CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: Xuất khẩu nông sản chiếm vị trí thứ 2 Đông Nam Á

 

Bộ NN&PTNT cho biết, 5 năm qua, hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được đổi mới, phù hợp và hiệu quả hơn. Nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi và hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đã được ban hành, trong đó tập trung vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn về đất đai, đầu tư, tín dụng nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, bảo hiểm, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…

Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả đã đạt được sau 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp.

 

Kết quả phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã minh chứng cho những nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2017, có 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016. Đến tháng 9/2018, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước, trong đó có 8.635 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tăng 2,5 lần so với năm 2012.

Đến tháng 9/2018, cả nước có 13.006 HTX nông nghiệp và trên 62.550 tổ hợp tác được tổ chức lại và thành lập mới theo Luật HTX 2012. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn. Kinh tế trang trại phát triển nhanh, đến cuối năm 2017, cả nước có 35.542 trang trại, tăng 50,8% so với năm 2012.

Những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cả nước đã hình thành 1.029 mô hình chuỗi với 1.407 sản phẩm và 3.162 địa điểm bán sản phẩm thực hiện tiêu chuẩn sản xuất tốt, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỉ trọng đóng góp cho tăng trưởng.

Trong lĩnh vực trồng trọt, 5 năm qua, đã chuyển đổi khoảng 200.000 ha trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh thâm canh phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất.

Sản lượng, chất lượng các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế đều tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng mạnh xuất khẩu. Sau 5 năm, giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập trên 1 ha tăng 4,8%; cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ mức 12% năm 2012 lên gần 32% năm 2017; các cây công nghiệp có giá trị cao đóng góp 43% cho tăng trưởng trồng trọt, tăng gần 16%.

Chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Đàn giống được cải thiện đáng kể, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao với kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào sản xuất phổ biến. Sau 5 năm thực hiện cơ cấu lại, sản lượng thịt hơi các loại tăng 30%; thịt gia cầm tăng bình quân 17%; thịt lợn, thịt bò tăng 12,7%; thịt dê, cừu tăng 14%, sữa tươi tăng 47%; trứng gia cầm tăng 18,7%...

Trong lĩnh vực thuỷ sản, đã chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành nuôi tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất trên biển và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo quản hải sản đánh bắt từ 7 ngày lên trên 20 ngày. Trong 5 năm qua, tổng sản lượng thủy sản tăng từ 5,92 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,7%/năm, giá trị tăng thêm đạt 4,3%/năm. Giá trị trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 206,8 triệu tấn, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2012.  

Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng vị trí thứ 2 Đông Nam Á.

 

Theo báo cáo của Bộ NN&PTPT, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Đánh giá cao sự nghiêm túc, quyết liệt của Bộ NN&PTNT trong quá trình triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp cũng như Sơ kết 5 năm của Đề án, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tái khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn là khu vực dễ tổn thương nhất trong xã hội hiện nay. Vì vậy, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ triển khai từ năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu mới của bối cảnh nền kinh tế nông nghiệp – nông thôn trong đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là trọng tâm của việc cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 7 của Đảng về nông nghiệp – nông thôn – nông dân.

Phó Thủ tướng đánh giá: dù đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, nhất là thiên tai cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình thị trường quốc tế ngày càng nhiều khó khăn rào cản..., nguồn lực đầu tư cho ngành nông nghiệp còn khó khăn... Tuy nhiên chỉ sau 5 năm, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được những thành công quan trọng. Trong đó, đặc biệt là sự chuyển biến về tư duy, nhận thức, sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm túc của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, các hệ thống chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp cũng không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với định hướng kinh tế của đất nước cũng như hài hòa với lợi ích của các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.

Nông nghiệp đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng theo lợi thế của từng vùng, từng sản phẩm một cách bền vững và ngày càng thích ứng cao với biến đổi khí hậu. KH-CN ngày càng được áp dụng sâu rộng, đóng góp 30% vào gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp và năng suất lao động. Đây là hướng đi đúng đắn có tính tất yếu thời đại của ngành nông nghiệp nước ta. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp 5 năm gần đây cũng đã và đang có được những bước chuyển dần sang định hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững và có giá trị cao...

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, Đề án đã góp phần cải thiện nhanh xóa đói giảm nghèo cho cư dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn miền núi. Đặc biệt, XK nông sản năm 2017 đã đạt trên 36 tỉ USD và dự kiến cán mốc 40 tỉ USD trong năm 2018, trong đó nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh và có vị thế toàn cầu. Đây là thành tựu vô cùng lớn của ngành nông nghiệp qua 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu theo hướng giá trị gia tăng. Đồng thời, việc kiểm soát vệ sinh ATTP, chất lượng vật tư nông nghiệp tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ... Từ thực tiễn triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, trong 5 năm qua, cả nước đã có rất nhiều những cách làm hay, các nông dân, HTX, các doanh nghiệp, nhà khoa học xuất sắc, điển hình tiêu biểu, đóng góp lớn cho nền nông nghiệp và phát triển nông thôn của nước nhà. “Đến nay, có thể nói Đề án đã đạt hoặc tiệm cận được với những mục tiêu quan trọng cả về khía cạnh kinh tế - xã hội lẫn yếu tố môi trường theo định hướng đến năm 2020” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 Lưu ý những thành công trong 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là những thành công bước đầu, tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra nhiều điểm hạn chế, bất cập mà Đề án Tái cơ cấu cần phải điều chỉnh, tập trung hơn nữa cho giai đoạn tiếp theo, trước mắt tới năm 2020. Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương, Bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội... cũng đã có nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp, xây dựng, đề xuất để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh