CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:15

“Ma men” và nỗi kinh hoàng mang tên “xe điên”

 

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) khiến 3 người tử vong xảy ra vào trưa 29/2, rồi vụ xẩy ra ở đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 3/3, làm chết 2 bà cháu đã khiến hàng triệu  người bàng hoàng, không tin đó là sự thật.

Người điều khiển phương tiện giao thông cần nhận thức rõ hệ lụy khôn lường do rượu – bia gây ra.

 

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Nguyễn Quang Vinh, 39 tuổi, trú tại quận Long Biên – người điều khiển chiếc xe Camry gây ra vụ tai nạn trên khai nhận, trước đó có sử dụng rượu. “Ma men” và nỗi lo mang tên “xe điên” – tài xế không làm chủ được tốc độ, phương hướng… đang thực sự là nỗi ám ảnh của không ít người dân.

Thực tế cho thấy, TNGT nói chung và vụ TNGT do “xe điên” gây ra nói riêng có nhiều nguyên nhân, song theo đánh giá sơ bộ của Cục CSGT (Bộ Công an) cho thấy, có trên 70% số vụ TNGT xảy ra có lỗi chủ quan từ người điều khiển phương tiện. Trong số này, có không ít trường hợp đã sử dụng rượu – bia vượt ngưỡng trước khi điều khiển phương tiện lưu thông trên phố.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Xuân Thắng, Khoa Hồi sức ngoại – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội chia sẻ, số ca TNGT nhập viện trong thời gian qua, chiếm tới ¾ số vụ là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não do trước đó đã sử dụng rượu – bia, điều khiển phương tiện và khi gặp tình huống trên đường đã không chủ động xử lý kịp.

Đại úy Phạm Văn Chiến, Đội phó Đội CSGT số 3, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho hay, trong thời gian qua, đơn vị đã luôn quán triệt việc cắt cử các tổ công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông phạm lỗi liên quan đến việc sử dụng rượu – bia. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại tình trạng người dân phớt lờ quy định, lui tới quán nhậu và điều khiển phương tiện trong trạng thái… lâng lâng. Sau khi sử dụng rượu - bia, khả năng phán đoán, phản xạ của bản thân trong lúc điều khiển phương tiện giao thông lưu thông trên đường sẽ bị hạn chế đi rất nhiều.

Cũng theo Đại úy Phạm Văn Chiến, nỗi lo về TNGT liên quan đến “ma men” càng cận kề hơn đối với những trường hợp điều khiển xe ôtô số tự động. Người sử dụng rượu – bia khi điều khiển phương tiện dạng này do phản xạ bị hạn chế nên gặp tình huống bất ngờ trên đường, việc “đạp chân phanh nhầm thành chân ga” rất dễ xảy ra. Qua những vụ TNGT liên quan đến “xe điên” thời gian qua cho thấy, có nhiều trường hợp tài xế xe ôtô (số tự động) trong lúc luống cuống, phản xạ hạn chế đã đạp nhầm chân ga thay vì đạp chân phanh.

Ngày 3/3, trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng người tham gia giao thông cũng như ngăn ngừa số vụ TNGT đau lòng xảy ra, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có quy định cấm hành vi sử dụng rượu – bia quá mức quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, vậy nhưng nhiều người vẫn vi phạm. Thống kê của Cục CSGT cho thấy, chỉ tính riêng từ ngày 27/2 đến ngày 2/3, toàn quốc đã xảy ra 121 vụ TNGT làm chết 87 người và bị thương 82 người. Nhìn vào con số này, ta thấy thật đáng lo ngại khi bình quân mỗi ngày, đã có 17 người tử vong vì TNGT.

 “Ma men” và mối liên hệ với “xe điên” gây tai nạn là thực trạng nhức nhối cần sự nhập cuộc của các ngành, các cấp. Sẽ hết “ma men”, sẽ hết “xe điên” nếu người vi phạm bị xử phạt nghiêm minh. Do vậy, ngay từ bây giờ, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, xử  lý điểm những trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là việc mà cơ quan thực thi pháp luật cần thực hiện quyết liệt hơn. Đồng thời, bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông nhận thức rõ hệ lụy do bia – rượu gây ra. 

 

Theo Điều 5 – Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, sẽ phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Bên cạnh đó, trong trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở còn bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh