Lớp học cho những người từng bị bạo hành
- Dược liệu
- 21:10 - 21/07/2019
Những phụ huynh đi học để tìm cách tự chữa vết thương tâm lý cho mình
Ám ảnh của đòn roi
“Dạy con từ quá khứ” là tên một chuỗi chương trình của Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã thực hiện rất thành công vào năm ngoái tại TP.HCM và Hà Nội. Giống như tên của chương trình, “Dạy con từ quá khứ” xới lại những câu chuyện đã qua của lịch sử, của cha mẹ, theo trình tự từ xa đến gần để chất vấn và tìm ra những cách hiệu quả hơn trong việc giáo dục tại gia đình.
Mới đây, NXB Phụ Nữ kết hợp với nhóm dự án Teach – Cùng phụ huynh thay đổi đã tổ chức một buổi tọa đàm nhắm vào những cách vượt thoát tổn thương trong quá khứ. Số lượng người đến tham gia đông ngoài dự kiến phần nào cho thấy những bóng đen quá khứ không phải chỉ là chuyện xảy ra trên phim ảnh hoặc trong các cuốn hồi ký.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng khẳng định: “bạo hành thể xác (đánh) và tinh thần (mắng, không tôn trọng, ép buộc...), bạo hành tình dục... đều để lại những di chứng không bao giờ có thể phai nhạt lên cuộc đời một con người. Biến chứng có thể xuất hiện ở dạng này dạng khác, những người từng chịu tổn thương sẽ tiếp tục mang những tổn thương ấy cho thế hệ kế tiếp. Bạo lực sinh ra bạo lực và thường theo cấp số nhân”.
Là một Tiến sĩ giáo dục tu nghiệp tại Pháp, bà Phượng chia sẻ thêm: “thực ra thói quen “thương cho roi cho vọt” không phải chỉ xảy ra ở người Việt. Người Pháp cũng có thói quen ấy, họ có một câu ngạn ngữ còn khủng khiếp hơn: “Qui aime bien châtie bien” nghĩa là yêu chừng nào đánh chừng đó!
Bằng kinh nghiệm giáo dục và quá trình nghiên cứu có hệ thống của mình, Tiến sĩ Phượng nhấn mạnh: cha mẹ đánh con chung quy là vì muốn chúng làm theo ý mình. Khi bọn trẻ trái ý ban đầu theo bản năng người lớn sẽ dỗ dành, nhưng khi dỗ không được, họ dùng cách khác bạo lực hơn, đinh ninh làm như thế là tốt cho con.
“Người phương Tây hiện nay bớt đánh con vì họ đã hiểu đánh con di hại lâu dài như thế nào. Đánh con không mang lại bất kỳ lợi ích nào, chỉ có hại mà thôi. Và tác hại nhiều hay ít không phụ thuộc đánh đau hay không đau mà phụ thuộc năng lực thừa nhận của đứa trẻ đó như thế nào”. Bà Phượng nói thêm.
Cơn mưa nước mắt
Để chứng minh cho luận điểm đánh con sẽ gây tổn thương cho con lâu dài, bà Phượng mời những phụ huynh tham gia kể lại trải nghiệm đòn roi của mình.
Một cô giáo cấp ba kể trong nước mắt: Bố tôi rất dữ đòn. Ông dùng xích xe đạp đánh em trai tôi, dùng củi đánh văng cả dằm vào mắt chị tôi. Tôi là con út, nghĩ đủ cách làm hài lòng bố để không bị đánh, nhưng khi có con, tôi lại trở thành người đánh con. Cứ mỗi lần đánh xong tôi lại ân hận, tự khinh bỉ, tự chán ghét mình.
Câu chuyện là một ví dụ không khó kiếm đối với những tổn thương tâm lý do bạo lực từ ngày nhỏ gây nên. Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Mai Hoa cho biết: “Không phải chỉ có người bị bạo lực lớn lên mới có khả năng thành người gây bạo lực. Người thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực cũng sẽ tạo thành sẹo tâm lý mà chính những người trong cuộc không nhận biết khiến họ trở thành người bạo hành khi lớn lên.”.
Một doanh nhân nữ chia sẻ: “Khi nhỏ mẹ tôi là người cay nghiệt, không được lòng nhà chồng. Bố tôi có bồ, bà không có người chia sẻ, bao nhiêu đay nghiến bà dồn hết vào tôi. Có những lúc tôi cảm giác bà coi tôi như “kẻ thù” để trút hận. Cảm giác ấy đeo đẳng đến nỗi ngay cả khi trưởng thành tôi cũng chưa từng nói được câu “con yêu mẹ”!
Nhiều chương trình chống bạo lực trẻ em đang đồng loạt diễn ra
Mỗi một câu chuyện đều kèm theo nước mắt. Đàn ông cũng khóc. Người được coi là thành đạt cũng khóc khi những hộp đen bí mật được mở ra. Đây là hiện tượng chung ở những chương trình “Dạy con từ quá khứ”, bà Phượng cho biết.
Một bất ngờ nữa được tiến sĩ Bùi Trân Phượng tiết lộ: những bạo hành về tinh thần sẽ sản sinh ra những người cay nghiệt và thích làm đau người khác. Bà kể rất nhiều ví dụ, về những người nổi tiếng. Một hiệu trưởng thường tự hào: nhờ roi vọt của cha mẹ mà nên người. Thực ra cả trường ai cũng thấy anh là người cực kỳ bạo lực, không phải bạo lực thân thể, nhưng anh có cách xúc phạm người khác giống như một loại bệnh không tự chữa lành được.
Một nữ doanh nhân khác kể: Không bao giờ quên được thái độ, ánh mắt của mẹ khi mẹ ký cái rẹt vào sổ học bạ của chị. Thái độ ấy khiến chị cảm thấy kết quả học tập của mình có như thế nào thì cũng không mảy may khiến mẹ bận tâm. Không may là trước chị, có một chị gái luôn đem về kết quả học tập xuất sắc. Nữ doanh nhân này cũng không ý thức được khi trưởng thành mình biến thành người nghiệt ngã, chị có cách làm đau người khác ghê gớm bằng thái độ của mình mà không hề ý thức.
Qua nghiên cứu của Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Việc nói lời nói tổn thương, thái độ coi thường... sẽ gây tổn thương đến trẻ dài lâu, và thường khó chữa, vì nó sâu hơn, đau hơn vết thương roi vọt. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành tinh thần lớn lên thành người nhút nhát, tự ti, thất bại. Một số khác đi tiếp con đường của bố mẹ, trở thành người bạo hành tinh thần con mình, người thân, đồng nghiệp của mình.
Tại sao trẻ con phải là thép?
Trong số rất nhiều phụ huynh quen tay đánh con, khi bị hỏi dồn vì sao làm vậy, họ trả lời: vì con dại quá, nói mãi không nghe thì đánh! Bà Phượng hỏi lại: con dại thì phải dạy chứ, sao lại đánh? Trẻ không học được gì từ việc bị đánh.
Một số khác thành thật hơn: Vì không kiềm chế được cơn giận. Đến đây một số phụ huynh tự trả lời: vậy thì phải “xử” mình chứ không phải xử con, không xử được thì phải đi học, học cách kiểm soát cơn giận, cách đối thoại với con.
Đối với luận điểm “thép phải rèn, kim cương phải mài, trẻ con phải nghiêm khắc mới nên người”, Tiến sĩ Phượng trả lời: “tại sao trẻ con phải là thép, nó là người, không phải sắt thép vô tri”.
Nói thêm về các kiểu bạo hành tinh thần, bà Phượng cho rằng: thiếu yêu thương chăm sóc hoặc quá kỳ vọng vào con cũng sẽ gây tổn thương. Hai ví dụ mà bà nghiên cứu đều xuất hiện ở những trí thức người Việt tại Pháp. Trường hợp thứ nhất người vợ lớn lên trong tình trạng thiếu tình yêu của bố mẹ, khi trưởng thành cô có nhu cầu được yêu thương vô biên. Bác sĩ tâm lý của cô mô tả nhu cầu này giống như một vực sâu không đáy. Người chồng có quan tâm chăm sóc bao nhiêu vợ cũng không thấy đủ. Cuối cùng người chồng không chịu nổi việc thường xuyên phải nâng đỡ một người khuyết tật sâu sắc về tinh thần, không cách gì bù đắp được, họ ly hôn.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017
rường hợp thứ hai xảy ra trong một gia đình thư hương nhiều đời thành đạt. Người bố không chấp nhận được việc đứa con trai duy nhất học hành kém cỏi đã dùng nhiều cách ép cậu bé cố gắng hơn. Mâu thuẫn bố con tăng dần. Người mẹ không chấp nhận được cảnh đứa con nhìn bố mình như kẻ thù, phải ly hôn để tình cảm hai bên không xấu thêm.
Để cứu vãn những tổn thương này, theo bà Phượng, cách tốt nhất là tự nhận diện, tự chữa lành, đừng đổ lỗi vì quá khứ là thứ không làm lại được. Nguyên tắc chữa trị là phát hiện sớm chữa càng nhanh, chữa vết thương từ quá khứ gần đến quá khứ xa. Nhận diện đến đâu chữa đến đó và hiểu rằng con người có thể thay đổi được.
Đối với con cái, cha mẹ chỉ cần hai nguyên tắc: Tôn trọng và yêu thương. Bất cứ khi nào cảm thấy sai phương hướng, thì chỉ cần tự hỏi: “mình làm như thế đã thực sự tôn trọng và yêu thương con chưa?”.
Trong số các loại bạo hành kể trên thì bạo hành tình dục được xếp vào loại nghiêm trọng và gây tổn thương lâu dài nhất, đặc biệt là khi việc này xảy ra với những người thân trong gia đình. Không nhiều người lựa chọn kể sâu về những chuyện này. “Nó quá khó khăn. Thậm chí trong phòng khám tâm lý chỉ có một bác sĩ một bệnh nhân”, tiến sĩ Nguyễn Mai Hoa thông tin. |