THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:04

Chỉ tại... “con ma men”!

 

Ảnh minh họa. 

Những chuyện cười ra... nước mắt

Tình yêu của anh Huỳnh Ngọc Phát và chị Trần Thị Lụa ở một huyện nghèo của tỉnh Phú Thọ thật đẹp. Sau khi hết nghĩa vụ quân sự, anh Phát phục viên về quê và cùng chị Lụa nên vợ nên chồng. Anh chị sinh được ba cậu con trai đều ngoan, lễ phép và khôi ngô. Mỗi khi ở làng, nhà ai có công việc, anh đều được nhờ đến làm giúp. Mới đầu những bữa tiệc, anh cùng uống với mọi người một, hai chén rượu cho vui. Dần dần những chén rượu ngày một tăng lên, cũng chỉ vì anh nể nang, vì những lời khích bác giữa người nọ với người kia nên ai cũng cố tỏ ra mình là người biết uống rượu... Uống riết anh trở thành “ma rượu” lúc nào không hay. Sau những lần say rượu, anh đập phá đồ đạc trong nhà và đánh chửi vợ, con. Nhiều lần anh đánh vợ bầm tím hết mặt mũi và chân, tay phải đi trạm xá.

Cũng chỉ vì nghĩ “xấu chàng hổ ai” nên chị Lụa âm thầm chịu đựng, nhưng rồi anh vẫn chứng nào tật nấy, những trận đòn ngày càng dày hơn, chị đành nhờ đến sự can thiệp của Hội Phụ nữ, của công an khu vực, nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn, anh lại “ngựa quen đường cũ”, rồi những cuộc cãi vã, những trận đòn nối tiếp nhau. Chị Lụa vì thương các con nên cố gắng chịu đựng, không dám li dị, nhưng chị luôn sống trong lo sợ, lo rồi một ngày nào đó chị không còn đủ sức để lo cho các con chị trưởng thành...

Trường hợp khác cũng ở Phú Thọ- vì rượu mà hai cậu cháu kiện nhau ra tòa! Đó là vào một buổi chiều mưa gió, sau khi uống rượu ngà ngà say cùng mấy người bạn, anh Nguyễn Văn Nam lấy trộm xe máy của anh Phạm Văn Sơn (cháu ruột) mang đi bán, nhưng đã bị phát hiện. Sau đó anh Sơn viết đơn tố cáo cậu ruột lấy cắp xe và 5 triệu đồng để trong cốp... Để cho mọi chuyện trong ấm ngoài êm, cũng như không bị sứt mẻ tình ruột thịt, gia đình anh Nam nói chuyện để anh Sơn rút đơn tố cáo về, nhưng anh Sơn vẫn khăng khăng không chịu. Kết cục là anh Nam bị bắt tạm giam ở huyện để điều tra...

Chị Nguyễn Thị Bích tâm sự với người viết : “Chị khổ lắm em ơi, nào ai mà biết được có ngày chồng chị lại đối xử với chị như thế này. Ngày trước anh ấy rất thương chị, biết chia sẻ công việc gia đình và nuôi dạy con cái cùng với chị, vậy mà bây giờ... cũng chỉ tại rượu nên chồng chị mới trở thành con người hoàn toàn khác, một kẻ vũ phu...” – Càng nói giọng chị như nghẹn lại, tôi hiểu những buồn đau đang chất chứa trong chị.Vợ chồng chị Bích, anh Tú, sinh được 4 cô con gái, các cháu đều ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, biết nghe lời bố mẹ. Nhưng rồi chuyện không hay vẫn xảy ra, mà nguyên nhân chính do rượu gây nên. Trong những bữa tiệc,  anh Tú được mời tới dự. Nhưng khi vào tiệc, anh bị xếp cho ngồi mâm dưới vì toàn đẻ ra “lũ vịt”, rồi khi rượu lâng lâng, anh bị kích bác, bị chê bai rằng không có con trai nối dõi tông đường, rằng không biết đẻ,... Anh Tú rất buồn và chỉ biết uống rượu để quên đi những lời cay nghiệt kia. Rốt cuộc anh trở thành kẻ nát rượu, rượu đã khiến anh không làm chủ được bản thân, nên mỗi khi đi ăn cỗ bàn về anh luôn say khướt, ngày nào anh cũng chìm trong men rượu. Anh sinh ra hắt hủi và đánh đuổi vợ, con ra khỏi nhà, anh còn bắt con bỏ học vì anh cho rằng, con gái học chẳng để làm gì. Thậm chí, anh còn đòi lị dị chị để lấy vợ khác biết đẻ con trai cho anh có người nối dõi... Những lần anh đuổi đánh chị và phá phách nhà cửa, chị không còn cách nào khác phải chạy sang nhà hàng xóm và rất nhiều lần chị phải nhờ tới sự can thiệp của công an khu vực, chính quyền và Hội Phụ nữ trong thôn; có lần anh bị triệu tập xuống cả UBND xã, nhưng rồi mọi chuyện vẫn tiếp diễn...

 Cần sự vào cuộc của chính quyền

Xã hội ngày một phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nói chung và các vùng nông thôn nói riêng càng được nâng cao. Nhưng song song với sự phát triển ấy vẫn còn rất nhiều hủ tục, thói gia trưởng, độc đoán, chưa có sự bình đẳng giữa nam và nữ.

Ảnh minh họa.

Thực tế hiện nay tại các miền quê mỗi khi có công to việc lớn, dựng vợ, gả chồng, chỉ vì muốn được hay, tiếng tốt với dân làng nên dù không có mâm cao cỗ đầy, nhưng rượu đòi hỏi phải dư thừa cho bằng bạn bằng bè, đỡ bị mang tiếng là tiết kiệm... Uống rượu còn để “khoe” rằng mình là dân biết ăn nhậu, sự hơn thua và cả chuyện “không biết đẻ con trai”... cũng tìm đến rượu.

Vì vậy, chúng ta cần chung tay, góp sức của chính quyền sở tại nói chung và Phú Thọ nói riêng, nên có những biện pháp hữu hiệu hơn để răn đe; thậm chí là những hình phạt đích đáng để những người mà quanh năm chân lấm tay bùn hiểu rõ được tác hại của việc uống rượu vô tội vạ, cũng như những hành động mà họ gây ra, khiến cho không những ảnh hưởng tới bản thân, gia đình mà còn ra cả cộng đồng, chứ không nên khua chuông gõ mõ thật to và rồi “đánh trống bỏ dùi”...

Muốn cho một cộng đồng văn minh, đòi hỏi phải có sự nhiệt tình, lăn xả của những người lãnh đạo đã được nhân dân tin tưởng lựa chọn. Có như vậy, mỗi làng quê Việt mới giữ được mãi tiếng thơm muôn đời: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, để quê hương là chốn yên bình cho ta neo đậu...

Cù Thị Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh