THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:59

Người trồng điều ở Tây Nguyên tìm hướng đi bền vững

 

 Sau nhiều năm liền loay hoay với “điệp khúc” mất mùa, mất giá, cây điều bị nông dân Tây Nguyên quay lưng chặt bỏ. Vào đầu vụ giá điều tăng cao đạt mức kỷ lục 45-47 nghìn đồng/kg khiến người trồng phấn khởi gần cuối vụ giá dao động từ 35-37 nghìn đồng/kg. Nhiều người có ý định tái canh cây điều, nhưng chọn giống loại gì, trồng sao cho bền vững đang là bài toán cần được giải đáp.

Anh Nông Văn Tường, ở thôn 4 xã Ea Rvê, huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk cho hay, nhà anh vừa trồng lại 1 ha điều được 2 năm tuổi. Trước đó, năm 2003 gia đình từng trồng 3 ha điều nhưng năng suất thấp, giá cả bấp bênh nên phá bỏ chuyển sang trồng sắn mì. Năm 2014, giá điều có xu hướng tăng dần nên tái canh lại. Lần này anh đầu tư, chăm sóc vườn điều một cách bài bản chứ không thâm canh theo lối truyền thống. “Trước đây, người dân chọn giống điều theo cảm tính, thấy cây nào nhiều quả thì lấy hạt ươm rồi đem trồng đại trà, phó mặc cho trời. Không bón phân, tưới nước, cây tự sinh trưởng đến vụ thu hoạch được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Bây giờ chúng tôi đã ý thức được trồng cây gì cũng phải có sự đầu tư thì cây mới phát triển tốt cho năng suất cao”, anh Tường chia sẻ thêm. Ngoài ra, một số hộ trồng cà phê cũng đang tính chuyện trồng xen cây điều vào vừa tạo thêm thu nhập vừa tạo bóng mát cho cà phê.

          Nhận thấy giá điều có xu hướng ngày càng tăng, từ 24-27 nghìn đồng/ ký năm 2015 đến năm 2017 đạt mốc cao nhất đến 47 nghìn đồng/ ký, nhiều hộ nông dân từng bước quay lại với “cây thoát nghèo”. Bà Huỳnh Thị Xoan (63 tuổi) ở thôn 8, xã Ea Lê, huyện Ea Súp cho biết, 5 năm trước gia đình từng sở hữu vườn điều rộng gần 1 ha với năng suất trung bình đạt khoảng 1,2-1,5 tấn/ha. Tuy nhiên giá bán hạt điều thời điểm đó rất thấp, chỉ từ 10 - 15 nghìn đồng/kg nên người dân không lời được bao nhiêu. Thêm nữa, cây điều hay bị các loại sâu bọ tấn công, nhẹ thì giảm năng suất, nặng thì thối rễ chết cây nên gia đình quyết định chặt gần hết lấy đất trồng cây ngắn ngày. Hai năm trở lại đây, giá điều tăng cao, mới đầu vụ, thương lái đến tận vườn mua 45-47 nghìn đồng/kg khiến bà tiếc hùi hụi. Theo số liệu thống kê của Phòng Bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đắk Lắk, năm 2016 toàn tỉnh có 21.143 ha điều, diện tích trồng mới 1.455 ha, tổng sản lượng đạt 23.602 tấn, năng suất trung bình đạt 12.34 tạ/ha. Diện tích điều tập trung chủ yếu ở các huyện: Ea H’leo (5.679 ha), Ea Kar (2.976 ha), Cư M’ gar (2.629 ha) Krông Ana (2.028 ha), Ea Súp (1.875 ha). Chủ trương của tỉnh là không mở rộng diện tích trồng mới mà cần tập trung thâm canh, chăm sóc cây điều hiện có để tăng năng suất.

Tại tỉnh Lâm Đồng thực tế nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này là do giá cả bấp bênh suốt thời gian dài. Có thời điểm tăng cao, có năm tụt xuống còn 8.000 đồng/kg, trong khi đó 1ha điều trung bình mỗi năm chỉ cho thu hoạch 2,5 – 3 tạ, vì vậy người dân gần như không có lãi. Bên cạnh đó, các loại sâu bệnh liên tục phá hoại khiến cho nhiều năm liền, cây điều sụt giảm năng suất, gần như bị mất trắng. Gần đây, tỉnh Lâm Đồng cũng đã công bố phải thay thế ít nhất 2.200ha điều kém chất lượng bằng cây cao su theo chương trình phát triển cây cao su của tỉnh. Bên cạnh đó, một diện tích điều có thể giữ lại, nhưng phải được trồng xen với một số loại cây trồng khác nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích cây trồng.

Vườn điều nhà bà Huỳnh Thị Xoan thời tiết thuận lợi, cây điều sai quả.


Ông K’Nhũng xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng đưa chúng tôi ra thăm vườn điều đang dần chết khô vì bị sâu bệnh tấn công, buồn bã nói: “Nhìn vườn điều mà lòng xót xa, nguồn sống của cả gia đình đều dựa vào vườn điều này. Giờ không biết lấy gì ăn”. Còn bà K’Hiềm có vườn bên cạnh cũng cùng tâm trạng vì vườn điều đang trơ cành: “Gia đình tôi có 3ha điều, hàng năm vào thời điểm này gia đình đã thu hoạch được gần cả tấn trái, năm nay coi như mất trắng”.

Ông Nguyễn Văn Sơn-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã nắm được thực trạng dịch bệnh xảy ra trên cây điều tại các địa phương trong tỉnh. “Chúng tôi đang triển khai các biện pháp ngăn chặn thiệt hại, bảo vệ cây để sang năm điều tiếp tục ra quả. Tinh thần là cứu được cây nào hay cây đấy. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các xã tiến hành thống kê thiệt hại và báo cáo lên Sở NN&PTNT, từ đó Sở sẽ đề xuất tỉnh mức hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ”.

Tương tự ở tỉnh Đắk Nông thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh phát triển mạnh khiến nhiều vườn điều của các nông hộ ở Đắk Nông giảm năng suất hoặc mất trắng. Huyện Krông Nô là huyện có diện tích điều tương đối lớn của tỉnh Đắk Nông, với hơn 3.600ha. Niên vụ điều năm 2017, hầu hết diện tích điều trên địa bàn mất mùa nặng, ước giảm 60 – 70% năng suất, thậm chí nhiều vườn mất trắng. Tại các vùng trồng điều khác của Đắk Nông như Cư Jút, Tuy Đức, Đắk R’Lấp…tình hình cũng diễn ra tương tự. Thời tiết bất lợi và sâu bệnh hại hoành hành khiến nhiều vườn điều không đậu quả hoặc đậu quả rất thấp. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Đắk Nông), thời gian qua điều kiện thời tiết diễn biến bất thường (mưa trái mùa, ngày nắng, đêm và về sáng sớm có sương mù) tạo điều kiện cho bọ xít muỗi và bệnh thán thư phát triển mạnh tại các vùng trồng điều gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Cây điều từng là cây xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên nhưng vì nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc nông dân đồng loạt chặt bỏ chuyển sang trồng cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ngắn ngày,… bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và chuyên gia nông nghiệp. Hiện nay thị trường cà phê đang trong giai đoạn bão hòa, cao su tuột dốc không phanh, giá hồ tiêu liên tục biến động, cây điều bắt đầu “lên ngôi”. Để ngăn chặn điệp khúc trồng - chặt, chặt – trồng, người nông dân cần thận trọng đưa ra quyết định trồng cây gì, trồng sao cho hiệu quả, tránh rủi ro.

 Sau thời gian học, các em phụ gia đình thu hoạch điều.

LÊ NHUẬN-NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh