THỨ BẨY, NGÀY 07 THÁNG 12 NĂM 2024 08:27

Cần xử lý nghiêm chuyện "nhập nhèm" sách giáo khoa, sách tham khảo

Không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo

Vừa qua, liên quan đến thông tin phụ huynh phản ánh về việc một số trường tiểu học thông báo không rõ ràng về danh mục sách giáo khoa (SGK), tài liệu tham khảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021 và yêu cầu phụ huynh mua với số tiền lớn, từ 500.000- 700.0000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng để mua bộ sách lớp 1 cho con. Trước thông tin trên, Bộ GD&ĐT đã có văn bản liên quan đến việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Cần xử lý nghiêm chuyện "nhập nhèm" sách giáo khoa, sách tham khảo - Ảnh 1.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn.

Theo Bộ GD&ĐT, các nội dung về SGK và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong đó quy định rõ, SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên; khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Nhằm cung cấp thông tin cho phụ huynh học sinh (PHHS) có con vào lớp 1 về SGK mới, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định, bộ SGK lớp 1 mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn. Cụ thể gồm các sách: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên -xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn. Ngoài các cuốn SGK chính thức trên, những tài liệu bổ trợ tham khảo khác cho HS, PHHS có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc. Các tài liệu bổ trợ nên trang bị theo nhu cầu thực tế của việc dạy - học và trên tinh thần tự nguyện của PHHS.

TS Thái Văn Tài nêu rõ, nếu trường nào không thông báo rõ ràng với phụ huynh những tài liệu nào là bắt buộc, tài liệu nào là tham khảo thì trường đó đang làm trái quy định. Bộ GD&ĐT đã có hành lang pháp lý và quy định trách nhiệm rõ ràng nhà trường phải làm. Nếu như trong một thông báo, hoặc trong một văn bản nào đó mà nhà trường chưa làm rõ 2 việc này thì tức là chưa làm đúng hoàn toàn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Nhà trường phải rút kinh nghiệm. Thanh tra có quyền về thanh tra, kiểm tra dấu hiệu này để xem sai đến đâu, mục đích gì và nếu sai đến đâu phải xử lý đến đấy.

Ông Tài cũng cho biết, lâu nay, việc mua sách vở, đồ dùng học tập được nhiều địa phương thực hiện theo hình thức nhà trường cung cấp danh mục sách, vở cần mua sắm cho năm học mới và phụ huynh học sinh đăng ký mua thông qua cơ sở giáo dục phổ thông. Song, do nhiều nguyên nhân khiến việc trang bị SGK vẫn xảy ra tình trạng "nhập nhèm" gây ảnh hưởng và mất lòng tin của PHHS. "Hiện nay các quy định, văn bản của Bộ GD&ĐT liên quan đến SGK, tài liệu tham khảo đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet. Do đó, phụ huynh cần chủ động theo dõi thông tin, giám sát, phản biện xã hội, mua sắm đúng sách cho con em mình. Trong trường hợp phát hiện trường làm trái với quy định, phụ huynh có quyền phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước để xử lý", ông Tài nhấn mạnh.

Cần xử lý nghiêm chuyện "nhập nhèm" sách giáo khoa, sách tham khảo - Ảnh 2.

Học sinh trường Tiểu học Lũng Luông (Thái Nguyên) trong một giờ học tiếng Việt.

Cần tăng chế tài xử lý vi phạm

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, khi phát hiện trường hợp vi phạm, cơ quan quản lý phải xác định rõ trách nhiệm, cái sai thuộc về ai và có chế tài xử lý mạnh tay. Nếu không, tình trạng nhập nhèm này sẽ còn mãi và ngày càng trầm trọng hơn. Ông Nhĩ đề xuất biện pháp giảm bậc lương, cách chức, thậm chí đưa ra khỏi ngành giáo dục nếu phát hiện cá nhân cố tình làm sai quy định.

Chia sẻ quan điểm trên, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới GD&ĐT nói: "Để chấm dứt hiện tượng quảng cáo danh mục sách tham khảo tại các trường, phải cách chức trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng hoặc kỷ luật giáo viên cố tình giới thiệu không rõ ràng SGK kèm sách tham khảo". Ông Vinh cho rằng năm học 2020-2021, ngành Giáo dục bắt tay vào đổi mới chương trình giáo dục và SGK. Năm đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng đến sự thành công của việc đổi mới chương trình. Bộ GD&ĐT nên xử nghiêm việc nhập nhèm giữa SGK và sách bổ trợ, tham khảo ngay từ những trường hợp đầu tiên, nếu không muốn ảnh hưởng việc thực hiện chương trình mới. Năm đầu thực hiện, ngành giáo dục đã để dư luận nghi ngờ việc đổi mới là không tốt.

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nếu không xử lý nghiêm trong năm nay, đến khi các địa phương tự chọn SGK, tình trạng này sẽ tái diễn và trầm trọng hơn. "Năm sau, lớp 2 và lớp 6 sẽ thực hiện chương trình và SGK mới. Đến năm 2025, tất cả học sinh bậc phổ thông đều học theo chương trình mới. Tình trạng nhập nhèm SGK, sách tham khảo, nếu diễn ra ở nhiều khối lớp, sẽ dẫn đến loạn", ông Dong phân tích.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh