THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

Lớp học đặc biệt cuối trời Nam

 

Các học viên lớn tuổi tại lớp học xóa mù chữ ấp Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau).


Bà Nguyễn Thị Hai, là học trò nhiều tuổi nhất lớp, năm nay tròn 60 tuổi, tóc trên đầu sợi trắng đã nhiều hơn sợi đen. Ngồi cạnh bà là đứa cháu ngoại Nguyễn Minh Đang, 12 tuổi, đang học lớp 6 trường làng, đi theo để "kèm" bà. Hai gương mặt cúi vào trang vở, như đang chạy đua với thời gian, sợ cô giáo gọi tên trả bài bất cứ lúc nào. Mãi khi tôi gặng hỏi đã thuộc lòng bài hôm trước chưa, bà Hai mới thôi cặm cụi theo giọng đọc của đứa cháu. "Bữa trước ở nhà thuộc lòng rồi nhưng tới lớp thì không còn nhớ chữ nào. Cô giáo kêu lên trả bài, tôi lớ ngớ bị cả lớp cười" - bà Hai cười hiền, để lộ hàm răng cái còn cái mất.

Bà Hai có chồng là người cùng quê, ở xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Đông con, lại không có đất canh tác cho nên sau khi sinh đứa con thứ năm, vợ chồng bà Hai dắt díu xuống miệt rừng đước Cà Mau làm thuê kiếm sống. Sau nhiều năm dãi nắng dầm mưa, vợ chồng bà trụ lại vùng ven biển Bãi Bồi Cà Mau, được Nhà nước cấp căn nhà ở Khu tái định cư Gò Công. Cũng như cư dân nghèo ven biển tại địa phương, để có đủ bữa ăn, gia đình bà Hai phải ra biển mò tôm, mò cá, hoặc vô rừng bắt ba khía, ốc len... "Con chữ" cũng bị đánh rơi theo những ngày tháng lam lũ ấy...

Cả đời vật lộn với miếng cơm, manh áo, vất vả tới mức bà Hai chưa đi học ngày nào. Bởi vậy, khi được cán bộ địa phương vận động đi xóa mù chữ, bà Hai không chút đắn đo. Ngạc nhiên hơn bởi gần bốn tháng ròng theo học, bà Hai chỉ vắng một ngày, là dịp về cúng cơm cha ở Bạc Liêu. Chìa đôi bàn tay chai sần, khô khốc, bà than tay cầm bút chưa quen. Hơn nữa, có tuổi rồi cho nên con chữ sau khi vô trong đầu, thì lúc quên, lúc nhớ. "Dù vậy, cỡ nào tôi cũng gắng học để biết đọc, biết viết, mai này đi đây đi đó cũng không sợ lạc đường" - bà Hai hạ quyết tâm rồi rỉ tai kể chi tiết với tôi động lực thôi thúc bà đi học chữ. Vài tháng về trước, chồng bà ốm nặng, bà phải theo nuôi tuốt trên thành phố Cà Mau. Sau khi thăm khám, bác sĩ viết đơn thuốc kêu bà đến phòng số tám để lấy thuốc. Do không biết chữ, bà lúng ta lúng túng, phải nhờ người dẫn đến tận nơi. "Không biết chữ, chuyện nhỏ vậy mà khổ chưa từng thấy" - bà Hai thú thiệt.

Sau ngày ông Hai ốm nặng, qua đời, con trai út Lâm Văn Phương dang dở chuyện vợ chồng, về sống chung với mẹ. Đó cũng là điểm tựa và là chỗ dựa của bà Hai lúc "về chiều". Từ ngày có con trai đỡ đần công việc nhà, bà Hai có thì giờ để cùng với những người bạn cùng tuổi trong xóm đi học chữ.

Các bà, các mẹ... đến lớp học đặc biệt sau một ngày lặn hụp bắt cá, bắt sò... ven bãi biển Gò Công. Cô giáo đứng lớp cũng đặc biệt, là cán bộ Hội Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, trong đó, thường xuyên nhất là chị Lê Việt Tiên, Chi hội phụ nữ ấp Gò Công. Đưa mắt hướng về một học viên lớn tuổi đeo chiếc kính lão dày cộp đang nắn nót từng nét chữ, chị Tiên cho hay, đó là bà Rum Sà Oanh, người dân tộc Khmer. "Bà Oanh quê gốc tận Cam-pu-chia, cho nên học chữ Việt khó cả đọc lẫn viết. Vở của bà viết cả chữ Việt song song với chữ Khmer", chị Tiên nói.

Dù kém hơn bà Hai tới sáu tuổi, nhưng bà Oanh cầm bút run run, nắn nót nét chữ một cách khó nhọc. Hỏi thăm gia cảnh mới biết, bà Oanh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Kô-công (Cam-pu-chia). Năm 1979, gia đình bà chạy trốn nạn diệt chủng, được bộ đội Việt Nam giúp đỡ. Tình cảm yêu thương nảy nở trong chiến tranh loạn lạc, bà theo chồng là người Kinh về Việt Nam sinh sống.

"Hồi đó, ông Tô Văn Hia là bộ đội Việt Nam tình nguyện giải phóng Cam-pu-chia. Chúng tôi yêu nhau, thành hôn luôn trong mưa bom, đạn lạc", bà Oanh hồi tưởng thời khắc hạnh phúc nhất trong đời con gái, rồi kể tiếp: Khi chồng bà rút quân về Việt Nam, bà theo chồng về Bến Tre sinh sống, có với nhau tới bốn đứa con. Vài năm sau, cả hai chuyển xuống vùng đồng đất Cà Mau lập nghiệp, tính tới nay ngót nghét 24 năm. Hiện, các con của bà đã lớn, cũng quanh quẩn vùng Bãi Bồi ven biển, hằng ngày giăng lưới, mắc câu...

Không còn đủ sức khỏe ra biển như các con cho nên vài năm gần đây, bà Oanh trông coi nhà cửa, lúc rảnh đi hái thêm ít rau rừng để nuôi heo. Bầy heo của bà Oanh như khoản tiền tích lũy cho những lúc ốm đau, bệnh tật. Chìa quyển tập đến giai đoạn ráp vần, bà Oanh nói: "Tôi giao tiếp được bằng tiếng Việt nhưng không biết chữ Việt, cố học cho biết để hòa nhập tốt, không bị mấy chị ở xóm cười".

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chi hội Phụ nữ ấp Gò Công Đoàn Thế Đẹp - một trong những thành viên tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ nói rằng, hồi mới khai giảng, cánh đàn ông ở ấp nói gần nói xa, đại ý chê lớp học dành cho đàn bà. Vậy nhưng, không lâu sau thì có cánh mày râu theo học, mà lại học chăm chỉ mới lạ.

Ngó sơ qua danh sách, chúng tôi thấy lớp xóa mù chữ có bốn học viên nam, là các anh: Nguyễn Văn Dụ, Nguyễn Vũ Bằng, Danh Hải và Huỳnh Tươi. Song, có mặt tại lớp hôm ấy chỉ có anh Bằng và anh Dụ, hai thành viên nam còn lại gặp biển động, ghe chưa vô kịp trong bờ để đi học. "Hôm nào đi biển chưa vô kịp, về nhà kêu mấy đứa nhỏ chỉ cho đọc, chép lại bài. Siêng học là biết liền, tụi nhỏ ở đây cũng nhiệt tình lắm" - anh Nguyễn Vũ Bằng, học viên 36 tuổi tiết lộ. Nhìn những người đàn ông da sạm nắng, lực lưỡng, tung hoành ngang dọc trên biển, ngồi chung với các chị, các bà để học đọc, học viết, chúng tôi cảm nhận khát khao muốn biết chữ của người dân "lớn tuổi" ven ấp biển Gò Công.

Cùng chúng tôi đến lớp học đặc biệt hôm ấy có Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái Đào Thị Thanh An. Giữa buổi học, chị An giới thiệu chị Trương Thị Giã, 37 tuổi, thành viên nữ lanh lẹ, thuộc hàng trẻ nhất lớp lên đọc bài mới. Nghe tới tên mình, chị Giã lắc đầu nguầy nguậy. Để khích lệ "cô giáo" Lê Việt Tiên khoe: "Chị Giã siêng học nhất lớp đó. Chị nói học khi nào hát ka-ra-ô-kê được mới thôi". Dù được giáo viên lớp học ngợi khen nhưng chị Giã khoát tay từ chối lia lịa. "Năm ngoái tôi học khóa đầu, đọc chưa rành mặt chữ nên năm nay xin học tiếp. Có chồng, có con lớn rồi mà lên đọc sai chữ hoài..." - chị Giã mặt đỏ bừng, bẽn lẽn.

Các cán bộ phụ trách giảng dạy cho biết, lớp học chữ cho người lớn tuổi ở ấp Gò Công được Hội Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái tổ chức vào chiều thứ 2, 4 và 6 hằng tuần. Phụ trách lớp là các chị Lê Việt Tiên, Đoàn Thế Đẹp và Đào Thị Thanh An. Chị An tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, từng làm giáo viên, sau nghỉ việc do hoàn cảnh gia đình. Bận công tác phong trào nên thỉnh thoảng chị An mới lên lớp. Bởi vậy, chị Đẹp và chị Tiên thay phiên giảng dạy. "Lúc tôi bận nuôi tôm thì gọi điện thoại cho chị Đẹp, dù thế nào cũng duy trì lớp học" - chị Tiên nói.

Địa điểm tổ chức lớp nằm sát khu tái định cư nên bà con ven biển Gò Công đến lớp học khá thuận tiện. Trong 64 hộ dân ở khu tái định cư sống nhờ nghề biển, có gần một nửa là hộ nghèo, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lớp học khó duy trì sĩ số. Mở lại quyển sổ tay mang theo, chị An nói rằng, năm ngoái, khai giảng khóa học đầu tiên, có 27 người nhưng cuối khóa chỉ còn năm người học, đều biết chữ. Còn năm nay, khai giảng có 25 người theo học thì hiện còn 22 người. Phần lớn trường hợp bỏ học do gia cảnh nghèo, phải đi làm ăn xa. Chia sẻ thêm về khó khăn của lớp, chị An cho biết: Ngay khu dân cư nên thi thoảng, đám trẻ ngóng vô lớp trêu chọc: "Bà ngoại mày đọc sai rồi", "Bà nội mày cũng đọc trật lất"... làm các mẹ, các bà ngượng ngùng...

Trưởng ấp Gò Công Lê Minh Trí chia sẻ mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa để duy trì lớp học, giúp các bà, các chị em, các anh lớn tuổi ven biển Gò Công biết chữ. Một khi được xóa mù chữ, việc tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân nghèo sẽ thuận lợi hơn. Tháng 7 vừa rồi, nhờ đi học lớp xóa mù chữ mà bà Thạch Thị Thương (56 tuổi, người Khmer) lần đầu tiên trong đời viết được tên mình vào danh sách nhận bồn nước do Nhà nước hỗ trợ. Thấy bà ấy mừng muốn khóc mà tôi cũng vui lây.

Trời đêm. Ven biển Gò Công lồng lộng gió. Giọng phát âm vang lên dù cứng và rời rạc ở lớp học xóa mù chữ, vẫn làm ấm lòng khách phương xa.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh