Người Trung Quốc làm hướng dẫn viên tại Đà Nẵng: Lợi bất cập hại!
- Văn hóa - Giải trí
- 21:12 - 30/06/2016
Việc người Trung Quốc làm hướng dẫn viên trên địa bàn Đà Nẵng về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng hình ảnh điểm đến. Trong ảnh: Du khách Trung Quốc đến tham quan Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ
Theo Luật Du lịch Việt Nam, chỉ có HDV người Việt mới được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều công ty lữ hành vẫn móc nối với các công ty của Trung Quốc để các HDV người nước ngoài hướng dẫn khách. Đây là điều đáng lo ngại nếu những HDV nước ngoài giới thiệu không đúng về lịch sử, con người, văn hóa Việt Nam.
Muôn kiểu lách
Hiện nay, tại Đà Nẵng xảy ra một thực tế: nhiều người Trung Quốc thuê người Việt Nam mở công ty du lịch, hoặc đến Việt Nam với danh nghĩa du lịch, thực chất là hoạt động kinh doanh các dịch vụ du lịch bằng cách để người có quốc tịch Việt Nam đứng tên nhưng việc điều hành lại là người Trung Quốc. Để đối phó với các cơ quan chức năng tại địa phương, các công ty du lịch đã bày ra các “chiêu”. Các công ty này thường không sử dụng người Việt Nam làm HDV tiếng Trung Quốc mà sử dụng người Trung Quốc làm hướng dẫn và thuê một HDV du lịch người Việt (hầu hết là sinh viên mới ra trường có thẻ HDV nhưng ít kinh nghiệm) ngồi trên xe để đối phó với thanh tra du lịch. Những HDV này được gọi là sitting guide.
Anh B., HDV tiếng Trung cho biết, chỉ cần một buổi sáng đến Bà Nà hay một buổi chiều ở phố cổ Hội An có thể thấy rất nhiều đoàn khách Trung Quốc tham quan, mua sắm. Trong các đoàn khách đó, nhiều đoàn không do HDV người Việt Nam hướng dẫn. Nếu thanh tra hỏi, các sitting guide sẽ trình thẻ để kiểm tra, còn HDV người Trung Quốc làm nhiệm vụ “trưởng đoàn” khách du lịch.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều HDV tiếng Trung tỏ ra bức xúc và lo ngại việc HDV người Trung Quốc dẫn khách ngay trên đất nước mình sẽ dẫn đến hệ lụy là không kiểm soát được những thông tin mà HDV Trung Quốc giới thiệu với du khách. Mới đây, cộng đồng HDV tiếng Trung tại Đà Nẵng đã bày tỏ mong muốn được hoạt động trong một môi trường du lịch ổn định và bền vững, có định hướng cụ thể. Các HDV tiếng Trung cũng mong muốn sự vào cuộc có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn để không còn tình trạng HDV thì nhiều nhưng không có việc làm.
Rà soát, chấn chỉnh HDV nước ngoài hoạt động trái phép
Theo thống kê của Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng (nguồn do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Đà Nẵng cung cấp), lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng nhiều năm liên tiếp luôn đứng đầu trong top 10 thị trường quốc tế đến Đà Nẵng; năm 2014 xếp thứ nhất với 152.359 lượt khách, năm 2015 cũng xếp thứ nhất với 334.938 lượt khách. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2016 đón 185.620 lượt khách Trung Quốc, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái (6 tháng đầu năm 2015 đạt 114.922 khách).
Trước đó, ngày 19-5, tại cuộc họp triển khai các nội dung hoạt động du lịch hè, vấn đề hoạt động lữ hành trái phép trên địa bàn Đà Nẵng đã được các doanh nghiệp du lịch nhắc lại. Đại diện các đơn vị lữ hành cho rằng, hầu hết các đối tượng nước ngoài hoạt động trái phép là những người tạm trú lâu năm ở Việt Nam, thạo tiếng Việt, thậm chí nắm rõ luật pháp của Việt Nam nên đã có nhiều “chiêu” đối phó với các cơ quan chức năng.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, hiện nay Đà Nẵng có khoảng 360 HDV tiếng Trung đã được cấp thẻ hành nghề HDV, về cơ bản có thể tạm đủ để phục vụ lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng. Nhưng thực tế, các công ty Trung Quốc thường bán giá tour rất thấp, chỉ bằng giá vé máy bay (hoặc thấp hơn). Vì vậy, khi đưa khách sang Việt Nam, họ thường sử dụng HDV người Trung Quốc để thuyết phục, đưa khách vào các nhà hàng, khu điểm mua sắm của họ và bán những tour tự chọn với giá cao để thu lời và điều quan trọng nữa là không quản lý được chất lượng, nguồn gốc của hàng hóa ở các điểm bán này. Chính vì những lý do đó, du khách sẽ thấy điểm đến Đà Nẵng quá đắt đỏ, chất lượng tour thấp, dần dần mất hình ảnh của điểm đến, dẫn đến các doanh nghiệp địa phương không thể cạnh tranh được. Đó là chưa kể tình trạng thất thu thuế về mặt lữ hành. “Với hơn 300.000 lượt khách trong năm 2015, thử hỏi ngành thuế Đà Nẵng thu được bao nhiêu tiền thuế từ nguồn khách Trung Quốc?”, ông Cao Trí Dũng đặt câu hỏi.
Ông Cao Trí Dũng cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề này, phải có sự phối hợp của chính phủ hai nước, chỉ cho những công ty nào bảo đảm yêu cầu thì đón khách, nghiêm cấm bán tour dưới giá, nên có mức giá sàn cụ thể. Ở góc độ địa phương, phải rà soát toàn bộ các công ty đang duyệt nhân sự đưa khách vào, hướng dẫn các công ty thực hiện đúng Luật Du lịch Việt Nam, có sự giám sát liên ngành; kiểm tra toàn bộ người Trung Quốc lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng xem mục đích cụ thể là gì; lực lượng quản lý thị trường kiểm tra toàn bộ các nhà hàng, khu điểm mua sắm có yếu tố Trung Quốc để vừa bảo đảm giá, vừa bảo đảm đúng về xuất xứ và chất lượng sản phẩm…
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường cho biết, trước tình hình một số HDV người Trung Quốc hoạt động trái phép tại Đà Nẵng, Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ thông tin, đồng thời tích cực rà soát tình trạng HDV người Trung Quốc hoạt động ở Đà Nẵng. Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch cũng cho hay, hôm nay (30-6), đơn vị này sẽ họp với các sở, ban, ngành liên quan cũng như các đơn vị lữ hành, HDV để chấn chỉnh, nhắc nhở không tiếp tay cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Đà Nẵng; đồng thời sẽ đề xuất với thành phố thành lập Cảnh sát du lịch để kiểm tra triệt để, quyết tâm làm sạch môi trường du lịch.