CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:13

Chỉ có 20% nông sản sạch được doanh nghiệp đảm nhận tiêu thụ

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực trạng sản xuất và phân phối nông sản, rau an toàn tại Việt Nam còn rất nhỏ lẻ về quy mô. Sản lượng và thu nhập trên diện tích đất canh tác chưa cao. Trong đó, nguồn giống sạch mỗi năm Việt Nam phải nhập 550 triệu USD. Chuỗi cung ứng cũng bị hạn chế bởi địa phương, vùng miền.

Giới thiệu nông sản sạch đến người tiêu dùng.

 

Việt Nam đã theo đuổi nền nông nghiệp hóa học từ vài chục năm nay, song hệ thống kiểm soát còn kém hiệu quả. Hệ lụy của tình trạng quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kém hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp là môi trường đất bị phá hủy, cây trồng kháng thuốc và tình trạng thực phẩm không an toàn tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng… Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện một số trang trại, doanh nghiệp lựa chọn con đường canh tác theo phương pháp hữu cơ hoặc canh tác sử dụng hóa chất theo tiêu chuẩn sản xuất nông sản sạch. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, hiện nay việc phát triển sản xuất nông sản sạch vẫn khá èo uột, hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch nguyên nhân của thực trạng này nằm ở tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ. Trước hết, ở khâu sản xuất, mặc dù Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, những chính sách còn khá chung chung, chưa có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ thật cụ thể.

Đơn cử, các chính sách chỉ đề cập đến việc khuyến khích người nông dân, nhà sản xuất chuyển đổi từ phương pháp canh tác thông thường sang canh tác hữu cơ, song những sự hỗ trợ cụ thể cho nhà sản xuất như thế nào trong quá trình chuyển đổi đó thì lại chưa được đề cập đến nhiều trong các chính sách. Điều này khiến cho đa số người nông dân, nhà sản xuất vẫn phải tự mình loay hoay sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ, từ đó chỉ dừng lại ở việc sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Đối với khâu phân phối, đã xuất hiện những doanh nghiệp bán lẻ rất quan tâm đến việc tìm nguồn nông sản sạch an toàn để đưa ra thị trường cung cấp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính việc hạn chế phát triển ở khâu sản xuất khiến nguồn cung nông sản sạch còn hạn chế. Thêm vào đó, giá thành sản phẩm nông sản sạch khá cao (do chi phí sản xuất nông sản sạch nông sản sạch cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường), trong khi thị trường tiêu thụ còn hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào phân phối sản phẩm nông sản sạch.

Về phía người tiêu dùng, vẫn còn nghi ngại về tính minh bạch của các sản phẩm được giới thiệu là thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Khi người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng về tính minh bạch về nguồn gốc của sản phẩm và các kết quả về chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch… thì họ lại quay lại tiêu thụ những sản phẩm nông sản được trồng theo cách thông thường, bày bán nhiều ở các chợ truyền thống, do giá cả rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nông sản sạch... Việc người tiêu dùng mất niềm tin sở nông sản sạch không phải không có cơ sở. Bởi thực tế cũng đã có nhưng vụ việc được phát hiện các cơ sở bán rau sạch nhập rau tại các chợ đầu mối để đánh lừa người tiêu dùng.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản sạch, theo ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Nhà nước, các bộ, ngành chức năng cần gia tăng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân, nhà sản xuất tham gia vào sản xuất nông sản sạch. Theo đó, những chính sách cần cụ thể, tập trung vào từng trọng điểm hỗ trợ, chứ chính sách không nên khuyến khích chung chung theo kiểu phong trào.

Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch cần được thực hiện minh bạch hóa hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh tình trạng các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn mà vẫn được chứng nhận, điều này sẽ gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ có chứng nhận.

Đại diện của nhiều đơn vị sản xuất cũng như cung cấp đã bày tỏ những băn khoăn về tình trạng bí đầu ra của nông sản sạch. Nhiều loại rau an toàn được đầu tư trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, nhưng vẫn phải bán ra chợ với giá cả thấp ngang rau thường. Rau an toàn khó vào các bếp ăn tại các khu công nghiệp vì giá thành còn cao. Anh Má A Pho (hộ sản xuất nông sản sạch ở Sa Pa, Lào Cai) chia sẻ, những hộ sản xuất nông sản sạch mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ kết nối giữa người sản xuất và nhà phân phối, tiêu thụ. “Hiện nay, khó khăn lớn nhất của những người sản xuất nông sản sạch là không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nếu chúng tôi sản xuất nhiều thì lại sợ không có đơn vị thu mua, còn nếu sản xuất ít thì khi doanh nghiệp cần số lượng lớn chúng tôi lại không thể cung ứng đủ. Do đó, chúng tôi hiện nay chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, chứ chưa có sản xuất lớn…” – anh Má A Pho nói.

Việc nông dân sản xuất nông sản sạch nhưng phải bán với giá rau thường tại các chợ đã từng xảy ra ở một số địa phương. Vì thế, người nông dân cũng kém mặn mà sản xuất nông sản sạch, một hướng đi lẽ ra rất cần sự tha gia của nông dân.

Để nông sản sạch kết nối được người sản xuất và người tiêu dùng, khâu lưu thông đóng vai trò quan trọng. Người nông dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm sản xuất nông sản sạch để lấy niềm tin từ chính người tiêu dùng.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh