là, Hội phụ nữ xã đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ vay vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người vay. Ngoài nguồn vốn vay từ NHCSXH, Hội đã đẩy mạnh khai thác nguồn nội lực, phát động chị em chung tay tiết kiệm, để tạo thêm nguồn vốn cho chị em nghèo vay để tăng gia sản xuất, trồng trọt. Hoạt động tiết kiệm vừa tạo được sự đa dạng nguồn vốn vay, vừa giúp chị em nâng cao được nhận thức về việc sử dụng đồng vốn, tiết kiệm chi tiêu và đầu tư đồng vốn sao cho hiệu quả nhất để từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Chị Cao Thị Hoa (Thái Nguyên) vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình.

 

Là tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất từ NHCSXH với 61.406 tỷ đồng, chiếm 39,54%, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ; đồng thời, là nguồn lực thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam đã luôn chú trọng lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn như chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề gắn với hướng dẫn tạo việc làm tại chỗ, kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để giảm chi phí đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của Hội cũng được chỉ đạo đẩy mạnh, trong đó chú trọng các vấn đề về đào tạo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao ý thức trách nhiệm. Nhờ đó, các cấp hội đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, sáng tạo, đổi mới trong cách làm; chú trọng công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay vốn. Các địa phương đã gắn kết vai trò, trách nhiệm của cán bộ phụ nữ trong công tác vận động, hỗ trợ thay đổi nhận thức và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của hội viên phụ nữ. Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho hàng chục nghìn cán bộ hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn do Hội quản lý. Nhờ đó, việc thực hiện dịch vụ ủy thác tại các cấp hội đạt hiệu quả cao. Hoạt động ủy thác của Hội LHPN trong những năm qua luôn đáp ứng “5 nhất”: quản lý dư nợ lớn nhất (61.406 tỷ đồng); tăng trưởng hằng năm nhiều nhất; quản lý nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn nhất (72.090 tổ); quản lý số hộ vay vốn lớn nhất (hơn 2,6 triệu hộ), chất lượng tín dụng tốt nhất, nợ quá hạn chiếm 0,27%, thấp nhất trong các đoàn thể.

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Một trong những định hướng của Hội trong thời gian tới là đẩy mạnh việc lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sinh kế. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của cán bộ hội cơ sở, Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Duy trì hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh