THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:45

Không thu phí môi giới lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc

 

Việt Nam và Thái Lan đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động. Đây là thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan và lao động Thái Lan sang làm việc tại Việt Nam. Theo đó, hai ngành nghề được thí điểm thực hiện là xây dựng và nghề cá.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục vừa có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp triển khai đưa lao động đi làm việc tại Thái Lan theo hợp đồng. Theo đó, người lao động Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan, không phải trả tiền môi giới, khoản tiền này chủ sử dụng lao động Thái Lan sẽ trả cho công ty môi giới Thái Lan. Vé máy bay cho lao động Việt Nam sang Thái Lan khi bắt đầu hợp đồng và từ Thái Lan về Việt Nam khi hoàn thành hợp đồng sẽ do chủ sử dụng LĐ Thái Lan chi trả.

 

Ảnh minh họa

 

Người lao động sẽ phải chi trả tại Việt Nam gồm: Chi phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe, lệ phí visa, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định. Tiền dịch vụ cho doanh nghiệp đưa đi không quá một tháng lương cơ bản cho một năm hợp đồng. Trường hợp người lao động đi qua Trung tâm Lao động ngoài nước thì chi phí hành chính phải nộp là 250 USD/LĐ/hợp đồng. Bên cạnh đó, người lao động sẽ phải chịu chi phí khám sức khỏe sau khi đến Thái-lan: 500 baht; bảo hiểm y tế: 1.600 baht/năm; giấy phép làm việc: 900 baht/năm và 100 baht lệ phí nộp đơn xin giấy phép làm việc. Ngoài ra, với lao động Việt Nam làm việc trong ngành xây dựng, phải đóng góp bảo hiểm xã hội với mức 5% lương tháng.

Về quy trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan theo hướng dẫn của Cục Quản lý lao động ngoài nước: Người sử dụng lao động Thái Lan nộp đơn xin tuyển dụng lao động nước ngoài lên Văn phòng việc làm tỉnh ở Thái Lan (kèm theo thông tin về số lượng lao động cần tuyển, yêu cầu đối với lao động, điều kiện việc làm, mức lương/thu nhập hằng tháng, hợp đồng lao động mẫu sẽ ký với lao động Việt Nam). Sau khi được Văn phòng việc làm tỉnh ở Thái Lan cấp phép, các giấy tờ đó được chuyển trực tiếp cho cơ quan phái cử Việt Nam hoặc được quyền gián tiếp thông qua công ty môi giới Thái Lan.

Đối với cơ quan phái cử Việt Nam, sẽ đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Sau khi được Cục chấp thuận, cơ quan phái cử Việt Nam sẽ đăng tuyển thông tin tìm lao động. Sau khi có lao động, cơ quan phái cử Việt Nam gửi danh sách lao động cho người sử dụng lao động Thái Lan hoặc công ty môi giới Thái Lan (kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe, lý lịch tư pháp và hộ chiếu của người lao động). Người sử dụng lao động Thái Lan sẽ lựa chọn lao động từ danh sách, ký trước hợp đồng lao động cho từng lao động và thông báo cho Cục Việc làm Thái Lan và cơ quan phái cử Việt Nam.

Cục Việc làm Thái Lan sẽ xác nhận và thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của Thái Lan tại Việt Nam để cấp visa, đồng thời cũng thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Người sử dụng lao động Thái Lan chịu trách nhiệm đón lao động Việt Nam tại sân bay, kiểm tra sức khỏe cho người lao động, xin giấy phép làm việc đưa người lao động tham gia chương trình giáo dục định hướng một ngày do Cục Việc làm Thái Lan tổ chức. Người sử dụng lao động Thái Lan và công ty môi giới Thái Lan chịu trách nhiệm quản lý người lao động, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và cơ quan phái cử Việt Nam giải quyết các vấn đề phát sinh đến người lao động.

Cũng theo hướng dẫn của Cục Quản lý lao động ngoài nước, khi lao động Việt Nam hoàn thành hợp đồng lao động hoặc trong trường hợp phải về nước trước thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động Thái Lan và công ty môi giới Thái Lan chịu trách nhiệm mua vé khứ hồi hoặc thu xếp việc hồi hương cho người lao động, cũng như thông báo cho cơ quan phái cử Việt Nam về việc tiếp nhận lao động và thanh lý hợp đồng với người lao động.

Cũng theo Trung tâm Lao động ngoài nước, danh sách các đơn vị phái cử lao động của Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan gồm: Trung tâm LĐ ngoài nước; Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; bốn doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA., JSC), Công ty CP Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC), Công ty CP Đầu tư thương mại Thịnh Long (THINHLONG CORP.), Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (Hoang Long Huresu., Corp).

PHẠM TRUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh