Lò cao kháng chiến Hải Vân được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia
- Tây Y
- 13:31 - 29/06/2015
Sáng 28/6, UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Lò cao kháng chiến Hải Vân (lò cao NX3).
Lễ công bố quyết định công nhận Lò cao kháng chiến Hải Vân là di tích cấp Quốc gia
Vào năm 1948, dưới sự chỉ đạo của Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng, xưởng kim khí kháng chiến 3KC được giao nhiệm vụ thiết kế và thi công lò cao luyện gang nhỏ thí nghiệm 3KC1 ở Cầu Đất, huyện Con Cuông (Nghệ An), phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau nhiều lần không thành công và bị địch phát hiện bắn phá, lò được chuyển về huyện Như Xuân (Thanh Hóa) với quy mô xây dựng lò lớn hơn để nấu quặng ra gang, đáp ứng nhu cầu mới của cuộc kháng chiến.
Tháng 5/1950, hai lò cao ở làng Đồng Mười, huyện Như Xuân với ký hiệu NX1, NX2 được xây dựng.
Đến ngày 19/12/1951, mẻ gang đầu tiên ra lò đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Vào các năm 1952, 1953, lò cao NX1 và NX2 bị địch phát hiện và cho máy bay ngày đêm bắn phá. Trước tình hình ấy, cấp trên đã quyết định chuyển toàn bộ xưởng sản xuất vào trong hang Đồng Mười cách địa điểm cũ chừng 1 km.
Lò cao kháng chiến Hải Vân
Cuối năm 1953, lò cao NX3 hoàn thành, trùng với dịp chiến thắng oanh liệt của quân ta tại đèo Hải Vân, do đó lò cao NX3 được đổi tên thành lò cao Hải Vân.
Trong 3 năm xây dựng và sản xuất, lò cao kháng chiến XN3 đã cung cấp trên 500 tấn gang phục vụ quân sự, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ toàn thắng, tháng 12/1954, Lò cao ngừng hoạt động.
Trong hang hiện vẫn còn dấu tích của những lò gang và chiếc ống khói dã chiến để che mắt kẻ thù. Ngày 18/4/2013, Bộ VHTT & DL đã quyết định xếp hạng Lò cao kháng chiến xã Hải Vân là di tích lịch sử quốc gia.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với di tích lịch sử Lò cao kháng chiến Hải Vân.
Quy hoạch xây dựng bảo tồn Lò cao kháng chiến Hải Vân
Nhân dịp này, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã quyết định dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Lò cao kháng chiến Hải Vân với tổng mức đầu tư khoảng 22 tỷ đồng do huyện Như Thanh làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục như: phục dựng hệ thống lò cao (lò chính, ống khói, lò ủ gang, xưởng sản xuất, đường goòng), nhà dịch vụ đón tiếp, lầu bát giác, chòi nghỉ, cầu đá, hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe, khuôn viên cây xanh
Toàn bộ thời gian thực hiện dự án không quá 3 năm nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích này thành một trung tâm văn hóa, du lịch có sức hút đối với du khách; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện, xây dựng cơ chế ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, đưa Như Thanh trở thành điểm nhấn du lịch của tỉnh Thanh.