ILO giúp Việt Nam hỗ trợ bảo vệ lao động di cư
- Bài thuốc hay
- 13:08 - 26/03/2015
Dự án Hành động ba bên nhằm bảo vệ người di cư trong và từ khu vực GMS tránh khỏi sự bóc lột lao động (Triangle) của ILO được triển khai tại Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Dự án được triển thực hiện tại Việt Nam từ năm 2010 – 2015, gồm đối tác: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu lao động, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Các địa phương triển khai Dự án là: Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Tĩnh. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm thiểu đáng kể sự bóc lột đối với lao động di cư thông qua việc tăng cường luật pháp và bảo vệ an toàn cho người lao động và lao động di cư.
Đến nay, các hoạt động của Dự án về công tác xây dựng văn bản đã hỗ trợ nghiên cứu sửa đổi Quyết định 144 về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, xây dựng 2 thông tư về hợp đồng mẫu và mức trần tiền ký quỹ, nghiên cứu đánh giá luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Về công tác tập huấn, nâng cao năng lực đã tổ chức tập huấn cho cán bộ của Ban cố vấn Dự án và các cán bộ trực tiếp thực hiện Dự án ở Trung ương và địa phương về các văn bản pháp luật quốc tế và khu vực liên quan đến di cư lao động, tập huấn về vấn đề phòng chống buôn bán người và bóc lột lao động; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về lao động di cư hợp pháp và an toàn cho giảng viên nguồn địa phương của 5 tỉnh thực hiện Dự án.
Đối với các hoạt động hỗ trợ, Dự án đã xây dựng, biên soạn tài liệu hướng dẫn vận hành mô hình lồng ghép hoạt động tư vấn về di cư an toàn tại trung tâm giới thiệu việc làm; xây dựng, biên soạn, tổ chức lấy ý kiến và tập huấn cho giảng viên về các tài liệu bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên và học viên đi làm việc tại Malaysia và Đài Loan; cử đoàn giám sát và hỗ trợ các địa phương tổ chức tập huấn và kiểm tra hoạt động của các cán bộ thực hiện công tác tư vấn. Kết quả, 5 Sở LĐ - TB&XH tham gia Dự án đã có nhiều hoạt động để cung cấp thông tin về di cư an toàn đến tận người lao động và người nhà của họ, đặc biệt mô hình lồng ghép và duy trì hoạt động tư vấn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các Trung tâm dịch vụ việc làm được quốc tế đánh giá cao, mang lại lợi ích cho người lao động. Hiệp hội Xuất khẩu lao động đã xây dựng Bộ công cụ giám sát và đánh giá việc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp và địa phương về Bộ công cụ, mở rộng áp dụng tới 70 doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao vai trò của Tổng Liên đoàn lao động các cấp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại Hà Nội và Bắc Ninh; mở chuyên mục “Chính sách với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" trên trang web của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ký kết thỏa thuận với Đại hội Công đoàn Malaysia.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa tiếp GS Philip Martin
Thứ trưởng Bộ LĐ – TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Tới đây (tháng 6/2015), Dự án sẽ kết thúc và theo báo cáo, ILO đang tiến hành các hoạt động đánh giá và thiết lập cho giai đoạn tiếp theo của Dự án này. Bộ LĐ- TB&XH sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động của Dự án và đề nghị Dự án trong giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền phổ biến những văn bản này sau khi đã sửa đổi bổ sung; duy trì và mở rộng hoạt động của các trung tâm tư vấn lao động di cư tại các Trung tâm dịch vụ việc làm; xây dựng các cuốn cẩm nang, tài liệu bồi dưỡng kiến thức cho lao động đi làm việc ở một số thị trường như đã thực hiện với Đài Loan và Malaysia…