Loạn sách giáo khoa và lạm thu
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:59 - 19/09/2020
Đợt họp phụ huynh đầu năm đang diễn ra, và theo phản ánh của nhiều phụ huynh, nội dung chính "không có gì ngoài việc yêu cầu phụ huynh đóng góp một số khoản "tự nguyện" với mức phí hàng triệu đồng"!
Mới đây thôi, dư luận đã "dậy sóng" trước tình trạng "bán bia kèm lạc" - ám chỉ bán sách tham khảo kèm sách giáo khoa để kiếm lời, chủ yếu do ý thức của giáo viên, hiệu trưởng và đặc biệt là cấp quản lý phía trên. Câu chuyện này đã được đề cập nhiều năm nhưng "đâu lại vào đấy". Đến đầu năm học, phụ huynh vẫn phải mua bộ sách vài chục cuốn theo "gợi ý" của nhà trường. Mà không mua không được, bởi rất nhiều bài học được giáo viên sử dụng ở những sách tham khảo ấy.
Bây giờ lại đến câu chuyện lạm thu. Mặc dù nhiều địa phương đã đưa ra quy định không cho lạm thu, Bộ GD&ĐT cũng quy định rất rõ ràng về các khoản thu, nhưng nhiều trường vẫn không chấp hành. Đơn cử như tại trường tiểu học Lê Quý Đôn (phường 5, TP.Bạc Liêu), phụ huynh học sinh lớp 2 phải nộp cho nhà trường hơn 2 triệu đồng, chưa kể các khoản quỹ lớp, quỹ trường mang tính chất đóng góp do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu. Đây cũng là mức "tự nguyện đóng" đối với phụ huynh ở rất nhiều trường khác trên cả nước. Về hình thức, các khoản phí nói trên là "tự nguyện", bởi nó được Ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất, thậm chí có biểu quyết lấy ý kiến của cha mẹ học sinh tại buổi họp phụ huynh hẳn hoi, nhưng trong thâm tâm, đại đa số phụ huynh đều băn khoăn với câu hỏi "trường thu tiền làm gì mà nhiều thế?", và "lấy đâu ra tiền để đóng cho con?".
Đối với rất nhiều gia đình vùng nông thôn, 2 triệu đồng là số tiền quá lớn. Nó khiến nhiều gia đình thực sự "đuối" khi ngoài khoản đó, họ còn phải lo chi phí nhiều khoản khác để cho con đến trường.
Không khó để nhận ra một sự thật phía sau câu chuyện "bia kèm lạc" trong sách giáo khoa. Đó là rõ ràng những người làm giáo dục kiêm… bán sách đều có hưởng lợi nên họ mới "nhiệt tình" ép học sinh phải mua kèm sách tham khảo. Với vấn đề "lạm thu", thì sự thật còn được phơi bày một cách rõ ràng hơn. Rất nhiều khoản thu do Ban đại diện cha mẹ học sinh thu hộ đã không được sử dụng một cách minh bạch, không đúng mục đích.
Phụ huynh thường yếu thế trong mối quan hệ với nhà trường. Đa số cha mẹ học sinh đều đáp ứng các yêu cầu mua sắm, đóng góp mà giáo viên đưa ra. Số ít có thắc mắc nhưng cũng ngại "đi đến cùng" vì sợ con mình bị trù dập.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia giáo dục và nhà giáo lão thành đã lên tiếng đề nghị khi phát hiện trường hợp vi phạm, cơ quan quản lý phải xác định rõ trách nhiệm, cái sai thuộc về ai và có chế tài xử lý mạnh tay. Thậm chí đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ quản lý (cụ thể là trưởng phòng giáo dục hoặc hiệu trưởng) và giáo viên nếu phát hiện cá nhân cố tình làm sai quy định.
Có lẽ, đó cũng là điều mà nhiều phụ huynh đã và đang nghĩ tới, nhưng… không dám nói ra!