CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:54

Rơi nước mắt cảnh cha mẹ già xích chân con tâm thần

.

Sự khổ cực cứ bám riết lấy gia đình nghèo suốt hơn 10 năm qua và chẳng biết thêm bao nhiêu năm nữa...

Giọt nước mắt chảy ngược

Về xã Hà Lâm, hỏi thăm gia đình ông Phạm Văn Ngân, bà Dương Thị Ý không ai là không biết. Mọi người biết đến gia đình ông bà, bởi đã bước sang tuổi “ngũ tuần” nhưng ngày ngày vẫn phải bươn chải đầu tắt mặt tối để chăm lo cho hai đứa con điên loạn.

Trong căn nhà tuềnh toàng dường như chẳng có vật gì đáng giá, dưới cái nắng đổ lửa những ngày trưa tháng 6, cố lau khô những giọt mồ hôi đang chảy dài nhễ nhại trên khuôn mặt già nua, gầy guộc, khắc khổ, mái tóc đã điểm bạc, ông Ngân không khỏi xót xa khi kể chuyện về hai đứa con mình.

Mỗi khi Nguyệt lên cơn, để chăm sóc con ông bà đành phải trói tay con lại

Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, ông nên nghĩa vợ chồng với bà Dương Thị Ý, người con gái ở cái vùng quê chiêm trũng luôn được mọi người quý mến, bởi cái nết chịu thương, chịu khó. Mối tình nghèo nhưng hạnh phúc như bông hoa thêm đượm sắc khi vợ chồng ông lần lượt sinh hạ được ba đứa con khỏe mạnh, thông minh.

Cứ ngỡ từ đây niềm vui, niềm hạnh phúc đã đến với gia đình nghèo khó nơi vùng quê chiêm trũng. Nào ngờ, tai họa ập đến với gia đình ông, vào một ngày đầu tháng 6/2005, khi ấy người con gái đầu Phạm Thị Nguyệt vừa học xong lớp 8 đang tuổi ăn, tuổi lớn bỗng chốc hóa kẻ tâm thần điên dại.

Giọt nước mắt đau đớn, buồn tủi chưa kịp khô, thì một lần nữa, số phận nghiệt ngã lại bám riết lấy gia đình. 4 năm sau tai họa lại tiếp tục giáng xuống ngôi nhà nhỏ đầy bất hạnh, khi ông Ngân, bà Ý nhận được kết luận cuối cùng của bác sỹ người con trai út Phạm Văn Hưng mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt.

Cố nén những dòng nước mắt, giọng khắc khoải, bà Ý kể: Ngày chưa mắc bệnh, nó (Nguyệt - PV) cũng là đứa chịu thương chịu khó. Mới 14-15 tuổi, lại là chị  cả nhưng nó đã ra dáng một người lớn hẳn hoi. Vừa đỡ đần cha mẹ, lại chăm sóc các em nên dân làng ai cũng quý, cũng thương.

Hè năm 2005, trong một lần nó mang sọt đi cắt cỏ cho bò ăn giúp bố mẹ. Đến chiều tối, không thấy nó về, gia đình cùng xóm làng đổ xô đi tìm thì thấy cháu ngồi thất thần dưới gốc cây trên đồi. Gặp mọi người, cô bé chẳng nói năng gì. Về nhà vợ chồng tôi có gặng hỏi cháu xem đã xảy ra chuyện gì, nhưng cháu cũng chẳng nói được từ nào, cứ im lặng như vậy. Được mấy hôm sau thì cháu phát chứng bệnh tâm thần như bây giờ. Chúng tôi đưa con đi bệnh viện chữa trị nhưng các bác sĩ đều lắc đầu.

Từ khi mắc chứng bệnh tâm thần, ngày cũng như đêm Nguyệt cứ hết hát rồi lại dùng tay vả vào mặt, gặp thứ gì là đập phá. Nhiều lần đến cả ông Ngân và bà Ý cũng bị Nguyệt lùa đánh. Lực bất tòng tâm, suốt hơn 10 năm qua vợ chồng ông Ngân, bà Ý đành phải xích chân con vào cửa sổ, dùng dây thừng trói hai tay lại…

Nói về người con trai út Phạm Văn Hưng, bà Ý kể tiếp: Ngày thằng Hưng mới bắt đầu có biểu hiện, tôi đứng ngay cạnh nó hai hôm liền xem cháu nó soạn sách đi học theo lịch của thời khóa biểu. Thấy cháu soạn sai sách, tôi nhắc cháu thì cháu khăng khăng cãi lại và đăm chiêu nhìn vào bức tường… Thấy con như vậy, hai vợ chồng tôi nghi con mắc chứng bệnh giống chị nó nên chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền, rồi mang con ra Hà Nội để khám và chữa trị. Ra đấy, các bác sỹ khám bảo cháu nó bị tâm thần phân liệt. Điều trị một thời gian ngoài Hà Nội, bao nhiêu tiền tích góp rồi vay mượn cứ đội nón theo bệnh ra đi nhưng chẳng khỏi, kinh tế gia đình kiệt quệ, vay mượn khắp nơi không được, vợ chồng tôi đành mang con trai về. Nhiều lúc nó phát bệnh nặng, lên cơn liên tục, nhất là lúc trở trời, nắng to. Giờ cuộc sống khó khăn tôi cũng cam chịu, chỉ cố gắng lo cho chồng, cho con…

Cần lắm sự sẻ chia

Cuộc sống khó khăn, vẫn ngày ngày ông Ngân, bà Ý vừa phải làm lụng vất vả để mưu sinh cuộc sống, vừa phải thay nhau chăm sóc 2 đứa con điên loạn.

Căn phòng nhỏ, nơi ông Ngân, bà Ý nhốt người con trai út

Hơn một năm trước, thấy căn nhà ông Ngân đang ở chật chội, họ hàng, chính quyền hỗ trợ cho gia đình một khoản tiền để xây thêm căn phòng nhỏ. Khi căn nhà hoàn thành, ông bà đành nhốt con trai vào đó, khóa chặt cửa. Suốt hơn 10 năm nay ông bà chẳng đêm nào được ngủ yên vì hai đứa con thay nhau quậy phá, la hét, hết khóc rồi lại cười. Những lúc ấy, ông bà phải thay nhau dỗ dành, dùng những lời ngon ngọt để khuyên con nhằm giữ giấc ngủ cho làng xóm.

Nhìn những đứa con rứt ruột đẻ ra, giọng nghẹn ngào bà Ý kể tiếp: “Phải tách hai đứa ra, chứ ở gần nhau là chúng nó thi nhau gào thét, đập phá, làng xóm không được phút nào yên. Nếu đi làm đồng thì chúng tôi phải xích chân lại, nếu không cháu sẽ phá cửa chạy mất. Đi làm được đồng nào, vợ chồng tôi dành dụm hết vào việc chăm lo, thuốc thang, chạy chữa cho Nguyệt và Hưng. Đến nay, số tiền gia đình vay mượn đã lên đến gần trăm triệu đồng nhưng chẳng biết khi nào mới trả nợ xong”.

Sự khổ cực cứ bám riết lấy gia đình nghèo suốt hơn 10 năm qua và chẳng biết thêm bao nhiêu năm nữa. Hiện tại cả gia đình ông Ngân, bà Ý sống chủ yếu bằng số tiền làm lụng vất vả của hai vợ chồng và số tiền trợ cấp xã hội ít ỏi của con. Cuộc sống của gia đình ông cứ thế lay lắt qua ngày.

Nói về hoàn cảnh gia đình ông Ngân, bà Ý, ông Phạm Văn Bỏ, Trưởng thôn 5 cho biết: "Gia đình ông Ngân thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn của địa phương. Vì chăm lo cho hai đứa con mắc bệnh tâm thần, ông Ngân và bà Ý đã vạy mượn, cầm cố khắp nơi. Chính quyền có hỗ trợ cho mỗi cháu 270 nghìn đồng mỗi tháng. Bà con lối xóm ai cũng thương tình nhưng đa phần ai cũng khó khăn nên chẳng giúp đỡ được nhiều. Vì vậy chúng tôi thiết tha mong nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn từ các tấm lòng hảo tâm, xã hội để giúp gia đình ông Ngân, bà Ý có cuộc sống ổn định hơn, nhất là lúc ông Ngân, bà Ý bóng đã xế chiều…"

Anh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh