THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:10

Những chàng trai Ê Đê giữ sắc màu thổ cẩm

 

Dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số từ bao đời nay. Hiện nay người biết dệt giảm đi rất nhiều bởi ruộng vườn, nương rẫy, bươn chãi giữa cuộc sống hiện đại đã chiếm hết thời gian của mọi người. Người lớn thì tập trung đi làm kinh tế, còn lớp trẻ thì tập trung hết vào học hành nên nhiều phụ nữ, nhất là những người trẻ không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm nữa.

Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm dần mai một, 2 chàng trai người dân tộc Ê Đê vượt qua định kiến của chế độ mẫu hệ trong xã hội truyền thống, đan gùi và rèn là nghề của đàn ông, còn dệt thổ cẩm là nghề chỉ dành riêng cho phụ nữ. Đã dệt ra những tấm thổ cẩm độc đáo, đặc sắc góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình.

 

Y Dhông ngồi dệt bên khung cửi


Y Dhông Buôn Yă (sinh 1994) như bao đứa trẻ Ê Đê khác lớn lên cùng những đêm kể khan trong ngôi nhà dài, được nghe tiếng giã gạo, xem chàng trai cô gái trong bộ đồ truyền thống nắm tay nhau nhảy múa bên bếp lửa bập bùng. Y Dhông yêu hoa văn rực rỡ nhiều màu sắc trên từng chiếc khăn, tấm chăn, đồ truyền thống. Khi các bạn cùng trang lứa đi bắn nỏ bẫy chim thì Y Dhông lân la cạnh các mí, các mẹ dệt bên khung cửi. Niềm đam mê, yêu thích văn hóa độc đáo của Ê Đê lớn dần theo năm tháng. Trong bản làng cộng đồng Ê Đê từ trước tới nay đàn ông không ai học dệt, khi Y Dhông nói ra nguyện vọng bị gia đình phản đối, xin học không ai dạy. Dhông tự quan sát cách kéo chỉ, dệt hoa văn rồi xin tiền mẹ lén mua chỉ về tự mày mò dệt. Mẹ của Y Dhông, bà H’Duyên là người luôn ủng hộ thế hệ trẻ lưu giữ giá trị truyền thống, nhưng bà phản đối con trai học dệt. Đến khi nhìn thấy sản phẩm của con mình dệt cùng sự đam mê bà miễn cưỡng đồng ý.

Đến nay, Y Dhông không chỉ dệt đẹp mà còn biết dệt nhiều hoa văn độc đáo của người Ê Đê. Trong các ngày lễ hội văn hóa, chàng trai trẻ luôn được chọn đi thi. Y Dhông chia sẻ: Trong những dịp được tham gia các hoạt động ở các lễ hội không chỉ được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm được biết nhiều và mình thấy bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc. Các hoa văn hầu như tôi đều dệt được. Những lần đi đến các bản làng sâu xa, thấy ai dệt thổ cẩm họa tiết lạ Y Dhông ngắm nghía cách dệt thật kỹ, rồi mượn về dệt cho bằng được và lưu giữ lại để mai này cho con cháu mình biết. Tình yêu văn hóa dân tộc của chàng trai Ê Đê này đang tạo thêm sức lan tỏa cho các thế hệ trẻ ở quê hương trong việc bảo tồn gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc mình.

Khác với Y Dhông, chàng trai nhí Y Dhăm Hmok (14 tuổi, buôn Huê, xã Ea Kao) được mẹ và bác hướng dẫn dạy dệt từng họa tiết hoa văn khi biết em có đam mê với nghề truyền thống. Ngay từ nhỏ được sống trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Ê Đê và chính sắc màu rực rỡ đã cuốn hút em đến với khung cửi. Theo lời kể của Y Dhăm, gia đình có sẵn khung dệt, mỗi lần mẹ và bác dệt em lại say sưa ngồi xem. Lên 10 tuổi là em đã biết dệt. Sau thời gian học ở trường, phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy, có thời gian rảnh em lại miệt mài bên khung dệt tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ để làm nên bộ khố áo tấm chăn đẹp. Dù sản phẩm làm ra không nhiều nhưng em làm với tất cả niềm đam mê và lòng yêu nghề. Nay, em mới 14 tuổi nhưng đã có hơn 4 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, dệt được nhiều bộ váy áo, khăn, túi với các hoa văn độc đáo.

 

Y Dhăm Hmok miệt mài bên khung dệt tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ


Y Dhăm cho biết: Nghề này đòi hỏi sự kiên trì, đôi tay khéo léo, sự sáng tạo. Khó nhất là công đoạn tạo hoa văn. Hồi đó theo lời chỉ dạy của mẹ, em cũng chỉ biết dệt thành tấm thổ cẩm bình thường chưa biết cách làm căng, chưa biết cách phối màu và dệt các hoa văn. Sau này, khi làm nhiều, học nhiều em đã dệt được những tấm thổ cẩm đẹp và dệt được các hoa văn độc đáo. Vừa nói em vừa thoăn thoắt mắc khung dệt, thoáng cái đã tạo thành những hoa văn đặc sắc trên tấm thổ cẩm.

Để những mẫu hoa văn cổ không bị thất truyền, hàng năm vào các dịp lễ của đồng bào tổ chức các cuộc thi dệt thổ cẩm tìm thợ dệt giỏi nhằm phát hiện thêm các hoa văn cổ còn bảo lưu trong dân. Qua đó, tìm những thợ giỏi, nghệ nhân trẻ làm người hướng dẫn dạy nghề cho thế hệ trẻ, để tiếp nối cùng nhau gìn giữ những nét đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hợp tác xã cùng với các nghệ nhân cũng đang tích cực sưu tầm các mẫu hoa văn cổ thông qua tư liệu hình ảnh, trang phục còn cất giữ ở các làng Chăm trong tỉnh, để nghiên cứu phục dựng lại các mẫu hoa văn đẹp, tinh xảo nhằm đưa vào sản xuất. Trong cuộc thi dệt thổ cẩm, ở ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ X năm 2018 được tổ chức tháng 3 vừa qua, Y Dhăm đã đạt giải nhì.

Theo cán bộ văn hóa, Sở văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk, thổ cẩm không đơn thuần là tấm vải bình thướng mà ẩn chứa cả tâm hồn của người Ê Đê, mỗi sản phẩm làm ra thể hiện đôi bàn tay tài hoa và công sức miệt mài của người dệt. 

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh