CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:45

Cải thiện điều kiện làm việc an toàn và sức khỏe cho lao động trẻ

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia, những lao động trẻ này thường mới tham gia thị trường lao động, những hiểu biết về quyền của người lao động tại nơi làm việc cũng như kiến thức, kỹ năng phòng tránh các rủi ro về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo vệ sức khỏe của mình còn hạn chế. Bên cạnh đó, công nhân trẻ thường được bố trí làm những công việc nguy hiểm, trong khi không được đào tạo phù hợp về bảo hộ lao động. Do đó nguy cơ xảy ra TNLĐ là rất lớn.

Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đến cuối năm 2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề, thu hút khoảng 10 triệu lao động, trong đó chủ yếu là cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức. Đặc điểm của khu vực này là quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu, đơn giản, vốn đầu tư thấp nên việc cải tiến công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất hạn chế. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều không có hệ thống thông gió, hút bụi, xử lý hơi khí độc trong nhà xưởng, ngay cả các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều hoá chất, nhiều chất dễ cháy, dễ nổ (a xít, xút, cao su, xà phòng, đồ nhựa…). Việc tổ chức sản xuất – tổ chức lao động không hợp lý, với lao động thủ công chiếm tới 70 – 80 % và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả; không có hoặc thiếu bộ phận làm công tác ATVSLĐ; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện; không có sổ sách theo dõi, thống kê đầy đủ tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thực hiện không nghiêm túc chế độ khai báo khi xảy ra tai nạn lao động; công tác quản lý ATVSLĐ của các cấp đối với khu vực này gần như đang bị bỏ ngỏ… Trong khi đó, chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ quỹ bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng cho lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn hầu hết lao động phi chính thức không tiếp cận được. Còn chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động rất khó thực hiện. Kết quả điều tra 1.665 cơ sở sản xuất cá thể năm 2015 cho thấy, chỉ có 5,47% cơ sở phi chính thức quy định bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,  Đại sứ quán Hoa Kỳ và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khai trương và ký kết Dự án "An toàn và Sức khỏe cho người lao động - An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ". Đây là dự án toàn cầu do Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ, với tổng số vốn 11,4 triệu USD. Việt Nam, Philipine và Myamar là 3 nước thí điểm cộng với 8 quốc gia khác tham gia khác. Mục tiêu của dự án toàn cầu là cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đặc biệt cho lao động trẻ từ độ tuổi lao động tối thiểu đến 24 và xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Dự án thực hiện trong những ngành có nguy cơ cao như xây dựng, nông nghiệp, chế tạo.

Tại Việt Nam dự án được thực hiện tại 4 tỉnh (Đà Nẵng, Phú Thọ, Bình Thuận, Hưng Yên) và tập trung vào khu vực phi kết cấu với các ngành nông nghiệp, xây dựng, làng nghề. Mục tiêu tổng thể là cải thiện ATVSLĐ cho người lao động, đặc biệt cho lao động trẻ từ độ tuổi lao động tối thiểu đến 24 tuổi và xây dựng văn hóa phòng ngừa ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của dự án là: Thứ nhất, cải thiện công tác thu thập và sử dụng số tài liệu về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là số liệu về lao động trẻ ở Việt Nam. Thứ hai, cải thiện các quy định và chương trình về an toàn vệ sinh lao động để giải quyết những vấn đề về an toàn và sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Thứ ba, nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác xã hội để thúc đẩy, thi hành tuân thủ luật và các quy định về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt liên quan tới lao động trẻ ở Việt Nam. Thứ tư, nâng cao hiểu biết và nhận thức cho lao động trẻ ở Việt Nam, về các mối nguy hại và rủi ro đặc thù tại nơi làm việc.

Nói về lý do dự án tập trung áp dụng cho lao động trẻ và lao động khu vực phi chính thức, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Thứ nhất là Luật ATVSLĐ mới được thông qua và sẽ có hiệu lực vào 1/7/2016, với các chính sách về ATVSLĐ không chỉ bó hẹp trong khu vực chính thức, mà đã mở rộng trong tất cả lao động khu vực phi chính thức. Trước đây, thường những lao động phi chính thức không được bảo vệ, bởi các chính sách ATVSLĐ, lần này cùng với việc thông qua Luật ATVSLĐ thì lao động ở mọi khu vực đều được bảo vệ. Vì vậy, khu vực phi chính thức sẽ được quan tâm sẽ được quan tâm nhiều hơn ở dự án này.

Về lý do vì sao lựa chọn lao động trẻ, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, Dự án hướng tới người lao động trẻ vì họ là một trong những nhóm có tỉ lệ tai nạn và bệnh tật liên qua tới lao động cao nhất. Bên cạnh đó, một lượng lớn trong hơn 1 triệu thanh niên bước vào độ lao động hàng năm làm việc, hoặc kinh doanh trong khu vực phi kết cấu. Họ khởi nghiệp với kiến thức hạn chế về quyền của họ tại nơi làm việc và chủ yếu thiếu giáo dục, kỹ năng và kinh nghiệp cần thiết để nhận biết những mối nguy hiểm và đánh giá rủi ro . Thiếu thực tiễn, bằng cấp và tuổi tác, khiến lao động trẻ không được đào tạo để đối mặt với những mối nguy hiểm tại nơi làm việc, không có hướng dẫn và trang bị bảo hộ lao động cấn thiết. Họ dễ phải làm những công việc nặng nhọc và liên tục phải tiếp xúc với môi trường độc hại. Bên cạnh đó, thanh niên cũng thường xuyên là đối tượng làm việc nhiều ca mà không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời họ phải làm việc trong tình trạng lao động bấp bênh, thiếu khả năng lên tiếng đối với những bức xúc về an toàn sức khỏe.

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh