THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:15

Thừa Thiên Huế sẽ đưa 300 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi XKLĐ

 

Quang cảnh Hội nghị.


Giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 865 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), trong đó: có 555 lao động đi thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và 310 người đi làm việc theo Chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc) và IM Japan (Chương trình thực tập sinh Nhật Bản).

Thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế đang tập trung đẩy mạnh việc đưa lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mục tiêu là nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã đưa được hơn 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, Phú Vang là huyện có số người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhiều nhất với 97 người. Các thị trường được người lao động lựa chọn để tham gia XKLĐ chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017 - 2020. Mục tiêu là phấn đấu đưa 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, có ít nhất 300 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng.

Đánh giá về XKLĐ tại Thừa Thiên Huế, đại diện các doanh nghiệp được mời tham gia Hội nghị đều nhận định, trong những năm qua, công tác XKLĐ của Thừa Thiên Huế chưa đạt hiệu quả cao. Thậm chí, nếu so với những địa phương mạnh về XKLĐ như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,…thì số lượng người lao động Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hàng năm còn chưa hoặc chỉ bằng một huyện của các tỉnh này.

Bà Đặng Thị Thùy Dương (đại diện Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng tại Huế), một người làm XKLĐ nhiều năm cho rằng: “Từ trước đến nay chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng rào cản lớn nhất khiến người lao động Thừa Thiên Huế chưa mặn mà lắm với XKLĐ là do vấn đề vốn. Mới đây khi nhận được tin tất cả các đối tượng đi XKLĐ sẽ được vay 50 triệu, một mình tôi đã nhảy lên sung sướng. Nhưng với người lao động thì khoản đó vẫn chưa là gì. Kinh nghiệm 15 - 16 năm đi làm XKLĐ, tôi thấy rằng điều đầu tiên muốn thuyết phục người lao động cũng như người thân cho họ tham gia XKLĐ thì chúng ta phải giải quyết được vấn đề niềm tin. Niềm tin rất quan trọng. Phải giúp họ tin rằng XKLĐ là 1 con đường đúng đắn và nhanh nhất để xóa đói giảm nghèo. Để làm được điều đó thì sự vào cuộc và giúp đỡ của cơ quan quản lý nhà nước đối với các đơn vị làm XKLĐ là rất cần thiết”.

 

Đại diện doanh nghiệp XKLĐ phát biểu.


Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ Phần Đầu tư Xây dựng và Cung ứng Nhân lực Hoàng Long thì cho rằng: tâm lý ngại đi làm xa hay ưa chọn những thị trường có thu nhập cao nhưng khó “tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là trở ngại đối với công tác XKLĐ của Thừa Thiên Huế. Theo đại diện công ty này, nếu người lao động Thừa Thiên Huế muốn đi các thị trường này nhưng gặp khó về vốn thì có thể chọn những gói lao động ngắn hạn hơn. Ngoài ra, cả đại diện Hoàng Long và Tập đoàn Daystar đều cho rằng thị trường Đài Loan hiện nay cũng được rất nhiều người lao động lựa chọn đi làm việc, vì vốn ban đầu thấp hơn. “Thậm chí nếu chọn được công việc tốt, mức thu nhập cũng chẳng kém gì đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay Tập đoàn Apple đang xây dựng nhà máy ở Đài Loan. Nếu người lao động vào làm việc ở đây thì mức thu nhập sẽ ngang ngửa hoặc cao hơn ở Nhật; ăn ở thì như khách sạn; chi phí đi thì chỉ có 1.200 USD. Sau khi người lao động vào làm việc 6 tháng thì sẽ được Tập đoàn Apple thanh toán lại chi đi. Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với Sở để xem xét lại chương trình này”, đại diện Hoàng Long cho hay.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh