Hiện tượng lừa mới ở Tây Nguyên “Lấy đất Lâm Trường cho thuê”
- Pháp luật
- 13:01 - 07/05/2017
Trong 2 năm 2013 và 2014, ông Phan Xuân Lương có đơn xin mượn 3,5 héc ta đất của lâm trường Buôn Ja Wầm thuộc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm. Nhưng sau đó không mượn nữa đến đầu năm 2017 ông Lương mạo nhận đất của mình rồi cho hai hộ là ông Triệu Vần Phúc (SN 1985) và ông Đặng Chòi Chán (SN 1979) người dân tộc Dao cùng trú tại thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk thuê đất này.
Khi hai hộ dân này triển khai canh tác trên diện tích đất đã thuê của ông Lương thì Lâm trường Buôn Ja Wầm phát hiện, ngăn cản không cho canh tác thì mọi việc mới vỡ lẽ. Công an huyện Cư M’gar đã nhận được đơn kêu cứu: “Xét thấy vụ việc có dấu hiệu lạm dụng, lừa đảo có yếu tố cấu thành tội phạm, nên chúng tôi kiên quyết xử lý vụ việc đúng theo pháp luật. Ông Phan Xuân Lương trước đây đã có một tiền án trộm cắp tài sản bị Tòa tuyên án, hiện nay thường xuyên kích động, lôi kéo nhiều người dân kém hiểu biết để gây rối, tranh chấp đất đai với Lâm trường Buôn Ja Wầm” – ông Trương Công Sơn cho biết.
Cán bộ Lâm trường hàng ngày vẫn đi kiểm tra đất.
Chúng tôi đã vượt qua hơn 30 km tính từ trung tâm huyện Cư M’gar về thôn Thạch Sơn là một thôn nghèo heo hút của xã Ea M’droh thuộc xã vùng 3 của, đa số là người dân tộc Dao di cư từ tỉnh Cao Bằng vào khai hoang lập làng, nhà cửa tạm bợ đất đai ít ỏi, cằn cỗi, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bên căn nhà gỗ mái ngói đã mục nát, xiêu vẹo, bà Triệu Mùi Gến (SN 1982 – vợ ông Đặng Chòi Chán) tâm sự, vào đầu năm 2017 ông Phan Xuân Lương cho gia đình bà cùng gia đình ông Triệu Vần Phúc - người hàng xóm đến thuê 3,5 hec ta đất ở tiểu khu 550 xã Ea Kiết với giá 20 triệu đồng/1 năm. Khi hai gia đình triển khai dọn đất đã thuê chuẩn bị cho trồng trọt thì cán bộ Lâm trường Buôn Ja Wầm ngăn cản không cho làm và giải thích đây là đất của lâm trường đã giải tỏa, mùa mưa năm nay sẽ trồng lại rừng. Lúc đó, hai gia đình ông Triệu Vần Phúc và Đặng Chòi Chán mới biết mình bị Phan Xuân Lương lừa, hai người đến đòi lại tiền thuê đất thì Lương nói cứ làm đi, lâm trường không làm được gì đâu.
Vì tiếc tiền, mỗi gia đình phải đi vay 10 triệu với lãi suất cao để thuê đất, nay đòi ông Lương không trả, nên hai gia đình vẫn kiên nhẫn đến phát dọn, mong muốn trồng trọt để lấy lại chút ít tiền đã bỏ ra thuê đất, dù liên tục bị cán bộ lâm trường đến ngăn cản, thu dụng cụ trong khi phát dọn. Đến giữa tháng 4/2017 khi đã có vài cơn mưa, ông Phúc và ông Chán đưa người đến trồng sắn thì cán bộ lâm trường Buôn Ja Wầm đến tuyên truyền vận động, kiên quyết không cho trồng. Hai ông đã chấp hành và đưa mọi người về nhà, đồng thời gọi điện thoại và tiếp tục đến nhà ông Lương để đòi lại tiền thuê đất. Ông Lương vẫn khăng khăng đó là đất của mình và nói với hai hộ là: “Làm ban ngày bị lâm trường ngăn cản thì làm ban đêm”. “Tôi nghĩ mình bỏ tiền để thuê đất làm mà phải làm vào ban đêm như ông Lương bày thì tội quá nên hai gia đình không làm nữa. Đòi tiền ông Lương không được, chúng tôi đành làm đơn gửi lên công an huyện Cư M’gar tố cáo hành vi lừa đảo của ông Lương, yêu cầu các cơ quan chức năng giúp chúng tôi lấy lại tiền và trừng trị ông Lương theo quy định của Pháp luật”- Bà Triệu Mùi Gến nói trong nước mắt.
Chị Triệu Mùi Gễn trước căn nhà không có tài sản gì.
Trước thái độ ngang nghiên mạo nhận đất rừng là của mình và sự coi thường pháp luật của ông Phan Xuân Lương. Ông Nguyễn Văn Hà – Trưởng phòng Bảo vệ, quản lý rừng Lâm trường Buôn Ja Wầm thuộc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm bức xúc phản ánh gay gắt: “Trong các năm 2013 và 2014, ông Lương có đơn xin mượn 3,5 héc ta đất nói trên để sản xuất hoa màu, cam kết không trồng sắn và các loại cây lâu năm. Nhưng từ năm 2015 đến nay, ông Lương không tiếp tục làm đơn mượn đất, mà lại tự ý trồng các loại cây như điều, gỗ tếch là vi phạm cam kết với lâm trường và lấn chiếm đất lâm nghiệp, trồng cây sai mục đích, chúng tôi đã tiến hành giải tỏa, có ban hành quyết định gửi cho các bên. Vụ gieo trồng năm nay, ông Lương ngang nghiên cho hai hộ dân thuê trồng hoa màu, những ngày qua chúng tôi đã cử lực lượng đến tuyên tuyền, vận động bà con không trồng nữa thì hai hộ đã nghe lời. Nhưng ông Lương hàng ngày vẫn lôi kéo từ 30 đến hơn 50 người chủ yếu là phụ nữ đến cuốc đất trồng sắn, khi lực lượng lâm trường ngăn cản thì những người dân đã chống đối xô sát và quay phim, chụp ảnh tung lên mạng và vu khống chúng tôi đàn áp, đánh đập bà con”.
Chứng kiến hai hộ ông Triệu Vần Phúc và ông Đặng Chòi Chán bị ông Lương lừa, nay đang sống trong hoang mang lo lắng vì không có đất trồng trọt vụ tới, không có tiền trả nợ. Khi chúng tôi đến nhà, hai vợ chồng ông Triệu Vần Phúc đã đóng cửa đi sang Đăk Nông kiếm việc làm thuê và tìm đất trồng trọt để lấy tiền trả nợ, ông Đặng Chòi Chán cũng đi làm thuê trồng mì cho hàng xóm, chỉ có bà Triệu Mùi Gến, vợ ông Chán ở nhà vừa cuốc cỏ quanh vườn nhà. Chia tay chúng tôi, vẫn trong giọng lo lắng, bà Gến nói: Chúng tôi ít học, không biết chữ, quanh năm lam lũ làm ăn không ra khỏi cái làng, nay bị ông Lương lừa không biết phải làm sao để lấy lại được tiền để trả nợ. Mong các cơ quan chức năng sớm giúp đỡ và trừng trị để ông Lương không còn cơ hội lừa thêm những người dân thiếu hiểu biết như chúng tôi nữa.