CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Lật tẩy nhiều đường dây làm giả giấy khám sức khỏe

Làm giả con dấu...
Trong năm 2015, trên địa bàn Hà Nội, cơ quan công an liên tục phá các chuyên án, tóm gọn hàng loạt "cò" làm giả giấy khám sức khỏe tại một số bệnh viện. Mới đây, Công an quận Đống Đa đã điều tra làm rõ vụ án làm giả con dấu của Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT). Đồng thời bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Hùng Cường (37 tuổi, trú ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình) và Vương Văn Thịnh (50 tuổi, trú ở phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm).

Nhóm sinh viên làm giả con dấu bệnh viện, bán giấy khám sức khỏe bị bắt hồi tháng 4/2015.

Theo hồ sơ, ngày 28/8, Cường mang theo 7 con dấu (gồm 1 dấu tròn ghi Bệnh viện GTVT và 6 dấu chức danh ghi tên các bác sỹ) vào Bệnh viện GTVT làm “cò” giấy chứng nhận sức khỏe “cấp tốc”. Khoảng 9 giờ 30 cùng ngày, chị M. (27 tuổi, trú ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đến bệnh viện này khám sức khỏe để đổi bằng lái ô tô. Tại đây, chị M. gặp Cường mời chào, làm nhanh với giá 230.000 đồng. Thỏa thuận xong, Cường đi ra cuối hành lang bệnh viện tự điền các thông tin về mục khám và tự ký xác nhận tên đóng dấu chức danh bác sỹ khám, ký xác nhận tên bác sỹ trưởng đoàn khám, và đóng dấu của Bệnh viện GTVT. Khi đưa giấy chứng nhận sức khỏe cho M, Cường xin thêm 100.000 đồng tiền bồi dưỡng đi lại, chị M đồng ý và đưa cho Cường tổng số tiền 330.000 đồng. Đến 12 giờ cùng ngày, cơ quan công an phát hiện, kiểm tra, bắt giữ Nguyễn Hùng Cường.

Tại cơ quan công an, Cường thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời khai, trước đó đã làm giấy chứng nhận sức khỏe giả cho nhiều người khác. Trước sự việc trên, Công an quận Đống Đa đã làm việc với Bệnh viện GTVT, được biết hiện con dấu bệnh viện vẫn quản lý và đối tượng Cường không liên quan đến bệnh viện. Ngày 28/8, trong sổ khám sức khỏe của bệnh viện không có ai tên là M. Đối với các con dấu thu giữ trên người Cường, qua giám định tại Viện Khoa học hình sự cho kết quả khác hoàn toàn với mẫu dấu của bệnh viện. Quá trình đấu tranh khai thác, Cường khai nhận đã thuê Vương Văn Thịnh, làm giả các con dấu với giá 2 triệu đồng. Ngày 7/9, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Hùng Cường về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đến ngày 21/9, đối tượng Thịnh đã đến cơ quan Công an đầu thú, đồng thời giao nộp toàn bộ đồ nghề làm con dấu để phục vụ việc điều tra. Ngày 24/9, Thịnh đã bị Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa khởi tố với tội danh giống Cường.

... Đến rao bán giấy tờ
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP. Hà Nội) đã triệt phá 2 đường dây làm giả, mua bán giấy khám sức khỏe, giấy xuất, nhập viện. Cơ quan điều tra đã tạm giữ 7 đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo đó, phát hiện đường dây làm giả và mua bán giấy xuất, nhập viện tại một số bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội. Phòng PC45 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an TP. Hà Nội) lập chuyên án điều tra. Ngày 22/4, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 5 đối tượng chuyên làm giả và tiêu thụ các loại giấy tờ của Bệnh viện GTVT. Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Vũ Văn Đề (24 tuổi, ở quận Thanh Xuân; là sinh viên đại học), Dương Văn Mạnh (24 tuổi, ở quận Thanh Xuân; sinh viên), Nguyễn Thị Thương (24 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm; sinh viên), Đặng Thị Tuyết (20 tuổi) và Đinh Quang Tùng (20 tuổi), cùng ở quận Cầu Giấy. Cơ quan điều tra làm rõ, cầm đầu đường dây này là Vũ Văn Đề, thủ đoạn là photocopy giấy khám sức khỏe của BV GTVT, làm giả con dấu, khắc tên bác sỹ, con dấu bệnh viện rồi rao bán trên facebook. Khách muốn mua các loại giấy tờ trên chỉ cần bỏ ra từ 100.000 - 150.000 đồng và sau 24 giờ sẽ có ngay các loại giấy tờ. Trong gần 4 tháng, Vũ Văn Đề rao bán được hàng trăm giấy khám sức khỏe và thu lời bất chính khoảng 15 triệu đồng. Khách hàng “ruột” của Đề là Dương Văn Mạnh. Ngoài việc mua giấy tờ giả của Đề để bán lại, Mạnh còn tự nghĩ cách làm giả các loại giấy tờ như giấy ra viện, giấy khám sức khỏe và giấy chứng nhận sức khỏe của Bệnh viện GTVT để rao bán. Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thị Thương, Đặng Thị Tuyết và Đinh Quang Tùng thường xuyên đặt mua giấy tờ giả của Dương Văn Mạnh và rao bán lại. Quá trình khám xét nơi ở của các đối tượng, cảnh sát thu được một con dấu khắc tên bác sỹ, 217 tài liệu giả là giấy tờ ra viện, giấy xin xác nhận, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận sức khỏe của Bệnh viện GTVT.

Không chỉ địa bàn Hà Nội, hồi giữa tháng 12, Công an huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng cũng đã khởi tố bị can, tạm giam 7, tạm giữ hình sự 1 trong số 12 đối tượng trong 2 vụ làm giả giấy chứng nhận khám sức khỏe để điều tra xử lý. Theo tài liệu điều tra, từ tháng 10/2015, các trinh sát công an nhận được nhiều nguồn tin phản ánh về việc các đối tượng trên địa bàn thị trấn Minh Đức, huyện Tiên Lãng bán giấy chứng nhận khám sức khỏe cho những người có nhu cầu với giá chỉ từ 70 - 100 ngàn đồng/tờ. Công an đã xác lập chuyên án để điều tra làm rõ. Qua đấu tranh, một người khai mua tờ giấy trên của Vũ Văn Hậu, 33 tuổi, ở tại xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng đem bán để hưởng chênh lệch. Tiến hành khám xét nhà Hậu, cơ quan điều tra thu giữ 1 máy in, một máy tính xách tay và 1 số tang vật khác. Đấu tranh mở rộng, ngày 13/12, Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng trong đường dây tham gia vào việc mua bán giấy chứng nhận sức khỏe giả do Hậu sản xuất gồm Phạm Văn Tuấn, 44 tuổi; Nguyễn Thị Thủy, 36 tuổi; Nguyễn Thị Phương, 29 tuổi; Hoàng Thị Hiền, 28 tuổi; Nguyễn Thanh Nhàn, 65 tuổi; Nguyễn Quốc Vương, 37 tuổi; Phạm Văn Dẫn, 40 tuổi, đều trú tại huyện Tiên Lãng. Qua giám định Công an TP Hải Phòng kết luận đều là giấy tờ giả. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Tăng kiểm tra, rà soát quy trình
Trước tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe giả tràn lan, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác quản lý khám, chữa bệnh, đặc biệt trong việc cấp giấy khám sức khỏe.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), việc mua giấy khám sức khỏe mà không cần đi khám là vi phạm pháp luật. Về việc chào bán giấy khám sức khỏe công khai tại cổng Bệnh viện GTVT mà báo chí phản ánh, ngày 9/12, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có công văn gửi Cục Y tế GTVT về vấn đề này, đề nghị khẩn trương xác minh thông tin làm rõ sự việc. Đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm); Kiểm tra, rà soát và có biện pháp chấn chỉnh triệt để tình trạng cung cấp giấy khám sức khỏe.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đã thành lập đoàn, đi kiểm tra rà soát tình hình tại Bệnh viện GTVT. Qua kiểm tra, đã phát hiện việc mua bán giấy khám sức khỏe không phải do cán bộ ngành y tế thực hiện, mà do người ngoài cổng bệnh viện thực hiện. Đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp cùng cơ quan công an để vào cuộc điều tra sự việc này. Vì nó xảy ra ở vùng giáp ranh, giữa hàng rào trong bệnh viện và ngoài bệnh viện.
Theo một cán bộ điều tra viên của Công an TP, đa số các đối tượng vi phạm là những người có trình độ học vấn cao. Các đối tượng trên vì tư lợi cá nhân đã cấu kết với nhau hoạt động vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn của môi trường chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Cơ quan CSĐT - Công an TP đang tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, để giữ nghiêm trật tự kỷ cương pháp luật, đảm bảo tuyệt đối an toàn các bệnh viện, không để kẻ xấu hoạt động vi phạm pháp luật.

Có thể phạt tù đến 7 năm
Đối với hành vi bán giấy khám sức khỏe giả, luật sư Vi Văn A - Trưởng Văn phòng Luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, các đối tượng này đã vi phạm điều 284 – Bộ luật Hình sự với tội “giả mạo trong công tác”. Hành vi này bị xử lý theo Điều 267 – Bộ luật Hình sự “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Với các đối tượng phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm: Có tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Gây hậu quả nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm. Với trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, bị phạt tù từ 4 - 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh