THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:05

“Quạt ma” của người Mường họ Cuội

 

Từ tích chuyện nhà “họ Cuội”...

Nằm cách thành phố Thanh Hóa gần 60km về phía tây bắc, xã Thành Công được xem là miền đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường. vốn di cư từ Hòa Bình vào đây sinh sống từ thời “Đẻ đất, đẻ nước”, qua bao thế hệ với nhiều dòng họ khác nhau như: Đinh, Trương, Bùi, Quách, Bạch, Hà... nhưng không phải dòng họ nào cũng có tục “quạt ma” mà chỉ có hai dòng họ Quách và Bùi còn lưu giữ tục lệ độc đáo này. Những người già trong bản qua bao đời nay vẫn thường kể lại cho con cháu nghe tục “quạt ma” gắn liền với sự tích mẹ con “nhà Cuội”.

Ông Bùi Biển Khơi.

Trong câu chuyện kể về tích chuyện nhà họ Cuội, ông Bùi Biển Khơi, ở thôn Bất Mê một trong những người cao tuổi còn lưu giữ nhiều tài liệu gia phả dòng họ Bùi kể: “Gọi là “nhà Cuội” vì trong nhà chỉ có hai mẹ con sống côi cút, nương tựa vào nhau. Buổi ấy vì nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, người mẹ qua đời mà không có tiền lo tang lễ nên Cuội đã nghĩ ra cách “giả vờ cho nhà hàng xóm hại chết mẹ mình”. Sáng sớm tinh mơ, Cuội đưa xác mẹ cùng bó rơm qua hàng xóm dựng đứng bên ngoài cánh cửa nhà sàn rồi giả vờ cùng mẹ đi xin lửa về nhóm bếp. Sau đó, Cuội chạy về nhà lớn tiếng gọi sang nhà hàng xóm đánh động. Hàng xóm nghe thấy tiếng kêu mới đẩy cánh cửa, bất ngờ người mẹ ngã từ trên gác rơi xuống đất. Chỉ chờ có vậy Cuội chạy sang ăn vạ, rồi báo cho nhà lang biết chuyện.

Quan lang (người giữ chức sắc cao nhất) trong Mường xuống thấy sự việc và phán rằng nhà hàng xóm đã hại chết mẹ Cuội. Sự việc rành rành không thể chối cãi được, nhà hàng xóm bèn phải cử người nhà mổ lợn, mổ trâu... để tiến hành tang lễ. Khi đã chuẩn bị hết các đồ để tiến hành lễ “quạt ma”, nhưng vì nhà nghèo Cuội không có vợ. Theo nguyên tắc tang lễ người Mường phải có con dâu đứng “quạt ma”. Chẳng còn cách nào khác Cuội phải mượn 9 cô gái phụ giúp việc trong nhà lang làm người quạt ma hộ. Lo tang lễ cho mẹ xong xuôi, 9 cô gái cởi đồ trả lễ cho nhà lang, nhưng với bản tính láu cá Cuội bắt 9 cô gái đã quạt ma cho mẹ phải trở thành vợ Cuội. Các cô không chịu, liền bị Cuội kiện lên quan lang. Theo đúng lệ Mường,  quan xử cho Cuội thắng. Từ đó, Cuội có 9 vợ, sau này sinh được 9 người con trai. Khi Cuội qua đời, 9 cô con dâu phải giữ lệ xưa, mặc áo tang đỏ đứng quạt ma cho bố chồng. Cũng từ đấy về sau tục “quạt ma” cho người chết được hai họ Quách (Cuội), Bùi (Cuội) ở xã Thành Công lưu truyền đến ngày tận ngày nay và gắn liền với sự tích họ nhà Cuội.” 

Các “nàng dâu” mặc trang phục đỏ, quạt ma trong một đám tang.

 ...Đến tục dâu mặc áo đỏ quạt ma cho người chết.

Mỗi người con gái khi về làm dâu họ Cuội (họ Quách, họ Bùi) ở xã Thành Công dù khó khăn đến mấy cũng phải chuẩn bị cho mình một bộ váy Mường, một bộ trang phục màu đỏ để phục vụ đám tang trong gia đình và trong dòng họ. Nó không chỉ thể hiện truyền thống văn hóa của dòng tộc đã được lưu truyền qua bao đời nay mà nó còn thể hiện sự kính cẩn, biết ơn đối với các bậc sinh thành.

Áo tang gồm: Váy đen, cạp mới, áo ngắn, áo chùng trắng, áo đỏ, mũ trang trí tua hạt cườm, vòng đeo tay hạt cườm, quạt cọ…

Bà Quách Thị Lây, dâu trưởng dòng họ Quách cho biết: Trong một đám tang của họ Cuội chỉ con dâu, em dâu, cháu dâu được mặc áo đỏ và “quạt ma”. Con dâu đứng quạt ma, con trai nằm đường, con gái khóc thương để thể hiện tấm lòng hiếu thảo, thờ mẹ kính cha. “Quạt ma” của dòng họ Quách, họ Bùi ở Thành Công được làm bằng bẹ măng tre, măng luồng đã khô. Khi trong nhà hoặc trong họ có đám tang, những chiếc quạt ma này phải được người khác họ hoặc “kẻ khó” trong thôn, trong bản làm (kẻ khó - người khó khăn - PV). Đầu quạt là tấm bẹ đã khô được gắn với một que tre dài. Vào các giờ cúng cơm trong ngày hoặc lúc thầy mo làm lễ (mo lên trời, mo đưa người chết đi thăm anh em...) các nàng dâu sẽ đứng quạt hoặc ngồi quạt phe phẩy vào quan tài. Với nghi lễ này, người Mường họ Cuội ở Thành Công cho rằng, phải quạt như vậy để linh hồn người nằm trong quan tài được mát mẻ như khi còn sống được con dâu ngồi quạt cho cha mẹ.

Trong lễ “quạt ma”, vị trí các nàng dâu được phân định từ cao đến thấp. Đứng ngay đầu quan tài là vị trí dâu trưởng của dòng họ rồi đến dâu thứ. Tiếp đến các vị trí con gái, cháu gái... sẽ ở vòng ngoài. Cá biệt, có những dòng họ con dâu, cháu dâu mấy chục người, lễ quạt ma được tổ chức kín từ trong nhà ra tận ngoài sân. Điều đặc biệt hơn nữa, nếu ở hàng dâu đứng quạt ma mà có một người vì lý do nào đó vắng mặt thì vị trí đó phải được để trống và không ai được thay thế.

Bộ tang phục màu đỏ cùng quạt ma chỉ được dùng đến khi khiêng quan tài ra ngõ hoặc đi nửa đường là phải cởi ra ngay. Khi đưa tang, các nàng dâu sẽ đi trước quan tài để quạt ma, ở các ngã rẽ, các nàng dâu sẽ không phải quạt. Riêng người con dâu trưởng ngoài tay cầm quạt ma còn phải gánh thêm một gánh đồ lễ. Sau đó các nàng dâu phải nhanh chóng chạy đi trước quan tài rửa tay bằng nước lã. Rửa tay xong, các cô con dâu lại mặc đồ màu trắng như bình thường. Bởi theo như tục quạt ma người Mường họ Cuội, sau khi quạt ma xong họ đã chính thức trở thành con dâu trong nhà.

Không chỉ độc đáo với tục quạt ma, trong đám tang của người Mường họ Cuội còn tồn tại nhiều nghi lễ hết sức độc đáo như: tục nằm đường, tục chôn 9 hòn đá quanh mộ, tục con trai trưởng cầm dao nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gian thờ sau đó gia đình nổi chiêng phát tang....vẫn còn được lưu giữ. 

Các nàng dâu mặc áo đỏ trong lễ quạt ma.

Đổi thay nhờ nếp sống văn hóa

Trong những năm gần đây, với việc thực hiện các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, nên nhiều hủ tục rườm rà trong đời sống được xóa bỏ.

Ông Quách Văn Ruộng, trưởng dòng họ Quách, xã Thành Công cho biết: Trước đây, tang lễ người Mường thường kéo dài 3 ngày 4 đêm, 7 ngày 7 đêm hoặc lâu hơn nữa. Ngoài ra còn có tục tục nằm đường, lăn đường, khách đến nhà phải bưng cơm dọn cỗ... Tang lễ kéo dài cùng với sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu không chỉ lãng phí, tốn kém tiền của, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Những năm gần đây, nhờ xây dựng nếp sống văn hóa mới mà các hủ tục đã được loại bỏ. Tang lễ chỉ được kéo dài trong 24 giờ, thậm chí còn thực hiện nhanh hơn. Tuy nhiên, ý thức được ý nghĩa quan trọng trong phong tục ma chay độc đáo đã có từ hàng ngàn năm nay nên người Mường họ Cuội nơi đây vẫn còn giữ được nhiều bản sắc riêng, độc đáo trong đời sống tâm linh. Nó không chỉ là nơi hội tụ những giá trị văn hóa dân gian mà còn mang tính nhân văn sâu sắc…

Anh Bùi Văn Thân, cán bộ văn hóa xã Thành Công cho biết: “Đám tang của người Mường đậm nét sinh hoạt văn hóa dân gian song đến nay những nghi thức của đám tang đã được đơn giản hóa. Tuy nhiên, những nghi thức cổ xưa, độc đáo vẫn còn được lưu giữ và phát huy.”

Mộc mạc và giản dị nhưng với những nét đặc sắc trong tập tục của người Mường họ Cuội ở Thành Công là cả một kho tàng giá trị nhân văn làm cho đời sống văn hóa tinh thần trở nên phong phú. Nó đã góp phần nhỏ bé trong việc xây dựng kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường xứ Thanh nói riêng và người Mường nói chung.

Anh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh