CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:54

Bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư

 

Rào cản lớn nhất là vấn đề pháp lý

Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, lao động di cư là một phần  không thể tách rời giữa các nền kinh tế. Người lao động di cư đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đối với cả quốc gia phái cử và tiếp nhận lao động. Nhận thức được vai trò của di cư, các quốc gia thành viên Asean nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp , quyền được làm việc và an sinh xã hội đối với bản thân người di cư và gia đình họ.

Mặc dù cộng đồng kinh tế ASEAN đã định liệu được các biện pháp để tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động tay nghề cao, song hầu hết lao động di cư trong khu vực đều thuộc nhóm tay nghề thấp và nhiều trường hợp di cư lao động không có giấy tờ hợp pháp. Trên thực tế, nhiều lao động di cư trong khu vực không được hưởng an sinh xã hội, họ bị mất đi những quyền trong nước  và phải đối mặt với sự bảo hộ rất hạn chế, không công bằng ở nước ngoài.  Đảm bảo cho người lao động di cư trong khu vực chính thức cũng như phi chính thức được tiếp cận bình đẳng đến những lợi ích an sinh xã hội là điều rất quan trọng. Việc thực hiện các hiệp định an sinh xã hội song phương nhằm hướng tới tính di động của bảo hiểm xã hội trong bối cảnh này sẽ giúp lao động di cư có thể duy trì những quyền của họ đối với lương hưu và đảm bảo các quyền này có thể được chuyển giao qua biên giới.

 

Các đại biểu thảo luận tại  cuộc họp

 

Chia sẻ về những khó khăn trong việc tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư trong ASEAN, bà Celine Peyron Bista, Văn phòng ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, rào cản lớn nhất là vấn đề pháp lý. Thực tế, người lao động di cư không được hưởng các quyền lợi về thuế, vẫn còn thiếu hiệp định song phương trong khuôn khổ ASEAN về vấn đề an sinh xã hội. Mặt khác, lao động di cư cũng có xu hướng tham gia vào khu vực phi chính thức là chủ yếu và người di cư bất hợp pháp sẽ không được hưởng các quyền lợi về an sinh xã hội,

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia sẽ có những loại hình chính sách khác nhau về BHXH, quỹ tiết kiệm, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Trình độ năng lực quản lý và vận hành hệ thống an sinh xã hội cũng không đồng đều giữa các quốc gia…

Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động di cư

Ông Chang Hee Lee, Gám đốc ILO Hà Nội cho biết, tính đến năm 2015, các nước khu vực ASEAN thu hút khoảng 2,1 triệu lao động di cư, trong đó 52% là lao động nữ. Cũng trong năm này, Việt nam cũng cử 115.000 lao động trong đó 33% là phụ nữ ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, điều kiện của lao động di cư hiện nay trong khu vực còn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải  nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo những quyền cơ bản cho họ.

Theo ông Chang Hee Lee, bảo trợ an sinh xã hội cho tới nay đã được nhìn nhận là cấu phần quan trọng của quá trình phát triển toàn cầu. Rất nhiều nước thành viên ASEAN đã đạt những bước tiến nhất định, đặc biệt, sau khi các nước ASEAN ký kết chương trình hành động 5 năm vào năm 2015.  “Chúng tôi cũng đánh giá cao  nỗ lực của Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam trong việc đảm bảo tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội cho người di cư. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã có hiệu lực từ 1/1/2016 và theo Luật này thì Việt Nam cũng đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động”- ông Chang Hee Lee nhấn mạnh.

 

Giám đốc ILO Hà Nội phát biểu tại cuộc họp

 

Bà Lê Kim Dung cho biết, với tư cách là một quốc gia phái cử, Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua hoàn thiện luật pháp.  Hiện Việt nam đang nỗ lực sớm hoàn thiện sửa đổi Luật người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phù hợp với tình hình mới, triển khai xây dựng nghị định hướng dẫn điều luật liên quan tới việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt nam được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2014. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không ngừng tăng cường sự phối kết hợp giữa các đối tác ba bên và các tổ chức xã hội hoạt động tích cực trong lĩnh vực này nhằm triển khai các hoạt động cụ thể giúp đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động di cư

Các ý kiến tại cuộc họp đã thảo luận về việc thực hiện các bước đi tiếp theo để bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động di cư. Cụ thể, đối với các quốc gia tiếp nhận cần mở rộng phạm vi pháp lý của luật pháp, cần có các cơ chế đặc biệt để bảo đảm khả năng tiếp cận (yêu cầu về đăng ký, chi trả cho các quyền lợi tại nước phái cử), thông tin cụ thể về các cơ chế hiện tại (quyền và nghĩa vụ, cơ chế thu hút). Đối với quốc gia phái cử cần cung cấp thông tin cụ thể cho lao động trước khi lên đường và có trao đổi thường xuyên với các cơ quan tuyển dụng, bảo vệ lãnh sự. Đặc biệt, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bên phái cử và nước tiếp nhận thông tin về các chính sách hiện hành, điều kiện hưởng; đưa an sinh xã hội thành một yêu cầu trong các thỏa thuận lao động, đàm phán các hiệp sinh an sinh xã hội song phương và đa phương; chia sẻ kinh nghiệm giữa ASEAN và các khu vực khác.

Diễn đàn Lao động di cư ASEAN  lần thứ 9 năm nay sẽ được diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào từ ngày 9-10/11/2016, với chủ đề: “Chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người lao động di cư ASEAN thông qua việc tăng cường an sinh xã hội”. Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận  hai nội dung chính bao gồm: Tình hình hiện tại của an sinh xã hội cho người lao động di cư ASEAN và hướng tới tính di động của bảo hiểm xã hội cho người lao động di cư. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị và và giải pháp nhằm thúc đẩy quyền của người lao động di cư được đưa ra tại Diễn đàn tạo cơ sở xây dựng, thực hiện các hoạt động cấp quốc gia và khu vực.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh