THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:11

Lớp học tình thương của thầy giáo viết chữ bằng miệng

 

  1. Chúng tôi có mặt tại Nhân Lý vào một ngày đầu thu, nắng vàng như rót mật. Hỏi nhà thầy Trường, người dân ở thôn đều nhiệt tình hướng dẫn. Đó là một căn nhà nhỏ, gần cây sung cổ thụ nằm ở giữa thôn.

Bước qua trước hiên nhà với những cột rơm được đánh đống gọn ghẽ, chúng tôi có mặt tại lớp học của thầy giáo Trường. Lúc ấy, thầy vẫn say sưa giảng bài cho các em học sinh nên chúng tôi không tiện cất lời. Phòng học khá đơn sơ, ngoài 4 bộ bàn ghế thì chỉ có 1 chiếc bảng to, trên đó không phải là những dòng chữ viết bằng phấn trắng mà là những tấm giấy lớn in các mẫu chữ viết hoa, viết thường.

Lớp học có khoảng gần chục em học sinh. Nhìn vào có thể đoán được các em không cùng một lớp mà ở nhiều trình độ khác nhau. Người thầy giáo vừa ngậm chiếc bút chì trong miệng, vừa hướng dẫn cho bé trai lớp 1 làm toán, lại quay sang uốn nắn bài chính tả cho bé gái lớp 2. Trong khoảng 30 phút đồng hồ, thầy Trường cứ liên tục miệng nói, miệng viết hướng dẫn các em đủ mọi môn học, từ lớp 1 cho đến lớp 5. Mồ hôi lấm tấm trên vầng trán, hai bên má, ướt đẫm lưng áo.

Tranh thủ lớp giải lao, chúng tôi tiếp cận và được thầy giáo tâm sự về lớp học kỳ lạ này. Đó là vào khoảng năm 2010, khi đó Trường đang “quản lý” một tiệm tạp hóa nhỏ xíu thì nhận thấy các cháu trai cháu gái đang học tiểu học thường qua quán thầy để hỏi bài. Rất yêu trẻ con, Trường nhớ lại những kiến thức mình đã học trong trường phổ thông để hướng dẫn cho các cháu.

Thầy giáo Phùng Văn Trường đang giảng bài tại lớp học tình thương.

Hàng xóm thấy Trường viết chữ đẹp, lại chỉ bảo tận tình thì lần lượt mang con em đến gửi thầy dạy dỗ. Thế là Trường phải nhờ bố lấy tấm cửa đã hỏng kê lên hai cột bê tông chiều cao khoảng 30cm để làm ghế, rồi lấy thêm vài chiếc ghế nhựa làm bàn. Vậy là một lớp học xinh xinh hình thành. Sau, thấy các cháu ngồi học vất vả quá, Trường dành dụm tiền đóng 4 chiếc bàn gỗ để các cháu ngồi viết cho đúng tư thế.

Khi biết được việc làm ý nghĩa của thầy, một số cá nhân, tổ chức quyên góp tiền mua 4 bộ bàn liền ghế chắc chắn, vừa với học sinh tiểu học mang đến tặng cho lớp. Rồi phụ huynh học sinh cũng góp tiền mua nước, mua vở, bút... Lớp học ngày càng đông. Ban đầu chỉ có vài ba cháu theo học, cho đến nay đã có đến 15 cháu (vào dịp nghỉ hè thì sĩ số lớp lên tới 20-25).

Thầy Trường vui lắm, thầy không ngờ một người tưởng như vô tích sự, bị gạt ra ngoài đời sống xã hội nay lại thành người có ích, được xã hội ghi nhận. Trân trọng việc làm của thầy, UBND huyện Chương Mỹ và UBND TP Hà Nội đã tặng thầy nhiều giấy khen.

Nhưng dĩ nhiên không phải tự nhiên mà thầy Trường có được niềm vui đó. Khi lớp tan học, chúng tôi nán lại và được nghe về “đoạn trường” từ lúc nhỏ cho đến khi ngoài 30 tuổi của thầy...

2. Sinh năm 1979, Trường là con cả trong một gia đình nông dân nghèo. Nghe các cụ kể, lúc mới sinh, Trường khá bụ bẫm. Tuy nhiên, càng lớn cu cậu càng thua sút so với chúng bạn. Đến 2 tuổi mà Trường không đi vững, không chạy nhảy được. Trường được bố mẹ đưa đi nhiều bệnh viện chữa trị, thậm chí được phẫu thuật tại Viện Quân y 103. Tuy nhiên, bệnh tình cũng chỉ thuyên giảm đôi chút. Trường được xác định bị chứng teo cơ, teo gân bẩm sinh.

Vào bậc tiểu học, Trường vẫn không tự đi được mà phải có người cõng. Nhiều năm ròng rã, ông Phùng Văn Mười (bố đẻ của Trường) ngày hai bận cõng con đi rồi cõng con về. Lên bậc THCS, Trường cố gắng chống nạng đi học. Hôm nào mệt quá thì ông Mười lại lấy xe đạp đèo con đi. Sức học của Trường vào diện khá, tuy nhiên chữ hơi xấu vì Trường chưa bao giờ cầm vững được cây bút.

Lên lớp 9, vì ít học sinh nên học sinh khối 9 của xã Nam Phương Tiến được “gom” vào một cụm trường, cách nhà hơn chục cây số. Trường không thể chống nạng đi chừng ấy đường đất được nữa. Ông Mười sức khỏe cũng không còn tốt, lại phải lo cho 3-4 đứa em của Trường nên anh buộc phải nghỉ học.

Nhớ lại quãng thời gian “ăn không ngồi rồi” hàng chục năm ấy, nhiều lúc Trường cảm thấy ông trời sao quá bất công, phận mình sao quá hẩm hiu. Bạn bè cùng lứa đi học, đi làm phương trưởng khắp nơi, rồi lấy vợ sinh con đề huề, vậy mà Trường vẫn chỉ quanh quẩn ở xó nhà. Suốt ngày chỉ xem tivi, nghe đài... ngay những việc nhỏ nhất như quét nhà, nấu cơm, Trường cũng không giúp được cho bố mẹ. Thời gian ấy, hễ có người lạ đến nhà là Trường “trốn” vào buồng trong. Đã bao nhiêu đêm nghĩ phận mình sống kiếp thực vật, nước mắt người đàn ông này lại ướt đầm gối.

Thầy Trường đã giúp cho hàng trăm cháu học sinh trong làng học khá dần lên, viết chữ đẹp hơn.

Khoảng năm 2009, bố mẹ Trường có được một mảnh đất gần UBND xã, Trường xin phép hai cụ cho mở một cái quán nhỏ, bán mấy thứ lặt vặt. “Tôi nghe trên đài, tivi thấy nhiều tấm gương về người khuyết tật ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành đã vượt lên số phận, làm chủ cuộc sống nên tôi cũng muốn học theo họ. Tôi ngẫm thấy có người bị mù lòa, người bị mất chân mất tay, liệt tứ chi như tôi mà vẫn có được thành công nên quyết tâm phải thay đổi cuộc sống. Tôi chỉ mong cái quán nhỏ sẽ là nơi tôi được giao tiếp với nhiều người, và nếu mỗi ngày kiếm thêm được vài ngàn bạc đỡ đần bố mẹ cũng là thành công lắm rồi!” - thầy Trường tâm sự.

Cái quán nhỏ của Trường hóa ra lại đắt hàng, người mua rất đông. Tuy nhiên, vì bán hàng ở một thôn nghèo nên đa phần người dân không có tiền mặt. Rất nhiều người đến mua chịu, và khi đó phải có cuốn sổ ghi công nợ. Chứ không nếu nhầm lẫn thì rất phiền. Vậy là Trường nghĩ rằng mình phải tập viết lại.

Song nhiều lần anh đã cố thử viết bằng tay, rồi bằng chân mà vẫn thất bại. Các ngón tay, ngón chân cứ thẳng đuồn đuỗn, không thể giữ nổi cây bút. Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, Trường nảy ra ý tưởng. Nếu đôi tay, đôi chân không thể giúp mình cầm bút thì mình vẫn có thể dùng... miệng. Trường nhờ bố mẹ mua giúp vài cuốn vở và mấy cái bút.

Thời gian đầu mới tập viết lại, Trường thấy rất khổ sở khi phải kẹp bút chì bé tẹo giữa hai hàm răng. Lúc đầu ngậm mẩu bút ngắn thấy dễ viết nhưng phải cúi xuống thấp, mắt nhìn lâu vào trang giấy trắng, anh bị hoa mắt. Chuyển sang bút chì dài 20 phân, anh khó điều khiển hơn vì phải dùng nhiều lực. Thấy vậy, bố anh buộc thanh tre vào bút làm cán cho chắc để con trai ngậm. “Cán bút bị hở khiến tôi liên tục chảy nước miếng, nôn ọe. Cổ tôi đau nhức vì không điều khiển được bút đưa lên đưa xuống”.

Khi mà đã ngậm chặt được cây bút và đưa được nét bút theo ý mình thì Trường lại thường xuyên bị chảy máu miệng, phồng rộp lưỡi mà những con chữ vẫn cứ nguệch ngoạc như gà bới. Trường thất vọng lắm, có hôm anh “ném” bút đi chả muốn viết lách gì nữa.

Nhưng rồi nhớ đến tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân mà chữ rất đẹp và còn trở thành thầy giáo, Trường lại bặm môi tập tiếp. Trường nghĩ ra cách dùng hai mu bàn tay làm điểm tựa rồi lựa thế “đưa” bút nhẹ nhàng trên trang giấy. Và sau khoảng một tháng tập luyện liên tục, Trường đã có thể viết được những con chữ giống như thời học phổ thông.

Ngoài việc bán hàng ngoài quán thì Trường còn có nhiệm vụ trông giúp mấy đứa trẻ con nhà các cô, các chú trong họ. Và lũ trẻ thường mang bài ra nhờ Trường giảng cho những chỗ khó. Thấy bọn trẻ viết chữ xấu quá, nhiều lần Trường bảo các cháu phải tập luyện viết sao cho đẹp.

Nhưng rồi nghĩ tại, tôi thấy chữ của mình cũng xấu - dù rằng mình viết bằng miệng chứ không phải bằng tay. Mình có luyện được viết đẹp thì nói các cháu mới nghe. Vậy là tôi bắt tay vào luyện viết chữ đẹp”.

Thông qua một số tài liệu xin được, mỗi khi rảnh rỗi Trường lại luyện chữ. Dường như có gien của bố cùng sự kiên trì, nhẫn nại, cuối cùng những con chữ từ miệng anh đã được thể hiện vừa chuẩn, lại rất đẹp mắt. Và rồi cái lớp học tình thương đã được hình thành như chúng tôi đã kể ở trên.

Có lẽ thầy Trường sẽ “chung thân” với việc bán quán, dạy chữ miễn phí như thế nếu như không có một ngày...

3. Trong số những phụ huynh gửi con cho thầy Trường dạy dỗ, có một phụ nữ ở xã bên thường nán lại giúp thầy Trường dọn dẹp lớp học. Thi thoảng chị còn đi chợ, nấu nướng giúp anh. Và rồi chị nghĩ, ngôi nhà nào đi chăng nữa cũng phải có người phụ nữ để chăm lo nhà cửa, bếp núc. Và chị đã để ý tìm cho anh một người...

Khi nghe chị kia nói đã tìm cho mình một “ý trung nhân”, ban đầu thầy Trường chỉ cười vì nghĩ người ta nói đùa. Sau biết thành ý của chị ấy thì thầy... phát hoảng. Với tâm lý tự ti từ bé, “mình tàn tật thế này, đã không cưu mang ai được thì sao nỡ khiến người khác phải vất vả vì mình?”.

Nghĩ vậy nên Trường không bao giờ để ý đến chuyện yêu đương nam nữ, lại càng không bao giờ dám nghĩ đến một mái ấm cùng một người đàn bà và những đứa trẻ. Nhưng rồi được gia đình vun vén, bạn bè động viên, người phụ nữ kia (tên Nguyễn Thị Hường, trú ở xã Tân Tiến hơn anh 4 tuổi) thường xuyên đến chơi, thể hiện tấm chân tình, dần dà Trường cũng mở lòng.

Giữa năm 2012, một đám cưới nhỏ nhưng vui vẻ, đầm ấm diễn ra tại thôn Nhân Lý. Rồi hơn một năm sau thì cháu Phùng Thiên Trường Quảng ra đời, khiến ngôi nhà nhỏ bé nay thêm rộn rã tiếng cười của con trẻ. “Tên của cháu là do ông nội đặt cho, ý là cảm ơn trời đất đã mang cháu đến cho chúng tôi” - thầy Trường giải thích.

Bằng sự khổ luyện, thầy Trường có thể viết chữ rất đẹp bằng miệng.

Sau khi có vợ con, thầy Trường vẫn tiếp tục làm công việc trước kia là dạy miễn phí cho các học sinh yếu, kém trong làng. Nhiều lần đại diện phụ huynh của các học sinh nói rằng họ muốn có chút thù lao cho thầy. “Thầy cứ dạy miễn phí mãi thế này chúng tôi cũng ngại. Thầy không nhận thì chúng tôi không dám cho cháu đến học nữa” - họ bảo như vậy. Nhà có mỗi sào ruộng, chị Hường ngoài việc đồng áng còn đi làm thuê, chăm chút cho cái gia đình nhỏ bé. Tuy vậy vẫn thường thiếu trước hụt sau. Đến khi đó, thầy Trường mới chịu nhận chút tiền thù lao.

Trong hơn 6 năm mở lớp học, thầy Trường đã giúp cho hàng trăm cháu học sinh trong làng học khá dần lên, viết chữ đẹp hơn. thầy cũng nhớ mãi trường hợp cháu T.V.H (cháu bị tự kỷ bẩm sinh) học kém nên bị đúp lên đúp xuống. Khi học tại lớp của Trường, cậu bé đã lớp 3 nhưng vẫn chưa đọc, viết thành thạo.

Đồng cảm và kiên nhẫn, thầy Trường hướng dẫn cháu từng nét chữ, từng con tính. Hiện tại cháu đã có thể đọc thông viết thạo. Bố mẹ cháu mừng rơi nước mắt, thầm cảm ơn người thầy có tấm lòng nhân hậu...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh