CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:18

Lương công nhân may không đủ trang trải cuộc sống

 

Vật lộn với cuộc sống

Mới đây, Oxfam tại Việt Nam tổ chức tọa đàm về mức lương của công nhân chuỗi cung ứng may mặc và thực trạng đời sống của họ. Tại đây Oxfam đã đưa ra một kết quả nghiên cứu về “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy”. Nghiên cứu này Oxfam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn thực hiện tháng 5.2018, với 157 người tại 6 doanh nghiệp may thuộc 4 vùng lương. Kết quả cho thấy, nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu. 1/3 số công nhân không tiết kiệm được tiền, luôn trong tình trạng vay nợ. 69% công nhân được khảo sát cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình; 53% công nhân cho rằng không đủ tiền để trang trải những chi phí khám chữa bệnh, chi trả thuốc men; 37% cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

 

Các đại biểu thảo luận về thu nhập của lao động ngành may.

 

Về thức ăn và dinh dưỡng, có 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng (trong đó, 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn); 6% cho biết vào cuối tháng, công nhân chỉ ăn cơm chan canh xuông; 96,2% nói họ lo lắng về an toàn, học hành và dinh dưỡng của con cái trong thời gian họ ở nhà máy. Liên quan tới vấn đề làm thêm giờ và vấn đề sức khỏe, khảo sát cho thấy: 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, nếu có đi vệ sinh thì nhanh chóng để quay về làm việc, 28% lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe.

Bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu công nhân và Công đoàn chia sẻ: “Hầu hết công nhân trong nghiên cứu này đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình và không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái họ. Nhiều công nhân có kế hoạch và ước mơ cho tương lai nhưng không nhìn thấy công việc hiện tại có thể giúp họ đạt được ước mơ như thế nào. Họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình và không tiết kiệm được gì từ tiền lương của họ ngoại trừ một khoản tiền từ BHXH nếu họ mất việc”.

Tăng lương cơ bản không tăng thu nhập

Nghiên cứu này cũng cho thấy, công nhân may thường được trả lương theo sản phẩm. Tuy nhiên các công ty thường dựa trên đơn đặt hàng từ các khách hàng để xây dựng đơn giá sản phẩm. Nên khi các nhãn hàng thời trang tìm kiếm mức giá thấp nhất để đặt hàng, các công ty sẵn sàng chấp nhận để duy trì hoạt động kinh doanh. Vì vậy, lương tối thiểu quốc gia tăng nhưng tổng thu nhập của công nhân ngành may không tăng. Công nhân ngành may chỉ có thể tăng lương bằng cách sản xuất nhiều sản phẩm hơn điều đó đồng nghĩa với việc họ phải làm thêm giờ.

Na, công nhân may ở Ninh Bình đã làm ở công ty được 8 năm. Chị cho biết, cách đây 8 năm, chị may cạp quần đơn giá là 400 đồng/ chiếc. Đến nay chị vẫn may cạp quần, đơn giá vẫn vậy. Đơn giá không tăng dù doanh thu của công ty tăng. Thu nhập của chị gần như vẫn vậy sau 8 năm, có tăng đôi chút là do chị làm thêm giờ và do chị may nhiều nên quen tay.

 

Để tăng thu nhập đảm bảo trang trải cuộc sống các công nhân may phải tăng ca làm thêm.

 

Kết quả nghiên cứu này cũng cho biết, trong số các cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam kể từ năm 1995 đến nay, có đến 39,5% cuộc diễn ra trong lĩnh vực may mặc và một trong những lý do chính là liên quan đến tiền lương. Tất cả các công nhân được phỏng vấn cho biết, họ mong muốn có mức lương cao hơn nhưng không dám lên tiếng mạnh vì sợ ảnh hưởng đến việc làm. Do đó các công nhân cho biết họ mong muốn công ty có nhiều đơn hàng hơn, để họ có thể làm thêm giờ.

Theo các chuyên gia, ngành dệt may ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là gia công sản phẩm cho các công ty, thương hiệu thời trang nước ngoài. Các thống kê cũng cho thấy, giá trị gia tăng lợi nhuận từ khâu này thấp hơn nhiều so với khâu thiết kế và bán hàng. Tiền lương thấp là kết quả của thương mại không công bằng trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu. Ngành may mặc là một ngành đầu tư sinh lợi lớn. Các nhãn hàng thời trang phát triển và nhanh chóng tăng doanh thu, đồng thời tìm cách tối đa hóa lợi nhuận và lợi tức cho cổ đông của họ. Trong khi các nước châu Á xác lập mức lương tối thiểu thấp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam cho rằng, các nội dung trong tọa đàm về tiền lương không đủ sống của công nhân trong chuỗi cung ứng ngành may ở Việt Nam giúp các bên nhìn bức tranh tổng thể để tìm giải pháp cho một vấn đề tồn tại đã lâu mà chưa giải quyết triệt để với các cách tiếp cận giải pháp ở tầm vĩ mô hiện nay. Việc giải quyết vấn đề tiền lương thấp và điều kiện làm việc kém không thể là giải pháp quốc gia mà phải là giải pháp toàn cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Các đại biểu cùng bàn về những khuyến nghị cụ thể cho các bên trong chuỗi cung ứng như các nhãn hàng và khách hàng quốc tế, các doanh nghiệp ngành may trong nước, Chính phủ, công đoàn và người tiêu dùng. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một lộ trình nâng mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống. Lộ trình này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, doanh nghiệp, nhãn hàng và công đoàn. Người tiêu dùng cũng là một tác nhân quan trọng giúp gây ảnh hưởng và thúc đẩy lộ trình này bằng cách bày tỏ sự quan tâm và mong đợi của mình đối với các nhãn hàng thời trang mình yêu thích về thực hành ứng xử có đạo đức trong hoạt động kinh doanh thông qua trả lương đủ sống.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh