CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:07

Nét văn hóa đặc sắc của tục cúng lễ trưởng thành

5 lần cúng mới trở thành người lớn

Là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, người Ê Đê, Gia Rai nói riêng, lễ trưởng thành là một nghi thức bắt buộc đối với những chàng trai khi đến tuổi trưởng thành. Để làm lễ đủ thủ tục thì chi phí cho năm lần cúng khoản 50 đến 60 triệu nên vẫn còn nhiều người đã đến tuổi trưởng thành, thậm chí đầu bạc nhưng không thể làm lễ, do gia đình không có điều kiện sắm lễ vật. Lễ thường được làm ở độ tuổi 18 đến 25, tuỳ vào điều kiện kinh tế gia đình làm sớm hay muộn. Người Ê Đê gọi là lễ Mpú.  

Chuẩn bị rượu cần làm lễ

Gìa Ama Dua (67 tuổi, buôn Trinh, thị xã Buôn Hồ) cho biết: Đối với người Ê Đê, việc cúng lễ này được tổ chức năm lần và do cha mẹ đẻ sắm sửa đồ lễ. Nếu cha mẹ không có điều kiện thì anh chị em có thể cúng thay. Phải trải qua năm lần làm nghi lễ trưởng thành thì người đó mới thật sự trưởng thành. Lần đầu tiên, cúng một choé rượu và một con gà. Lần thứ hai cúng ba choé rượu và ba con gà. Lần thứ ba cúng ba choé rượu và một con heo. Lần thứ tư cúng năm choé rượu và một con heo thiến (heo thiến phải đãi đủ bà con trong buôn làng ăn một bữa). Lần thứ năm cúng bảy choé rượu và một con heo thiến. Làm một lễ trưởng thành nếu tính theo hiện nay phải khoảng 50 – 60 triệu đồng. Do điều kiện kinh tế, nhiều chàng trai Ê Đê lập gia đình sinh con rồi mới có thể làm lễ trưởng thành.

Đánh cồng chiêng ở lễ trưởng thành

Nghi thức lễ trưởng thành, già làng thay mặt buôn làng, họ tộc chàng trai làm lễ cúng giàng, xin phép thần linh được làm lễ trưởng thành cho chàng trai. Lễ bắt đầu bằng nghi thức rửa mặt ngoài bến nước của buôn làng. Từ sáng sớm, trong bộ trang phục truyền thống chàng trai ra bến nước bắt đầu gội đầu, rửa mặt, trước sự chứng kiến của bà con buôn.Tắm gội xong, chàng trai hứng đầy bầu nước về cúng giàng (trời). Trong nhà, các lễ vật để cúng giàng gồm thịt heo, rượu cần.... Thủ heo bày ở giữa, một dải thịt dài cuốn vòng cây cột buộc ché rượu cần. Thầy cúng khấn cám ơn giàng... mời giàng về chứng kiến và chiếc vòng đeo tay trong lễ trưởng thành là biểu tượng của cuộc sống, có nghĩa là buôn làng đã trao cho sức mạnh, là bước ngoặt trong cuộc đời của chàng trai Ê Đê. Từ đây, chàng trai sẽ được công nhận là người đã trưởng thành và có thể tự lập được cuộc sống của mình như lập gia đình hay ra ở riêng.

 Quan niệm lễ trưởng thành mang lại may mắn

 Khi lễ trưởng thành hoàn tất là lúc con người đã đủ mạnh, thoát khỏi mọi bệnh tật, cuộc sống được tự do, không bị phụ vào thần linh. Có nhiều người đến khi về thế giới bên kia chưa có điều kiện làm lễ trưởng thành, cả đời họ phải phụ thuộc thể xác lẫn tâm hồn của mình cho vị thần đó, họ sẽ bị vị thần khống chế, không được tự do. Luôn không được may mắn, mang bệnh tật trong người mỗi lần như vậy phải làm lễ cúng bái cầu các vị thần phù hộ cho sức khoẻ.

Ma Khách (60 tuổi, thị trấn Ea Súp) có hơn chục năm làm thầy cúng chia sẻ: Người Gia Rai luôn coi trọng đến nghi lễ đời người, họ cho rằng ở tuổi vị thành niên, cuộc sống của đứa trẻ luôn bị bao quanh bởi nhiều vị thần khác nhau. Muốn các thần phù hộ cho đứa trẻ được mạnh khỏe, người Gia Rai phải thường xuyên thực hiện các nghi lễ cầu xin các thần phù hộ, từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến tuổi trưởng thành, tiến hành nghi lễ đặt tên, lễ nhập hồn cho trẻ (yang Yun) hay còn gọi là lễ thần bóng hình, người Gia Rai làm lễ này để gọi phần hồn về với phần thân xác đứa trẻ mới sinh ra. Đồng bào cho rằng, khi mới sinh ra, đứa trẻ chưa có linh hồn nên cần phải làm lễ nhập hồn cho trẻ và sau khi cúng yang Yun thì đứa trẻ mới thành người.

Y Khăm Ta Niê (SN 1991) chia sẻ: Đồng bào Gia Rai quan niệm rằng, con người luôn được che chở bởi một vị thần và phải phụ thuộc vào vị thần linh ấy cho đến khi được làm lễ trưởng thành. Lễ trưởng thành của dân tộc Gia Rai gắn liền với sức khoẻ bệnh tật, hồi nhỏ sức khoẻ yếu, đến khi làm lễ trưởng thành phải cúng một con trâu, còn sức khoẻ bình thường chỉ cần cúng heo. Như bản thân Khăm Ta, khi còn nhỏ bị đau ốm nặng, vì thế bây giờ làm lễ trưởng thành phải cúng một con trâu lớn để xin thần linh phù hộ cho sức khoẻ.  Năm 2013, định tổ chức lễ trưởng thành nhưng do chưa có điều kiện kinh tế để làm. Giờ gia đình đang nuôi một con trâu để làm lễ cho Khăm Ta.

Ông Y Phắc Siu (SN 1967, trú buôn A, thị trấn Ea Súp) đã làm xong lễ trưởng thành vào năm 2016: “Làm được lễ trưởng thành là mình đã loại bỏ được bệnh tật trong người, con người được sống thoải mái, từ bây giờ sức khoẻ là của bản thân mình không còn phụ thuộc vào thần linh. Quy trình để cúng lễ trưởng thành được làm trong căn nhà truyền thống của người đồng bào Gia Rai, khoảng 11 choé rượu cần, 5 – 6 con gà, một con heo. Đầu tiên cúng thần nhà, cúng lại người cúng, sau đó mới cúng người trưởng thành, rồi cúng lại chủ nhà nơi mình làm lễ (cha, mẹ, chú bác…) sau khi làm lễ xong, buổi chiều mời bà con họ hàng xa gần tới dùng cơm”.

Ông Y Phắc Siu uống rượu cần để làm lễ

Ông Y Kô Niê, phó trưởng phòng quản lý văn hoá, sở văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đồng bào Ê Đê và Gia Rai quan niệm rằng, lễ trưởng thành là hết sức quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của con người và chính thức được cộng đồng thừa nhận làm chủ cuộc sống của mình. Trong đó lễ cầu sức khỏe cho người đến tuổi trưởng thành rất được người Gia Rai chú trọng, là một nghi lễ lớn, vì họ tin rằng vị thần sức khỏe, đem lại sự khoẻ mạnh cho con người mới đủ sức chống chọi với thiên nhiên, làm ra nhiều của cải vật chất.

LÊ NHUẬN-NGỌC ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh