THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:59

Đề xuất tăng quyền lực cho thanh tra lao động


 Tăng quyền lực cho thanh tra lao động là tăng cường công tác quản lý Nhà nước (ảnh minh họa)

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước

 Dự thảo Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành LĐ-TB&XH; thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra ngành LĐ-TB&XH; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành LĐ-TB&XH.Theo đó, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành LĐ-TB&XH gồm có: Các cơ quan thanh tra nhà nước (Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;Cục Quản lý lao động ngoài nước; Cục An toàn lao động).

Đáng lưu ý, Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 18 Luật Thanh tra và Điều 7 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn như: Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng; Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ, Thanh tra sở; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới của Sở LĐ-TB&XH; Thực hiện công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật; Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH; Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do Bộ trưởng giao.

Ảnh minh họa

 Tiến hành cuộc thanh tra lao động không cần phải báo trước

 Một trong những điểm mới mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tại dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành LĐ-TB&XH là Quy định khi tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành LĐ-TB&XH. Theo đó, Dự thảo đề xuất như sau: Việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra, xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, được thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Trường hợp thực hiện các cuộc thanh tra có thời gian dưới một ngày, theo đợt thì kế hoạch thanh tra có thể được xây dựng gộp cho cả đợt thanh tra.

 Thông báo việc công bố quyết định thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP. Đối với các cuộc thanh tra lao động, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền vào cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bất kể ngày hay đêm mà không cần phải báo trước nếu có căn cứ cho rằng việc báo trước sẽ ảnh hưởng đến kết quả thanh tra hoặc phải can thiệp ngay để bảo vệ quyền của người lao động hoặc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

 Theo dự thảo, chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra. Đối với các cuộc thanh tra tiến hành dưới 1 ngày, biên bản công bố quyết định thanh tra được lập chung với biên bản làm việc của đoàn thanh tra.

 Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra, trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trường hợp tiến hành thanh tra tại nhiều đơn vị trong cùng thời gian thanh tra tại một địa phương, mỗi cuộc thanh tra có thời gian dưới một ngày thì có thể thực hiện báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra. Chậm nhất 10 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra cuối cùng của đợt thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra.

 Theo dự thảo, căn cứ báo cáo kết quả thanh tra, nội dung giải trình của đối tượng thanh tra (nếu có), chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ban hành kết luận thanh tra. Trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, người ra quyết định thanh tra quyết định kéo dài thời hạn ban hành kết luận thanh tra trên cơ sở nhất trí của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

 Dự thảo nêu rõ, nội dung kết luận thanh tra chuyên ngành LĐ-TB&XH có thể được rút gọn. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định cụ thể nội dung kết luận thanh tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH.

 

Xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra 

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ:. Trong trường hợp kế hoạch thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH và kế hoạch thanh tra của Sở LĐ-TB&XH có chồng chéo; kế hoạch thanh tra của  Bộ LĐ-TB&XH và kế hoạch thanh tra của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có chồng chéo thì thực hiện theo kế hoạch thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH; Chánh Thanh tra bộ phối hợp với Chánh Thanh tra các bộ, ngành giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra các bộ, ngành; phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra LĐ-TB&XH với cơ quan thanh tra của địa phương; Chánh Thanh tra sở báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra của Thanh tra sở với các cơ quan thanh tra của địa phương.

VĂN BÌNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh