THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:09

Hỗ trợ nữ lao động di cư kiến thức an sinh xã hội

 

Lơ mơ về chính sách BHYT

Thậm chí, khi được tư vấn về chính sách hỗ trợ mua BHYT hộ gia đình mới, bà Hiền vẫn phân vân: “Nếu mua BHYT ở quê thì mỗi lần ốm đau tôi lại phải ngược về quê mới khám đúng tuyến. Còn mua thẻ BHYT tại Hà Nội thì  không biết thủ tục...”. Câu chuyện của bà Hiền phản ánh tâm lý của đa số những nữ lao động di cư, lao động phi chính thức với chính sách BHYT. Chính việc không thể giảm bớt chi phí khi khám chữa bệnh trái tuyến là lý do mà hầu hết không muốn mua BHYT theo hộ gia đình ở quê, dù theo chính sách mới mua theo hộ gia đình được hỗ trợ từ 50 - 70% mức phí đóng BHYT. Trong khi đó, so với các nhóm lao động khác, nữ lao động di cư hầu hết là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, di cư từ địa phương này đến địa phương khác để mưu sinh.

Phụ nữ di cư gặp nhiều khó khăn trong đời sống.

Theo bác sỹ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng, khi gặp ốm đau hay bệnh tật ở nơi tạm trú, những lao động này thường ít nhận được sự trợ giúp từ người thân, bạn bè, họ hàng. Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và BHYT của lao động di cư và lao động phi chính thức rất khó khăn. Một phần vì chi phí khám, chữa bệnh và mua BHYT cao so với khả năng chi trả, phần khác từ quy định về hành chính, pháp luật liên quan còn nhiều rào cản. Đặc biệt, lao động di cư còn gặp phải sự kỳ thị do định kiến xã hội khi muốn chủ động mua hoặc khám bệnh bằng BHYT. Những rào cản này đã khiến nữ lao động di cư ít tham gia đóng BHYT.

Là đối tượng rất cần đến sự trợ giúp của các dịch vụ chăm sóc thẻ BHYT, thế nhưng đây lại là đối tượng "đói” thông tin liên quan tới các chính sách về BHYT. Kết quả khảo sát của Viện Light thực hiện tại hai phường Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong thời gian từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2015 cho thấy, bên cạnh tư vấn, đăng ký tạm trú thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của lao động di cư bán hàng rong và đồng nát rất lớn. Cụ thể, 91% người lao động di cư (bán hàng rong) cho biết họ chưa từng biết đến các quy định Bộ luật Lao động 2012. Có tới 91,45% chưa từng biết đến Luật BHXH và 93,3% chưa từng biết đến Luật BHYT.

10 năm lên Hà Nội bán hàng rong bà Hiền chưa biết thủ tục mua BHYT.

 

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo BS Nguyễn Thu Giang, lao động di cư sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, lại phải làm việc với cường độ vất vả nên đây cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh do tác động ô nhiễm môi trường, do làm việc quá sức, bệnh dịch, các bệnh về đường tình dục... Bởi vậy, dịch vụ Tư vấn khám, chữa bệnh hay chăm sóc sức khỏe là nhu cầu rất cần thiết đối với họ. Tuy nhiên do hạn chế về nhận thức trong chăm sóc sức khỏe cùng với điều kiện kinh tế khó khăn nhiều lao động di cư bán hàng rong và đồng nát còn không có khả năng khám, chữa bệnh ngay cả khi biết mình mắc bệnh.

Theo kết quả khảo sát số lượng lao động di cư có thẻ BHYT tỷ lệ rất thấp. 13,1% người trả lời có thẻ BHYT dành cho hộ nghèo, 1,9% có thẻ BHYT dành cho gia đình chính sách, 17% lao động di cư có thẻ BHYT tự nguyện. Đối với người lao động di cư thì BHYT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này cho thấy, tỷ lệ người lao động di cư chưa có thẻ BHYT cao sẽ phải đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng tới tài chính và sức khỏe, khả năng lao động khi gặp tai nạn, rủi ro.

BS Nguyễn Thu Giang cho rằng: “Có tới 55,7% người được hỏi trả lời họ không biết bất kỳ thông tin nào liên quan đến tất cả các quy định pháp luật hiện nay có liên quan đến họ. 40% lao động di cư bán hàng rong và đồng nát biết rất ít (biết từ 1-2 quy định, thông tin pháp luật) và chỉ có 4,3% đã từng nghe nói đến tất cả các quy định này. Đây thực sự là hạn chế trong thực trạng tiếp cận thông tin (một trong 5 dịch vụ xã hội cơ bản) của người lao động di cư cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến nhu cầu, mức độ tiếp cận ASXH nói chung của lao động di cư”.

Những lao động di cư bán hàng rong và đồng nát chủ yếu lao lao động nữ cho biết, nhờ việc di cư mà mức sống của gia đình họ được cải thiện hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, hộ gia đình tự đánh giá có mức sống khá chỉ chiếm 0,5% số người được hỏi. Qua đó, phản ánh thực trạng đời sống của gia đình lao động di cư bán hàng rong và đồng nát còn nhiều khó khăn. Đây cũng chính là nhân tố khiến việc tiếp cận chính sách BHYT càng thêm khó. 

Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho biết: “Đa số lao động di cư bán hàng rong và đồng nát làm việc trên 10 giờ mỗi ngày chiếm tỷ lệ cao nhất 44,8%, số người làm việc từ 8 đến 10 giờ là 33,8%. Như vậy, thời gian lao động của lao động di cư bán hàng rong và đồng nát nhiều hơn rất nhiều so với thời gian lao động trung bình mỗi ngày theo Bộ luật Lao động là 8 giờ/ngày. Chính vì vậy việc bỏ ra một khoản chi phí để mua BHYT với lao động di cư là vô cùng khó khăn”.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh