THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:18

Lừa xin việc vào cơ quan Nhà nước, chiếm đoạt hơn 6,6 tỷ đồng

 

Ngày 17/8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này. Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, mặc dù không có khả năng xin việc làm, nhưng với mục đích chiếm đoạt tài sản, Phương dùng thủ đoạn gian dối khi tự giới thiệu với những người quen là có mối quan hệ rộng, có khả năng xin được biên chế vào làm việc trong các ngành: Giáo dục, Y tế, Thuế, lực lượng vũ trang. Tưởng những điều Phương nói là thật, nhiều người đã đưa hồ sơ và tiền cho người này để nhờ xin việc. 

Qua quan hệ xã hội, chị Bùi Thị Hồng Tươi (32 tuổi, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) nhờ “chạy” vào công chức ngành Giáo dục, công tác tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Phương yêu cầu chị Tươi chi số tiền 350 triệu đồng để Phương xin việc giúp và chị Tươi đã đáp ứng yêu cầu này. Sau khi đưa tiền, chị Tươi chờ đợi nhưng quá hẹn nhiều lần vẫn không nhận được thông báo tuyển dụng nên hỏi thì Phương khất lần. Khi chị Tươi đòi tiền thì Phương mới trả được một phần. 

 

   

 Bị cáo Trần Thị Kim Phương tại phiên xử.

  

Một nạn nhân nữa là bà Nguyễn Phương Thi (58 tuổi, trú tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Khoảng tháng 3-2016, qua quan hệ xã hội, Phương giới thiệu với bà Thi, mình có nhiều mối quan hệ rộng và có khả năng xin được việc làm vào nhiều ngành cho người có nhu cầu. Tin tưởng điều này, bà Thi nhờ Phương xin cho con gái mình vào làm việc tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Phương yêu cầu bà Thi phải chi 800 triệu đồng để chị ta “chạy viên chức” và bà Thi đã đưa đủ số tiền Phương yêu cầu. 

Ngày 21/3/2016, bà Thi được Phương đưa cho một bản photocopy quyết định của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội về việc tuyển dụng cán bộ mang tên con gái bà là chị Nguyễn Phương Thảo vào làm việc tại Khoa Quan hệ quốc tế kể từ ngày 18/4/2016. Ngoài quyết định tuyển dụng photocopy, Phương còn cung cấp đưa cho bà Thi một bản photocopy kết quả xét tuyển viên chức đợt I của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. 

Theo đúng thông báo trên bản photocopy quyết định tuyển dụng, con gái bà Thi đến Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhận việc thì mới biết đấy là quyết định giả. Sau nhiều lần đòi lại tiền, bà Thi mới được Phương trả 275 triệu. Số tiền còn lại, Phương chiếm đoạt không trả.

Đối với hành vi mà Phương sử dụng bản photocopy quyết định tuyển dụng của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Phương khai là do Đỗ Thị Len (SN 1989, trú tại phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đưa cho. Quá trình điều tra, do Len đang vắng mặt tại nơi cư trú nên cơ quan điều tra chưa chứng minh được vai trò của Len cũng như nguồn gốc quyết định giả nên ngày 11/5/2018, cơ quan điều tra đã ra quyết định tách rút tài liệu liên quan đến hành vi của Len để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.

Quá trình điều tra, Phương khai nhận, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2017, Phương đã nhận tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng để xin việc cho 15 trường hợp. Sau khi nhận tiền, Phương không xin việc được cho bất cứ trường hợp nào như cam kết mà chiếm đoạt tiền của họ để chi tiêu cá nhân. Trước khi phiên toà diễn ra, Phương mới khắc phục được một phần nhỏ số tiền đã chiếm đoạt. 

Bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, Điều 174 BLHS năm 2015, bị cáo Phương phải đối diện với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Tại phiên xử, do vắng mặt một số bị hại và để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ nên Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên toà. Bị cáo Trần Thị Kim Phương tại phiên xử.

Đức Long (TH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh