THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:04

Nợ xấu của các ngân hàng tăng cao đột ngột

 

Cụ thể, trong Báo cáo tài chính quý 3/2018 Vietcombank vừa công bố cho thấy, tính đến hết tháng 9/2018, quy mô nợ xấu của ngân hàng này tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đưa tổng số nợ xấu lên 7.400 tỷ đồng, chiếm 1,18% dư nợ cho vay khách hàng, tăng so với mức 1,14% hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2017, lên 4.578 tỷ đồng.

Các ngân hàng gia tăng nợ xấu.

 

Theo Báo cáo tài chính của Vietinbank, nợ xấu cuối quý 3/2018 của ngân hàng này là 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 34,6% so với đầu năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,14% đầu năm 2018 lên 1,36%. Nợ nhóm 5 có tỷ lệ lớn nhất, với 8.739 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ năm 2017).

Còn Báo cáo tài chính của BIDV cho biết, tại thời điểm 30/9/2018, ngân hàng này có hơn 17.041 tỷ đồng nợ xấu, tăng 21% so với thời điểm đầu năm 2018, tức là tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV chiếm 1,75% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Như vậy, chỉ tính ba ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có vốn Nhà nước trên, đến hết tháng 9/2018, số nợ xấu tuyệt đối đã tăng thêm 7.300 tỷ đồng.

Đó còn chưa kể nợ xấu của Agribank, có quy mô lớn nhất hệ thống NHTM Việt Nam, hiếm khi được thấy công bố công khai. Cùng với đó là ba NHTM cổ phần, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, thực trạng nợ xấu như thế nào vẫn còn là ẩn số.

Khối NHTM cổ phần vốn tư nhân quy mô nợ xấu cũng tăng. Điển hình là VPBank. Theo Báo cáo tài chính hết quý 3/2018 đã được công bố công khai, nợ xấu tuyệt đối tại VPBank (hợp nhất) đến cuối tháng 9/2018 đã lên tới 9.401 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng từ 3,39% lên 4,70%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh nhất với 61%, chiếm 5.102 tỷ đồng.

Techcombank nợ xấu đã tăng hơn 844 tỷ đồng, lên mức 3.426 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) là 2.000 tỷ đồng. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,05% so với 1,61% hồi đầu năm.

Với ngân hàng ACB, nợ xấu tăng từ 461 tỷ lên 1.850 tỷ đồng, chiếm 0,84% dư nợ cho vay khách hàng. Tỷ lệ này có tăng so với mức 0,71% hồi đầu năm. Nợ xấu tại ngân hàng OCB cuối tháng 9/2018 là 1.429 tỷ, tăng mạnh so với con số 864 tỷ đồng hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,79% cuối năm 2017 lên 2,66% cuối tháng 9/2018.

Nợ có khả năng mất vốn tính đến hết tháng 9/2018 của ngân hàng VIB tăng lên hơn 2.002 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cuối 2017. Ngân hàng Bắc Á, nợ xấu cũng tăng 23% so với đầu năm, lên 431 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng 82%, chiếm 419 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến hết tháng 9/2018 ở mức 0,71% tổng dư nợ cho vay, tăng so với thời điểm đầu năm.

Theo số liệu từ NHNN, quy mô nợ xấu toàn ngành cuối năm 2017 là 1,99%, nhưng đến hết quý 2/2018 đã tăng lên 2,09%.

Nguyên nhân nợ xấu tăng, được nhiều ngân hàng lý giải, là do mua lại số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đây. Cùng với đó, dư nợ tín dụng tăng, kéo theo nợ xấu đi lên. Điều này là bình thường trong hoạt động của ngân hàng. Hiện tại, câu chuyện nợ xấu chưa phải là vấn đề đáng quan ngại, khi diễn biến tăng chưa đến mức báo động.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, xu hướng nợ xấu tăng cần được quan tâm. Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo chính thức hơn 2%, một phần là do được chuyển từ hệ thống ngân hàng sang VAMC. Nếu tính cả nợ xấu do VAMC và các ngân hàng nắm giữ, cộng với nợ xấu tiềm tàng, sẽ cao hơn, ở mức khoảng 7% tổng dư nợ.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh