THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:17

Lao động nông thôn di cư: Chưa xóa được nghèo bền vững

Xu hướng di cư mạnh mẽ

Năm 2014, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học, Việt Nam có khoảng 43% người cao tuổi đang làm việc, trong đó phần lớn người lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có thu nhập thấp và không ổn định. Tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 23% lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế tại các vùng nông thôn hiện nay cho thấy, một bộ phận lớn lao động trẻ tại đây đang có xu hướng rời bỏ quê hương để tìm kiếm các công việc khác. Dù chưa có con số thống kê cụ thể từ các địa phương nhưng lao động ở nông thôn đang có sự chuyển dịch ngày càng rõ nét.

Lao động nông thôn ngày càng có sự dịch chuyển lớn.

Xu hướng di cư ngày càng mạnh mẽ của các thành viên trong gia đình nông thôn vốn được hy vọng sẽ đem lại nguồn tài chính nhằm giúp đỡ người thân và tích lũy để lập nghiệp. Thế nhưng câu chuyện di cư đối với các hộ nông thôn ẩn chứa một sự thật khắc nghiệt: Có khoảng 1/5 số hộ trong tổng mẫu điều tra có ít nhất một thành viên di cư, chủ yếu là thành viên di cư tạm thời. Thu nhập trung bình của người di cư ước tính năm 2014 là 45 triệu đồng/năm, và gần 1/3 (30,7%) số hộ có người di cư nhận được tiền từ “nguồn” lao động này gửi về. Con số này theo kết quả khảo sát của CIEM cao hơn mức 25,4% năm 2012. “Đáng nói là khoản này chủ yếu được sử dụng vào mục đích chi lương thực, tiêu dùng khác hoặc tiết kiệm chứ không sử dụng vào mục đích đầu tư sản xuất, cho thấy những người di cư mới chỉ giúp gia đình giảm đói nghèo và có được một chút tích lũy, chứ rất ít có cơ hội cải thiện căn bản nền tảng kinh tế gia đình, hiện thực hóa khả năng lập nghiệp ở quê hương”, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết.

Theo nghiên cứu, nếu người nông dân bỏ ra 70% tổng chi phí sản xuất cho cây lúa thì chỉ thu lời được chưa tới 30%. Đây cũng là một phần lý do khiến người nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng. Phương án được người nông dân lựa chọn là rời quê hương đến làm việc tại các khu công nghiệp ở thành thị. Bởi lẽ, trong khi làm nông nghiệp phải vài ba tháng có thu nhập một lần, hơn nữa lợi nhuận lại ngày càng... teo tóp, thì công việc tại các khu công nghiệp có thể đem tới cho người lao động mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Người trẻ bỏ đi, người có tuổi ở lại, lao động tại nông thôn đang ngày càng già hóa về chất lượng. Thực tế này đã tạo ra thách thức cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhất là quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thuần nông nghiệp.

Theo đó, biện pháp để giải quyết hiện trạng này cần được các nhà quản lý chú trọng hơn. Khi người trẻ có xu hướng rời bỏ nông thôn, những người ở lại cần được liên kết với nhau với sự tiếp sức của Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Đó là cách làm của những tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới đang được nhân rộng ở các địa phương.

Mạng an sinh xã hội chưa tiếp cận tốt đến dân nghèo

Khi nghiên cứu hoạt động kinh tế, các chuyên gia CIEM đã cho thấy những đặc điểm xã hội phát hiện được có mối tương quan rất logic với thói quen làm ăn, buôn bán ở nông thôn. Khoảng 50% số hộ được khảo sát chọn trồng lúa là do... quy định của địa phương! Một điều dễ nhận thấy khác mà kết qảu khảo sát công bố, là những người dân nông thôn, vốn được coi là hồn nhiên, lạc quan hơn hẳn người đô thị, đã bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống theo hướng tiến dần tới cách nhìn nhận tương tự như người đô thị: bớt lạc quan hơn, cảnh giác hơn. Mức độ tin tưởng vào người khác trong cộng đồng của người được hỏi cũng giảm trong năm 2014. Nếu như năm 2012, có 86,1% số người được hỏi đồng ý với nhận định “hầu hết mọi người đều thật thà và đáng tin cậy” thì năm 2014 chỉ còn 81,7% đồng ý với nhận xét này. Ngược lại, cũng ở các mốc thời gian trên, số người tin vào nhận định “trong xã bạn ở có những người bạn không thể tin tưởng được” đã tăng từ 41,5% lên 42,5%.

Xu hướng di cư ngày càng mạnh mẽ của các thành viên trong gia đình nông thôn.

Theo kết quả khảo sát này, các công cụ tài chính vi mô và mạng an sinh xã hội chưa tiếp cận được với đại đa số người dân nông thôn. Về quản lý rủi ro, có hai điểm hết sức quan trọng được nhóm nghiên cứu lưu ý, đó là quản lý rủi ro của các hộ gia đình nông thôn vẫn còn rất hạn chế và trừ bảo hiểm y tế miễn phí, còn thì các công cụ tài chính vi mô và mạng an sinh xã hội vẫn chưa tiếp cận được với đại đa số người dân ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo. Những trở ngại chính với người dân ở nông thôn là khó khăn trong tiếp cận thị trường tín dụng, thị trường tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là thị trường đất nông nghiệp.

Mặc dù là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đóng góp nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị như gạo, thủy sản, cà phê, cao su, hồ tiêu... song qua đây cho thấy ngành nông nghiệp đang tồn tại khá nhiều vấn đề. Đó là giá thành sản xuất cao, giá trị sản phẩm thấp, đầu ra nông sản bấp bênh, thu nhập và đời sống của người nông dân còn thấp... TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích: “Khi tham gia vào sân chơi hội nhập, sức ép cạnh tranh từ hàng nông sản được chế biến sâu với mức giá rẻ hơn đang gây nhiều khó khăn cho nông sản Việt trong việc tìm chỗ đứng trên thị trường. Thậm chí, không ít nông sản nội có nguy cơ thua ngay trên sân nhà”. Thực tế đà giảm sút kéo dài trong xuất khẩu các nông sản chủ lực từ đầu năm đến nay đã chứng minh điều đó.

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh