THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:33

Liên kết '6 nhà' để phát triển bền vững

 

Đây là chia sẻ của ông Thào Xuân Sùng – Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại hội thảo hợp tác sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 11/12, tại Hà Nội.

Liên kết "6 nhà" là tất yếu để khơi thông thị trường nông sản.

Theo ông Thào Xuân Sùng, nông dân không phải chỉ sản xuất cái đã có mà phải sản xuất cái thị trường cần. Việc tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường thì khó, cho nên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia với bà con là rất quan trọng. Do đó, cần sự phối hợp giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối, nếu tách ra là không thành công. Cần xây dựng quy hoạch theo vùng, sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương. Trong mối liên kết 6 nhà thì Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng, nhà đầu tư (doanh nghiệp) là cánh tay phải của mối liên kết này. Bởi vì, chỉ có doanh nghiệp mới có tiềm lực để đầu tư vốn, giống cho nông dân, tuyển dụng nhà khoa học hỗ trợ nông dân, tạo ra các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm để đưa ra thị trường.

Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, khoa học công nghệ là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tỷ trọng hàm lượng giá trị khoa học công nghệ đã đóng góp  trên 30% tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Năng suất, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế phổ biến nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao. Hợp tác, liên kết ngày càng đa dạng về hình thức và mở rộng đối tượng tham gia, mô hình liên kết “6 nhà” đã khá phổ biến, thông qua 1.029 chuỗi, với 1.407 sản phẩm, 3.162 điểm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: “Những mô hình nông nghiệp liên kết có hiệu quả do có chung mục tiêu, phương pháp, nghĩa vụ và cùng chia sẻ lợi ích. Nông dân có vai trò quan trọng trong mối liên kết này, họ cần chung tay với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nước để đảy mạnh chuỗi liên kết bền vững để tạo ra sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh cao”.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong những năm qua đã có nhiều mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo nguyên tắc tự nguyên, đồng thuận, chia sẻ lợi ích có hiệu quả đang được nhân rộng. Tổ chức sản xuất theo chuỗi là giải pháp trọng tâm đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. HTX đã được tổ chức lại và thành lập mới. Đến nay có 13.152 HTX, 39 liên hiệp HTX nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh trong 3 năm gần đây, điều đó đã khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

TS Vũ tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, năm 2017 đã có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm 2014-2016. Nếu tính tất cả doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thì đến tháng 9/2018 có trên 49.600 doanh nghiệp chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có 7.600 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Điều này cho thấy doanh nghiệp tin tưởng vào chính sách, điều hành vĩ mô của Chính phủ và tìm thấy các cơ hội thị trường của lĩnh vực nông nghiệp.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh