Thanh tra lao động ở 500 doanh nghiệp điện tử
- Tây Y
- 22:26 - 17/04/2017
Ông Nguyễn Tiến Tùng-Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH
* Thưa ông, thực trạng tuân thủ pháp luật lao động tại doanh nghiệp ngành điện tử ở Việt Nam trong thời gian qua như thế nào?
- Ngành điện tử tại Việt Nam sử dụng nhiều lao động, trong đó lực lượng lao động nữ cao hơn nam do tính chất công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, khéo léo. Điều này đặt ra các vấn đề đối với việc sử dụng số lao động đặc thù này như nhu cầu nghỉ thai sản, vệ sinh kinh nguyệt, khám điều trị bệnh phụ nữ.
Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi là một trong những vấn đề các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam vi phạm nhiều. Không tuân thủ về thời gian làm thêm giờ do thực tế sản xuất theo đơn hàng của nhà máy hoặc do áp lực của các bên liên quan. Về tiền lương và phụ cấp, tại các doanh nghiệp vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật lao động về tiền lương, tiền làm thêm giờ, trả tiền bảo hiểm, trả tiền khi làm việc vào ngày nghỉ phép/nghỉ lễ.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy nguyên nhân gây tai nạn lao động trong ngành điện tử tại Việt Nam chủ yếu là do không được huấn luyện an toàn lao động, không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, người sử dụng lao động không có các biện pháp cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, người lao động làm thêm giờ nhiều dẫn đến tình trạng mệt mỏi, làm việc không tập trung cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động.
Các vấn đề về ATVSLĐ trong ngành này như khói hàn, mùi hóa chất, tư thế ngồi nhiều, thị lực có thể dẫn đến ung thư và các bệnh về tim do tiếp xúc với các yếu tố độc hại tại nơi làm việc như phóng xạ, sóng điện từ…
Ảnh minh họa
* Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đặt kỳ vọng gì sau Lễ phát động chiến dịch Thanh lao động năm 2017 trên phạm vi cả nước, thưa ông?
- Năm 2015 và 2016, Chiến dịch thanh tra lao động đã được thực hiện thành công trong lĩnh vực may mặc và xây dựng trên cả nước. Kết quả cho thấy việc thực hiện chiến dịch thanh tra lao động theo lĩnh vực trong từng năm là hoàn toàn phù hợp. Qua việc thanh tra theo lĩnh vực, các số liệu được thống kê, tổng hợp theo ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh từ đó có sự đánh giá, khoanh vùng những quy định của pháp luật, những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà doanh nghiệp có nhiều vi phạm để lập kế hoạch thanh tra cũng như phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động.
Ngành công nghiệp điện tử hiện nay là một trong những ngành thu hút nhiều lao động và ngoại hối nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp có thể tạo thêm việc làm và tăng chất lượng việc làm như thế nào thông qua các thực hành lao động và kinh doanh có trách nhiệm xã hội trong ngành điện tử Việt Nam. Việc thực hiện các chiến lược để sống sót theo kiểu “cuộc chạy đua xuống đáy” của các doanh nghiệp điện tử sẽ có tác hại đối với sinh kế của người lao động, năng lực hoạt động của doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển của quốc gia.
Tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, góp phần mang lại việc làm bền vững cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp rất cần phải tạo ra một chiến lược để tăng cường tuân thủ pháp luật lao động trong doanh nghiệp. Chiến lược sẽ bao gồm kế hoạch dài hạn để nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động, làm thay đổi tư duy về quan hệ lao động. Ngoài ra, chiến lược cũng vạch sẵn lộ trình kiểm soát mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp thông qua công tác thanh tra, kiểm tra.
* Ông có thể nói rõ hơn mục tiêu trong chiến dịch thanh tra này?
- Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam chấp hành tốt pháp luật lao động và pháp luật an toàn, vệ sinh lao động; duy trì quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và của ngành điện tử.
Trong năm 2017 (năm phát động chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực điện tử), Thanh tra Bộ định hướng các Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố tập trung, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử (với mục tiêu 500 doanh nghiệp được thanh tra).
Các năm tiếp theo (từ năm 2018 đến năm 2020), hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp điện tử sẽ giảm so với năm 2017 và chủ yếu tập trung vào sử dụng phiếu tự kiểm tra của doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
* Khi triển khai chiến dịch thanh tra có quy mô lớn như thế này, theo ông có những thuận lợi, khó khăn gì?
- Về thuận lợi, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 1290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH xây đựng chiến lược để nâng cao việc tuân thủ pháp luật lao động trong ngành điện tử; Được sự ủng hộ và cam kết của các đối tác ba bên; Được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của Tổ chức ILO.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng rất nhiều, theo quan niệm của nhiều người, ngành công nghiệp điện tử lâu nay vẫn được xem là ngành công nghiệp ít nguy cơ hay còn gọi là ngành công nghiệp “sạch”, do đó, cần nhiều thời gian để thay đổi được nhận thức của mọi người, giúp người sử dụng lao động và người lao động nhận thức được các nguy cơ rủi ro về ngành điện tử.
Trong khi đó, Lực lượng thanh tra lao động chưa đủ để đáp ứng với khối lượng công việc nhiều, do đó, việc xây dựng và thực hiện chiến lược đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng cần sự nỗ lực lớn của thanh tra viên lao động.
Và cuối cùng là kinh phí cho thực hiện chiến lược hạn chế.
* Ông có thể tiết lộ trong chiến dịch thanh tra này, sẽ tập trung vào những nội dung nào?
- Nội dung thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp điện tử tập trung việc giao kết và hợp đồng lao động, việc đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, thời giờ làm việc và tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật (về tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động) mang tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, các đoàn thanh tra, kiểm tra phải thực hiện biện pháp xử lý hành chính để đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật, qua đó nâng cao sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và ảnh hưởng của hệ thống thanh tra lao động.
* Để cải thiện tuân thủ pháp luật lao động doanh nghiệp điện tử, ông có lời khuyên gì với các doanh nghiệp?
- Đối doanh nghiệp ngành điện tử cần phải cam kết cải thiện tuân thủ pháp luật lao động trong việc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật lao động. Để thực hiện cam kết trên, doanh nghiệp điện tử cần phải bố trí cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí để thực hiện các quy định trên.
Ngoài ra để cải thiện tuân thủ pháp luật lao động doanh nghiệp điện tử cần cam kết hiện đầy đủ việc tự kiểm tra theo phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội.
* Xin cảm ơn ông!