CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:48

Sửa luật, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐ-TB&XH. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ luật Lao động sửa đổi đã chuẩn bị và sẽ trình Chính phủ thảo luận tại phiên họp cuối tháng 2/2019, trước khi trình xin ý kiến Quốc hội. “Trong Bộ luật Lao động sửa đổi có nhiều nội dung liên quan đến trực tiếp người lao động như: Giờ làm thêm, lương tối thiểu vùng, xây dựng quan hệ lao động, vấn đề điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu, ngày nghỉ Tết lễ... cần cho ý kiến để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐ-TB&XH trong thời gian qua.


Chủ tịch Bùi Văn Cường đánh giá, trong nhiều năm qua, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐVN phối hợp chặt chẽ và đã có chương trình phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới khi Việt Nam tham gia CPTPP và cộng đồng ASEAN đặt ra nhiều vấn đề về hoạt động của công đoàn và quan hệ lao động. Vì thế, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn cần xây dựng Chương trình phối hợp trong giai đoạn mới để triển khai thực hiện. Đồng thời, hai bên bàn một số nội dung Bộ luật Lao động sửa đổi và sửa đổi Luật công đoàn.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đề xuất một số nội dung Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐ-TB&XH trong giai đoạn tới.


Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐ-TB&XH diễn ra thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả, tập trung vào các nội dung chính: Nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các luật, các nghị định hướng dẫn thi hành trong các lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, giáo dục nghề nghiệp…; Thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp; Thực hiện Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; Chương trình Quốc gia về việc làm; Đàm phán, ký kết, gia nhập và báo cáo việc thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế; Thực hiện các biện pháp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội nghị.

 

Để tăng cường sự phối hợp giữa hai cơ quan, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, Tổng LĐLĐVN đề xuất xây dựng Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2019 – 2023, tập trung vào 7 nội dung chính: Tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn sửa đổi, cũng như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động, tổ chức công đoàn. Trong việc xây dựng Bộ luật Lao động, hai bên phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến trực tiếp từ chủ sử dụng lao động và người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội nghị.


Phối hợp xây dựng tiền lương tối thiểu vùng năm 2020. Theo ông Hiểu, hiện nay, tình trạng người sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trên thực tế còn nhiều, thậm chí có nơi khá nghiêm trọng. Do đó, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi vi phạm. Chú trọng thêm nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về công đoàn trong doanh nghiệp.

Tổng LĐLĐVN tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp; triển khai các chương trình hành động cụ thể, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn, người sử dụng lao động và người lao động trong cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo sức khỏe, bảo đảm tính mạng của người lao động. Tổ chức lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm. Tăng cường công tác quản lý máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; rà soát, kiểm tra các khu vực có nhiều nguy cơ mất an toàn lao động nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động và người dân.

Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Chủ động theo dõi, tích cực phối hợp xử lý các tranh chấp lao động, không để đình công kéo dài, lan rộng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền định hướng, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời, tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp các thông tin, số liệu liên quan trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của hai cơ quan.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Bùi Văn Cường thống nhất một số nội dung trong Chương trình phối hợp trong giai đoạn 2019 - 2023 và Bộ luật Lao động sửa đổi.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh