THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 03:58

Lao động chui ở nước ngoài: Hiểm họa khôn lường

Nhẹ dạ, cả tin 

Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều lao động không chỉ đàn ông, trai tráng mà còn nhiều phụ nữ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn. Hầu hết họ đều là lao động nghèo từ các huyện: Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Sầm Sơn... Trao đổi với những lao động từ Trung Quốc trở về, cho biết: Để sang Trung Quốc làm việc họ phải trả một khoản tiền “phí”  không nhỏ cho các đối tượng môi giới, tùy từng vị trí làm việc cụ thể nếu bỏ ra mức chi phí cao thì  sẽ có công việc ổn định lương cao.

Khi sang Trung Quốc họ được đưa tới các khu làm việc ở theo nhóm hay phân tán, sau đó liên lạc về gia đình thông báo an toàn, nhận công việc và thanh toán nốt số tiền đặt cọc cho môi giới...Nhớ lại những tháng ngày kinh hoàng nơi xứ người khi bị công an Trung Quốc bắt giam, anh Hoàng Hải Hà, thôn Minh Hợp, xã Minh Lộc, (huyện Hậu Lộc) kể: “Đầu năm 2011, nghe bạn bè đi biển kháo nhau sang Trung Quốc làm thuê được trả công cao, tôi quyết định đi với hy vọng đổi đời.

Hỏi thăm kỹ càng, tôi và mấy người bạn cùng xã lặng lẽ lên đường. Sau khi nộp tiền cho một phụ nữ, chúng tôi được chị này dẫn lên xe ô tô khách đến địa phận Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó đi đò sang Trung Quốc. Chúng tôi làm nghề đánh cá thuê cho một chủ tàu người Trung Quốc, một lần khi đang đánh cá thì bị cảnh sát nước họ bắt giữ. Là lao động chui, công việc nặng nhọc lại không có giấy thông hành, tôi và nhiều lao động Việt bị giam giữ hơn 2 tháng mới được trả tự do”.

Lao động trái phép được trao trả về Việt Nam   Ảnh: báo Cao Bằng

Anh Đặng Văn Phương, thôn Đông, xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương) cho biết: “Để sang Trung Quốc làm ăn dễ lắm, đưa cho người môi giới chi phí khoảng 10 triệu đồng. Sang đấy tùy việc làm với mức lương thỏa thuận. Thường thì chúng tôi làm 12 tiếng/ngày, công việc hết sức vất vả, nơi làm việc là các cơ sở sản xuất mặt hàng thủ công nhỏ lẻ, bốc vác, đi tàu cá, làm công nhân”...

Tiền mất, tật mang 

Cùng ở tại xã Quảng Tân, (huyện Quảng Xương), Nguyễn Thị H (SN 1983) và Nguyễn Thị P (SN 1990) là hai chị em họ. Do điều kiện gia đình nghèo khó không có việc làm ổn định, vì mong muốn có một cuộc sống khá giả, H và P theo Đào Thị Vân, xã Quảng Phú, TP. Thanh Hóa môi giới đưa sang Trung Quốc tìm việc làm. Sau khi thỏa thuận, H và P được đưa sang nước bạn tìm việc, nhưng thực chất đã bị lừa bán ép lấy chồng, chịu thân gái đẻ thuê.

Chỉ khi sự việc vỡ lở, gia đình tố giác, được công an giải cứu cuối năm 2013 H và P mới thoát kiếp ở đợ nơi xứ người... Không được may mắn như H và P Đặng Thị Đ ở thôn Trung, xã Quảng Nham đã phải bỏ mạng nơi xứ người khi tuổi đời còn rất trẻ. Xót xa kể lại chuyện con mình, ông Đặng Văn Hùng bố của Đ cho biết: “Ở bên đó, tất cả phải làm việc cực nhọc, giấy tờ không có nên phải sống chui lủi không dám đi ra ngoài, chỉ bập bẹ ít tiếng Trung nên ai cũng sợ công an nơi tạm trú phát hiện, bắt giữ.

Chị P kể lại chuyện mình bị lừa bán sang Trung quốc

 Có  thời điểm công an Trung Quốc tăng cường kiểm tra, bắt giữ lao động trái phép, phải bỏ chạy lên rừng, lên núi chia nhau sống thành từng tốp nhỏ. Trong một lần trốn chạy, vì hoảng loạn con gái tôi xẩy chân, ngã chết. Nếu không sang đó chắc chẳng có kiếp nạn này...Tính sơ sơ ở quê tôi cũng đến mấy trăm người sang tìm cơ hội làm ăn, hầu hết đều đi chui”...Được biết, năm 2012 ở huyện Hậu Lộc đã xảy ra 3 trường hợp (2 ở xã Ngư Lộc và 1 ở xã Hải Lộc) thiệt mạng khi đi biển đánh cá thuê cho chủ tàu Trung Quốc.

Vì là lao động chui, không được ký hợp đồng nên không có cơ sở pháp lý để đấu tranh đòi quyền lợi khi xảy ra tai nạn. Người lao động Việt sang làm thuê chịu thiệt thòi đủ thứ, lương trả theo thỏa thuận nên dễ bị chủ cúp lương, bị phạt; phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, độc hại; ăn uống kham khổ, đi lại bị quản lý nghiêm ngặt... khi xảy ra sự việc, hậu quả phải tự gánh chịu. Đây cũng là một bài học đắt giá cho những ai còn có ý định ra nước ngoài bất hợp pháp làm việc.   

Ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Việc làm, an toàn lao động, (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa) cho biết: “Sở đã  chỉ đạo  tới các huyện, thị có nhiều lao động đi xuất cảnh trái phép, phối hợp với các đơn vị, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội ngăn chặn xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi con em trở về nước, tăng cường quản lý lao động tại địa phương.

Chúng tôi đã yêu cầu huyện, xã phối hợp với các doanh nghiệp chuyên XKLĐ, tuyển chọn đưa lao động đi làm việc qua đường chính thống để bảo đảm những quyền lợi hợp pháp cho họ. Tuy nhiên một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức tầm quan trọng của việc đăng ký đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, nên cơ sự vẫn xảy ra”.

Tường Lâm

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh