CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:04

Lão nông trở thành kỉ lục gia chụp ảnh chợ

Vô tình thành kỉ lục gia

60 năm trước, trong một ngôi làng ở ấp Phú Trung II, xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình, (tỉnh Gia Định, nay là TP Hồ Chí Minh) có cậu bé chỉ hơn 5 tuổi đã biết cách lưu giữ những kỉ niệm về cuộc sống đời thường bằng hình ảnh cho mình, cho đời. Lớn lên trong cảnh loạn lạc, cuộc sống không mấy khá giả, nhưng cậu bé ấy luôn theo đuổi ước mơ chụp hình và hàng ngày rong ruổi khắp nơi để chụp hình. Ở cái tuổi ngấp nghé 60, người con Gia Định ấy, đã được Trung tâm kỉ lục Việt Nam xác nhận là Kỉ lục gia vào năm 2005, là người chụp ảnh các ngôi chợ nhiều nhất Việt Nam.

Gọi cuộc điện thoại xin một cuộc hẹn, tôi nghe ông lẩm nhẩm tính… “Nay tôi đang ở  Định Quán, Đồng Nai, mai về có thể đi Cà Mau, Kiên Giang”. Cuối cùng tôi cũng gặp được ông vào một ngày đầu tháng 8. Vừa bước vào nhà ông, xung quanh bốn bức tường là những chiếc tủ kính lớn vây quanh, đựng đầy album ảnh được sắp xếp rất ngăn nắp, cẩn thận. Phía trên tường, là những bức ảnh lớn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời ông với đủ gam màu đậm nhạt, đen trắng.

 Lão nông Hồ Đại Phước cười: “Những bức ảnh này tuy nhỏ, đơn giản nhưng nó mang giá trị rất lớn  về mặt tinh thần. Cả đời mình dành trọn niềm vui cho việc chụp ảnh những cái chợ, nên đây là thứ quý đối với tôi. Để có được hàng nghìn bức ảnh này không phải là chuyện dễ, tôi cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Chẳng mấy ai có sở thích, niềm đam mê chụp ảnh chợ quái dị như tôi, nên nhiều người đã gọi tôi là “lão khùng”.

Ông Hồ Đại Phước “Người chụp ảnh các ngôi chợ nhiều nhất Việt Nam”.

Chợ đầu tiên mà ông bấm máy chắc chắn không bao giờ quên. Đó là lần ông cùng gia đình đi dạo ngang qua khu chợ Bến Thành (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Nảy ra ý định muốn chụp hình cùng gia đình bên biểu tượng của thành phố, say mê nhìn ngắm ngôi chợ một lúc rồi ông quyết định bấm máy. Sau đó, ông tìm tòi các phương pháp cũng như cách chụp hình rồi lên ý tưởng đi tìm các ngôi chợ ở Sài Gòn để chụp hình. “Lúc đầu, tôi chỉ dạo quanh thành phố để bấm máy. Sau này, tôi quyết định ra khỏi thành phố thì không được sự đồng ý của Vợ và các con. Do điều kiện kinh tế lúc bấy giờ không cho phép nên tôi đành gác lại ước mơ lo cuộc sống. Nhưng trong tôi vẫn ấp ủ ước mơ và tôi lao vào làm kinh tế, chăn bò, trồng rau… để kiếm tiền. Vài năm sau đó, gia đình vững về kinh tế, tôi bắt đầu thực hiện ước mơ…”.

Thời điểm đó, mọi người ai cũng bảo ông là “khùng”. Đất nước biết bao danh lam thắng cảnh không bấm máy mà lại chọn những cái chợ đầy mùi tôm cá, lại chẳng có gì đẹp. Vì nói tới chợ thì nói tới cảnh lộn xộn, nhếch nhác những rác thải, hôi thối. Nhưng ông khẳng định: “Muốn biết về văn hóa của mỗi vùng chỉ có vào chợ. Bởi trong chợ phản ánh rất trung thực từ phong tục tập quán, đến mức sống của người dân. Mỗi khu chợ lại mang nét đẹp rất riêng. Ngoài việc thoả sức mua sắm còn là cách để tìm hiểu bản sắc văn hoá bản địa mỗi vùng, miền”.

Điều đặc biệt ở ông là tất cả những tấm hình ông chụp được đều chú thích rất tỉ mỉ. Chụp hình với ai, ngày tháng năm nào… Hơn thế nữa, cứ mỗi lần chụp hình với một nhân vật nào, lúc quay trở về nhà ông đi rửa hình và gửi lại theo thư bảo đảm tặng họ. “Dù họ ở những nơi xa xôi, hẻo lánh đến những khu chợ thành thị, tôi đều rửa ảnh rồi ra bưu điện gửi ngược lại để tặng. Nhớ hồi đầu năm 2005, trong lúc ngồi uống cà phê với một anh bạn, tôi chia sẻ về việc mình chụp hình các chợ ở Việt Nam. Người bạn mách, thử nộp đơn vào Trung tâm kỉ lục Việt Nam để xem sao, ai dè tôi được Trung tâm xác lập là người chụp hình các chợ nhiều nhất Việt Nam. Thời điểm trở thành kỉ lục gia, tôi đã bấm mấy gần 2.000 ngôi chợ trên khắp cả nước”.

Nét độc đáo ở các chợ

Một mình một máy chụp hình, cùng chiếc xe gắn máy, những lúc rảnh rỗi ông rong ruổi dọc mảnh đất hình chữ S. Lộ trình ngắn thì vài ngày, có khi lên tới cả tháng. Ông Phước vui vẻ kể: “Đến bất kỳ đâu, điều đầu tiên tôi tìm kiếm là chợ. Phải chụp hết những ngôi chợ mình đã đi qua tôi mới cảm thấy thoải mái, vui vẻ, nếu bỏ lỡ chợ nào là mình day dứt không yên. Ngoài được thoả niềm đam mê, tôi còn quen biết rất nhiều người bạn ở những mảnh đất xa lạ”.

Những bức ảnh về chợ của kỉ lục gia này ngày một tăng lên. Những chuyến đi dài ngày, ông rửa ảnh ra có khi đến 4 cuốn album. Mặt sau những tấm ảnh, ông tỉ mỉ ghi chú tên chợ, địa điểm, ngày tháng chụp và thông tin về người dân chụp cùng mình trong ảnh. Các tấm hình đều được đánh số và xếp theo thứ tự ngày tháng, tỉnh, thành, rất lô gic. 

Trong ký ức ông Phước, chợ thành thị ít mang nét đặt trưng văn hoá rõ như ở các vùng quê. “Nói đến chợ bà Rén (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) người ta nghĩ ngay đến nghề bồng heo có một không hai. Rồi có chợ Chàng, chợ Nàng, chợ Ông, chợ Bà… cũng nhiều đặc điểm rất riêng của vùng đất đó”. Với ông, điểm thích nhất là những ngôi chợ ở vùng cao Tây Bắc. Chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao duyên giữa các cặp tình nhân. “Nó rất đặc biệt, như mình đang được lạc vào thế giới khác. Mỗi lần họp chợ là tiếng khèn, tiếng sáo vang vọng khắp núi rừng, tạo nên được không gian văn hoá ấn tượng, độc đáo mà không hề lẫn với bất kỳ chợ nào trên khắp cả nước”. 

Ông Phước tâm nguyện với 5 ngôi chợ độc đáo ở Việt Nam.

Miền Bắc với những phiên chợ miền núi mang bản sắc dân tộc vùng cao thì ngược về miền Nam lại nổi tiếng với những phiên chợ nổi, với phương tiện trao đổi hàng hoá đều trên ghe thuyền. Qua những ngôi chợ, ông cảm nhận được nét riêng văn hoá, cách sống của từng vùng miền. Dù nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng lão nông  ấy vẫn chưa có ý định ngừng ý định đi sưu tập những ngôi chợ ở Việt Nam. Ông Phước tâm đắc: “Dù đã có tuổi và sức khỏe không còn được như xưa nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ ước mơ ghi hình các chợ. Dự định của tôi tiếp theo là phải thực hiện được thêm 1.000 ngôi chợ nữa mới tạm yên. Hành trình tiếp theo của tôi là những ngôi chợ ở vùng biên, gần những cửa khẩu biên giới, từ Bắc vào Nam”. 

Có lần ông cảm khái viết nên bài thơ về 5 ngôi chợ đã trở thành biểu tượng cho mỗi vùng miền dải đất hình chữ S này: “Lũng Cú chợ ở đỉnh đầu/Thủ đô yêu dấu Đồng Xuân gọi là/ Đông Ba giữa nước đấy mà/ Bến Thành ghi dấu Bác ra nước ngoài/ Vươn theo chữ S chiều dài/ Tận cùng Đất Mũi trải dài Việt Nam”.

Với số lượng ảnh chợ và những nét độc đáo mà ông ghi được theo năm tháng của ông, Trung tâm kỉ lục Việt Nam đã cho ra 2 cuốn sách: 100 ngôi chợ nổi tiếng ở Việt Nam và 100 phiên chợ độc đáo ở Việt Nam. 

Huấn Cao - Trần Trình

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh