THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:06

Nâng cao chất lượng đào tạo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

 

Ông Phạm Vũ Quốc Bình.

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn các trường cao đẳng, trường trung cấp xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong nhà trường. Vậy những nội dung chủ yếu của dự thảo Thông tư này là gì, thưa ông?

Trước mắt là hướng dẫn các trường cao đẳng, trường trung cấp chuẩn bị điều kiện để xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong nhà trường.

Theo đó, định hướng xây dựng hệ thống gồm: Hệ thống các chính sách, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý của trường; hệ thống thông tin nội bộ, nhân sự và cơ chế giám sát, đánh giá. Thông qua đó trường duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng GDNN.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh nguyên tắc, yêu cầu khi xây dự hệ thống: Thứ nhất là tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Thứ hai, thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của trường trong từng giai đoạn. Thứ ba, nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý, gắn kết với quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của trường và lấy người học làm trung tâm.

Thứ tư, huy động sự tham gia của tất cả cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người học. Thứ năm là tiếp cận theo quá trình, gắn kết với hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN. Cuối cùng là phải phù hợp với thực tiễn của trường, dễ vận hành, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và cải tiến.

Để xây dựng hệ thống, chúng tôi sẽ thực hiện công tác chuẩn bị, gồm: Hoàn thiện tổ chức, nhân sự chất lượng và các điều kiện có liên quan khác. Tiếp đến là xây dựng và kiểm soát hệ thống tài liệu. Sau khi thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng, hệ thống bảo đảm chất lượng trong trường sẽ được ban hành và áp dụng.

Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ, hệ thống bảo đảm chất lượng được công bố công khai để cán bộ, nhà giáo, nhân viên và các đối tượng khác có liên quan biết và triển khai thực hiện. Hằng năm, trường xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về xây dựng, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện định kỳ và đột xuất, bảo đảm tính công khai, minh bạch và hiệu quả.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng trong cơ sở GDNN hiện nay? Đâu là nguyên nhân cần dự thảo Quy định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN?

Thực tế kết quả kiểm định chất lượng GDNN/dạy nghề giai đoạn 2008-2015 cho thấy, đa số hoạt động của các cơ sở dạy nghề được kiểm định tuân thủ cơ bản các quy định của Nhà nước.

Mặc dù các trường được lựa chọn ưu tiên tập trung đầu tư thành chất lượng cao là các trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng, nhưng vẫn còn 10-15% các yếu tố bảo đảm chất lượng chưa được thực hiện, hoặc chưa đạt yêu cầu. Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng đối với các hoạt động của cơ sở GDNN còn nhiều bất cập, các hoạt động còn mang tính đơn lẻ, rời rạc và hiệu quả không cao.

Do đó, cùng với việc ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên… thì một giải pháp không kém phần quan trọng và có tính đột phá là phải cải tiến về quản trị nhà trường, trong đó đề cao đến vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo một cách tổng thể và bền vững.

 Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong nhà trường cũng phù hợp với các quy định của Luật GDNN, Nghị định số 48/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật GDNN. Theo đó, tại Khoản 14, Điều 4 nêu “Cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN ở Trung ương quy định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN”.

Đồng thời, việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong nhà trường góp phần đổi mới công tác quản lý GDNN, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường. Tôi nghĩ rằng, coi trọng quản lý chất lượng cũng là một trong những giải pháp nhằm đổi mới GDNN.

Ông kỳ vọng gì khi Thông tư được ban hành, những quy định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN sẽ có tác động như thế nào đối với các cơ sở GDNN? 

 Luật GDNN đã nêu rõ “Cơ sở GDNN bảo đảm chất lượng theo quy định”. Để đạt được yêu cầu này, cơ sở phải thực hiện các giải pháp quản lý chất lượng cụ thể, trong đó cần thiết phải xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở.

Những quy định trong xây dựng hệ thống trong dự thảo Thông tư là quy định khung cơ bản để các trường hình thành hệ thống cho phù hợp điều kiện cụ thể của từng trường. Bảo đảm nguyên tắc tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình công cụ quản lý nhằm đổi mới quản trị nhà trường theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Xây dựng văn hóa chất lượng cũng như phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi thành viên trong nhà trường tham gia quản lý chất lượng.

Việc hình thành “văn hóa chất lượng” trong mỗi tổ chức cần phải trải qua một quá trình từ thay đổi về nhận thức cho đến việc xây dựng các chính sách, thủ tục… và hiện thực hóa các chính sách đó thông qua các hoạt động cụ thể nhằm tác động đến chất lượng, đáp ứng được mục tiêu của tổ chức.

Trong cơ sở GDNN cũng vậy, cần có tiến trình hình thành văn hóa chất lượng ngay trong các cơ sở. Vì vậy, tôi cho rằng quy định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng là việc làm cần thiết để cơ sở hình thành hệ thống bên trong nhà trường trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về GDNN, cụ thể hóa hoạt động của nhà trường để đạt tiêu chuẩn chất lượng GDNN.

Do đó, quy định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng sẽ tác động trực tiếp để nhà trường hiện thực hóa các quy định của Nhà nước, hướng tới tiêu chuẩn chất lượng GDNN theo quy định, không ngừng cải tiến chất lượng và xây dựng văn hóa chất lượng của trường, bảo đảm công khai, minh bạch.

 Xin trân trọng cảm ơn ông !


THIỀU VĂN LÝ ( thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh