THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:34

Lương của nghệ sĩ: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

 

Giờ động vào thì chẳng khác nào chạm đến nỗi đau. Một thực tế rất dễ nhận thấy hiện nay là, hầu hết các diễn viên ở mảng sân khấu truyền thống dân tộc, vào nghề khi chỉ mới 15, 16 tuổi. Ở mảng sân khấu kịch nói, thường các diễn viên trẻ tốt nghiệp đại học Sân khấu điện ảnh rồi mới đầu quân về một đơn vị nào đó. Độ tuổi chuẩn hiện nay khi tốt nghiệp là 22. Trước đó, diễn viên được đào tạo ở hệ trung cấp và cao đẳng thì tuổi làm nghề trẻ hơn.

Như NSND Lê Khanh vào Nhà hát Tuổi trẻ học khi mới 16 tuổi. Chỉ sau một học kỳ, tức là nửa năm, chị đã cùng thế hệ diễn viên khóa đầu tiên của nhà hát này, ngày thì học, đêm thì diễn, tức là đã lao động và cống hiến cho nghệ thuật từ ngày ấy. Tốt nghiệp, chị được nhận ngay vào biên chế và hưởng đúng mức lương quy định cho diễn viên được đào tạo ở hệ trung cấp. Theo quy định, người hưởng lương ở bậc đào tạo này cứ hai năm tăng một bậc cho đến khi kịch trần.

Với một người lao động sớm như Lê Khanh thì những bậc thang lương ấy là quá ít. Cụ thể, chị được hưởng mức lương của diễn viên hạng Ba, viên chức hạng B và bậc lương cao nhất là 4,06. “Tính đến nay, tôi đã đạt mức lương kịch trần được... 17 năm”, chị tiết lộ.  Điều ấy có nghĩa, trong suốt 17 năm đó và cả những năm sau này chị chỉ nhận được một khoản vượt mức không đáng kể dù sức lao động nghệ thuật đang sung.

Chị và những bạn bè cùng học thời đó như NSND Lan Hương,  NSƯT Chí Trung... qua quá trình lao động nghệ thuật đã không chịu dừng lại ở tấm bằng trung cấp mà tiếp tục đi học đại học đạo diễn sân khấu, thậm chí là học thạc sĩ và cao hơn nữa. Tuy nhiên, những kết quả này chỉ giúp nghệ sĩ mở mang kiến thức, cống hiến được nhiều hơn chứ không tác động gì vào bậc lương trung cấp được ấn định từ trước, kể cả khi đã ở mức... hết bậc. Ngay cả những danh hiệu NSƯT, NSND cũng chỉ là... danh hiệu, cộng thêm một chút tiền thưởng chứ không liên quan gì đến bậc lương, vốn là một khoản thu nhập chính và lâu dài của nghệ sĩ.

Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, sự cống hiến của những nghệ sĩ đầu tiên của nhà hát đang được hưởng một mức lương rất không xứng đáng nhưng chúng tôi không thể phá vỡ quy định về mức lương của Nhà nước. Chúng tôi cũng đã đề nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy sự thay đổi nào.

NSƯT Đặng Bá Tài, Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, anh đã đạt mức lương kịch trần từ... 10 năm nay. Những đối tượng đã quá mức lương cao nhất (đối với hệ đại học là 4,98) ở Nhà hát anh rất nhiều. Nếu như hoạt động ở lĩnh vực khác, họ có thể thi lên chuyên viên để hưởng mức cao hơn. Không thể tự ý thay đổi quy định về  mức lương nên Nhà hát Tuồng Việt Nam thường bồi dưỡng  cho những NSƯT, NSND  sau mỗi buổi diễn cao hơn chút ít, nhưng số tiền này vẫn không đáng kể.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, cho biết: Theo quy định nếu muốn được nâng bậc lương thì các nghệ sĩ cũng phải qua thi tuyển như công chức, viên chức thi lên chuyên viên. Tuy nhiên, vì diễn viên là đối tượng đặc biệt nên không thể thi chung với các viên chức khác, mà hiện nay lại chưa có cơ chế thi nâng bậc cho đối tượng đặc biệt này nên tạm thời họ vẫn phải chịu thiệt thòi.

Nỗi khổ này đã được các nghệ sĩ kêu trời từ bao năm nay và không phải các nhà quản lý không biết. Cũng đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến nhằm  nâng hạng ngạch cho nghệ sĩ, nhưng bao năm rồi vẫn chưa thể thay đổi. 

KIM NGỌC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
2 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh