CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:16

Lao động di cư vẫn khó tiếp cận bảo hiểm y tế

 

Gian nan thủ tục mua thẻ bảo hiểm y tế

Chị Đỗ Thị Hồng (Đại Đồng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) theo mẹ về Hà Nội làm nghề thu mua phế liệu đã được gần 30 năm. Hiện chị Hồng đang thuê trọ ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm). Từ năm 10 tuổi, chị đã biết trong người có khối u và từng trải qua 4 lần phẫu thuật nội soi, trong đó có 1 lần mổ nội soi tuyến giáp. Vài năm trước, chị còn phát hiện mình bị thêm 3 khối u buồng trứng chèn vào tử cung, bàng quang và phía sau lưng, ăn uống, hít thở rất khó khăn. Bác sĩ bảo phải mổ phanh chứ không mổ nội soi được mà mổ phanh tốn 10 - 15 triệu đồng. Đây là một khoản tiền không hề nhỏ đối với những lao động di cư.

Lao động di cư gặp nhiều rào cản khi mua BHYT

Bác sĩ khuyên chị mua bảo hiểm để được hưởng quyền lợi, đỡ một phần chi phí, nhưng khó là quá trình thủ tục giấy tờ. Khi tìm đến địa điểm mua bảo hiểm ở phường, nhân viên đại lý yêu cầu phải có sổ đăng ký thường trú mới mua được. Chị Hồng lại trở về quê để xin giấy tạm vắng, nhưng công an viên ở quê chị nói bây giờ không cần giấy tạm vắng mà chỉ cần mang chứng minh thư nhân dân tới công an phường nơi chị đang ở để xin giấy tạm trú.

Chị Hồng về Vĩnh Phúc để đăng ký mua BHYT. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, theo quy định chị mua BHYT tự nguyện phải mua theo hộ gia đình.  Cả gia đình có 7 nhân khẩu nhưng tất cả đều chưa ai có thẻ BHYT. Với nguồn thu nhập bấp bênh từ việc buôn phế liệu lại ốm đau liên miên nên chị Hồng không đủ tiền để mua cho toàn bộ gia đình. Chị đành chấp nhận quệt nước mắt “bỏ cuộc” ý định mua BHYT. Rất may cho chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội và Viện Light có hoạt động vận động chính sách về quyền của lao động di cư khu vực phi chính thức. Nhờ vậy, chị đã mua được BHYT với mức phí 654 nghìn đồng.

 Theo quy định pháp luật hiện nay, những trường hợp như chị Hồng rất khó để mua thẻ BHYT. Bởi, muốn mua BHYT tại Hà Nội chị phải có đăng ký tạm trú dài hạn (sổ tạm trú). Muốn có sổ tạm trú thì phải có chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 20 Luật Cư trú; chỗ ở hợp pháp là nhà mua, cho, tặng, hợp đồng cho thuê, mượn; phải có ít nhất 2  năm đăng ký tạm trú liên tục. Trong khi đó, phần lớn các lao động tự do thường không thực hiện đăng ký tạm trú ngắn hạn từ năm 2006 đến nay, nên dù có ở Hà Nội bao nhiêu năm, về mặt pháp lý họ khó có thể có được đăng ký thường trú dài hạn. Ngoài ra, điều kiện là phải có chỗ ở hợp pháp, nhưng đa số lao động di cư thuê chung 4 - 5 người trong một nhà trọ nhỏ, chưa kể đất của chủ nhà không có giấy tờ hợp pháp. Vì thế, rất nhiều lao động di cư không thể mua được BHYT.

Địa phương linh động gỡ khó cho người di cư

Bà Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết, sau nhiều đợt tuyên truyền và sự phối hợp giải quyết các vướng mắc về thủ tục giữa BHXH, Hội Phụ nữ các cấp, đến nay mới chỉ có 7 trường hợp lao động di cư khu vực phi chính thức cấp thẻ BHYT. Tuy là con số ít ỏi nhưng đây sẽ là những cách làm có thể nhân rộng rộng ra các địa bàn khác trên địa bàn của thành phố.

Lao động di cư phi chính thức rất muốn được mua BHYT tại nơi đến.

Theo khảo sát của Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 1 triệu lao động di cư ở khu vực phi chính thức, tập trung đông tại một số quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa… Đa số lao động di cư không có BHXH, BHYT, trong khi họ làm việc công việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, việc mở rộng tiếp cận BHYT sẽ mở rộng lưới an sinh xã hội, giúp lao động được khám chữa bệnh khi gặp rủi ro, bệnh tật.

Hai phường Chương Dương và Phúc Tân của quận Hoàn Kiếm là điểm thu hút khá nhiều lao động di cư, đặc biệt là người bán hàng rong, với số lượng gần 4.000 người. Vấn đề quản lý, hỗ trợ cho lao động di cư trên hai địa bàn tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và tư vấn pháp luật còn rất hạn chế.

Những lao động di cư mong có BHYT để đỡ chi phí những lúc ốm đau, nhất là lúc bệnh nặng nhưng phần lớn trong số họ không biết mua BHYT ở đâu, như thế nào. Nếu mua ở quê, mỗi lần ốm đau phải về quê khám, chữa bệnh trong khi họ đang làm việc chủ yếu ở Hà Nội. Còn mua ở Hà Nội, phải kê khai thủ tục tạm vắng, tạm trú với chủ nhà trọ rất phiền phức, chưa kể những khu nhà trọ họ thuê không đủ điều kiện để đăng ký tạm trú. Không chỉ khâu tiếp cận BHXH, BHYT tự nguyện khó khăn, chất lượng dịch vụ BHYT cũng khiến nhiều lao động tự do phải e dè.

Để tạo thuận lợi cho các lao động di cư được mua BHYT, mới đây, phía công an phường Chương Dương đã đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, lao động di cư chỉ cần điền thông tin đầy đủ vào Phiếu thay đổi nhân hộ khẩu, có gián ảnh Công an phường Chương Dương đã ký xác nhận và đối tượng lao động di cư có thể đem trực tiếp lên BHXH quận mua thẻ BHYT. Đây là cách làm mà Hội phụ nữ các cấp sẽ nghiên cứu để tuyên truyền và hướng dẫn lao động di cư trên địa bàn tiếp cận với BHYT.

Tuy nhiên, để lao động di cư có thể tiếp cận với BHYT, ngành BHXH cần sớm có hướng dẫn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đăng ký tiếp cận mua thẻ, tạo điều kiện cho người lao động khám chữa bệnh. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh