CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

“Loạn” hướng dẫn viên Trung Quốc vì đâu?

Câu hỏi được đặt ra là tại sao hiện tượng “loạn” HDV Trung Quốc chỉ rơi vào một số tỉnh, thành ở miền Trung, mà không ở các tỉnh, thành có các điểm du lịch khác? Nhất là nếu như nguyên Bí thư thị xã Hội An (Quảng Nam) Nguyễn Sự nói, thì tình trạng này đã diễn ra không hề mới, vậy mà vẫn xảy ra như thể không có cơ quan nào quản lý. 

Chỉ đến khi một số HDV tiếng Trung người Việt Nam không thể im lặng được nữa, trưng hình ảnh ra thì sự việc mới gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về cả vấn đề quản lý Nhà nước lẫn sự vi phạm trong tuyên truyền về chủ quyền đất nước ở lĩnh vực này.

Nhiều HDV Trung Quốc hoạt động ở các điểm du lịch của Việt Nam.

Trước hết, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Sở Du lịch địa phương. Đúng như ý kiến của ông Nguyễn Sự, do việc quản lý du lịch không bài bản, mới dẫn đến hậu quả để HDV Trung Quốc dẫn khách đi “chui”, xuyên tạc lịch sử đất nước.

Luật Du lịch đã qui định rõ điều kiện được hành nghề HDV tại Việt Nam, nhưng công tác thanh kiểm tra và xử lý của Sở Du lịch địa phương đã không làm tốt. Ở các điểm du lịch ở Hà Nội, chỉ cần xuất hiện HDV không đeo thẻ, là đã bị phát hiện và xử lý. Vậy tại sao ở Đà Nẵng, các HDV Trung Quốc cứ ngang nhiên hoạt động?

Nhiều người lý giải rằng khách Trung Quốc đi tour do phía Trung Quốc tổ chức, nên công ty mang theo HDV, nhưng đó chỉ là bao biện cho công tác quản lý yếu kém. Khi chúng tôi đi du lịch Thái Lan, mặc dù tour do công ty lữ hành của Việt Nam tổ chức, nhưng sang đến Thái Lan, HDV người Việt Nam chỉ còn tư cách người dẫn đoàn.

Vì ở từng điểm du lịch đều có HDV của Thái Lan đảm nhiệm, chứ HDV người Việt tuyệt đối không được hành nghề. Thái Lan đón hàng chục triệu du khách mỗi năm, mà vẫn quản lý tốt khâu HDV, lẽ nào ở ta, số lượng khách chưa phải là nhiều, lại đã lúng túng?

Mặc dù năm 2015, khách Trung Quốc đến Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất nhưng cũng chỉ hơn 300.000 lượt khách và 6 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 211.000 lượt khách, chỉ là “muối bỏ bể” so với lượng khách du lịch của Thái Lan.

Việc các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc và Việt Nam móc nối với nhau để sử dụng HDV Trung Quốc thay vì HDV Việt Nam như báo chí phản ánh, cũng không được chính quyền và ngành du lịch địa phương phát hiện là điều vô lý.

Các HDV Trung Quốc hoạt động công khai, các HDV người Việt Nam biết, lẽ nào chính quyền địa phương không biết, không nghe phản hồi khi số vụ việc diễn ra không hề đơn lẻ trong suốt thời gian dài? Lẽ nào, lực lượng thanh tra của Sở Du lịch Đà Nẵng lại không biết?

Thực tế không thể phủ nhận là để những vi phạm trong hoạt động HDV xảy ra là do công tác quản lý Nhà nước bị buông lỏng ở các địa phương này. Buông lỏng do năng lực quản lý yếu kém, cán bộ quản lý không có trình độ tiếng Trung, nên nắm bắt tình hình chậm trễ.

Bên cạnh đó, ngành du lịch dường như không đánh giá đúng mức độ của việc HDV Trung Quốc xuyên tạc lịch sử là vi phạm nghiêm trọng, nên đã không ngăn chặn sớm. Cũng chính công tác quản lý yếu kém, nên mới có những công ty Việt Nam tiếp tay cho HDV Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ngay trên chính đất Việt Nam.

Theo Luật Du lịch 2005, để được hành nghề HDV quốc tế ở Việt Nam phải có thẻ HDV và có kí kết hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành. Người có đủ các điều kiện sau mới được cấp thẻ HDV quốc tế: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện; Có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp; Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. 

 


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh