Lo nợ xấu tăng, ngân hàng siết tín dụng bất động sản
- Huyệt vị
- 14:54 - 07/11/2018
Theo đó, nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất cho vay mua nhà trong nhữn g tháng gần đây thêm 1 - 2% lên mưc 11 - 12%. Trong khi đó, lãi suất cho vay các chủ đầu tư lớn của các ngân hàng cũng tăng khoảng 0,5% lên 10 - 11%/năm.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất cho vay bất động sản.
Lý giải xu hướng tăng lãi suất lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia cho rằng chủ yếu do nhiều ngân hàng sắp hết hạn mức tín dụng nên buộc phải siết lại các khoản vay như vay nhiều rủi ro bất động sản, chứng khoán, mua ô tô...
Cùng với đó là lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn từ mức 45% xuống 40% chỉ còn vài tháng, trong khi Ngân hàng Nhà nước nhiều lần yêu cầu siết tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro cũng khiến các khoản vay bất động sản gặp khó hơn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng với kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 8/2018 tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành, tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 7,4%. Trong khi cùng kỳ năm 2017 tín dụng bất động sản tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, cơ quan này đã thực hiện rất nhất quán và kiên định việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tập trung thanh tra cảnh báo các TCTD tiềm ẩn rủi ro.
Theo lý giải của lãnh đạo NHNN, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng do các quy định pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực này còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới.
Việc định giá tài sản đảm bảo là BĐS gặp khó khăn do đây là tài sản đặc biệt, có lợi nhuận kỳ vọng cao, có nhiều hoạt động đầu cơ, thao túng giá thị trường nên dẫn đến giá cả không phản ánh đúng giá trị tài sản; sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường bất động sản còn hạn chế dẫn đến các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng...
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng dù việc các ngân hàng siết tín dụng bất động sản thời gian gần đây phần nào gây khó khăn cho người có nhu cầu mua nhà để ở, tuy nhiên cũng mang lại những hiệu ứng tích cực, như tạo sức ép buộc các chủ đầu tư phải tính toán lại phương án đầu tư, tập trung vào các phân khúc thanh khoản cao.