Làng ven sông
- Dược liệu
- 15:10 - 07/04/2016
Và hôm nay, trong đôi mắt bao thế hệ con cháu của làng quê ven sông ấy càng lấp lánh niềm tự hào bởi Tiền Thiệp đã ghi tên mình vào bảng vàng thành tích của truyền thống bơi đua thuyền huyện Lệ Thủy, mà nói như nhiều người thì: “làng quê ấy đã viết nên cổ tích”.
Một góc thôn Tiền Thiệp.
Cụ ông Trương Thái Thịnh khẳng định chắc nịch rằng, nếu không tính các bản vùng núi thì thôn Tiền Thiệp là một trong những thôn có dân số ít ỏi nhất của huyện Lệ Thủy. Với địa giới hành chính chỉ kéo dài gần 1 km dọc tả ngạn sông Kiến Giang, Tiền Thiệp chỉ vỏn vẹn 90 hộ với 364 nhân khẩu. Con số đó chỉ bằng một xóm nhỏ của các thôn lân cận. Và khó khăn hơn, khi gần 70% trong số họ làm nghề nông, số còn lại sống tựa nhờ vào nghề chài lưới trên sông, cuộc sống vẫn luẩn quẩn giữa bộn bề khó nghèo.
Vậy nhưng, như dòng Kiến Giang “chứa đựng tinh hoa ruộng đồng, làng quê, phong hoá sâu sắc, trù mật, nếp đất văn chương” (Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình-Nguyễn Tú) những làng quê neo đậu bên sông như Tiền Thiệp cũng mang trong mình những truyền thống muôn đời vững bền.
Được thành lập từ đầu thế kỷ 17, với bề dày của hơn 400 năm lịch sử, Tiền Thiệp đã tạo dựng nên một vùng quê mang nhiều nét đẹp văn hóa cùng truyền thống đoàn kết, thống nhất mà hiếm làng quê nào có được. Buổi khai sinh lập làng, Tiền Thiệp chỉ có 3 dòng họ, thì đến nay đã có 19 dòng họ sống quần tụ giữa dải đất hẹp trù phú bên sông.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng thì xưa kia, Tiền Thiệp vốn là một làng quê nghèo nằm ngay cạnh vị trí cầu Mỹ Trạch bây giờ nhưng đến những năm chống Mỹ, thực hiện lời kêu gọi của Đảng ủy các cấp, bà con nơi đây đã không tiếc nhà cửa, ruộng vườn, giao lại mảnh đất quê cha đất tổ cho Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn lập kho tàng cất dấu vũ khí, lương thực, đạn dược phục vụ chiến đấu. Họ dời quê, xuống tạm lánh nơi mảnh đất bên sông, gần thôn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy) rồi gắn bó cho đến hôm nay.
Đất không phụ công người. Mảnh đất neo mình bên dòng Kiến Giang hôm nay đã thực sự khởi sắc, cuộc sống đã bớt đi những nhọc nhằn, xuôi ngược. Anh Lê Thanh Nghị, Trưởng thôn Tiền Thiệp trò chuyện với chúng tôi mà ánh mắt không giấu được niềm tự hào: “Ngày xưa vất vả, người Tiền Thiệp vẫn đoàn kết bên nhau. Giờ cuộc sống dù đã khá hơn nhưng sự đoàn kết ấy cũng không thay đổi. Cứ nhìn truyền thống bơi đua hai năm qua là thấy. Và chính sự đoàn kết bền chặt đó đã giúp Tiền Thiệp viết nên cổ tích”.
Năm 2014, sau gần nửa thế kỷ vắng bóng, chính quyền và nhân dân quyết định đưa đò bơi Tiền Thiệp trở lại đường đua xanh. Nhưng điều khiến nhiều người trăn trở là với một làng quê có số hộ dân chưa đến 100 hộ và cuộc sống còn quá vất vả như Tiền Thiệp thì lấy đâu ra kinh phí để tham gia phong trào?
Tạm gác lại những vất vả mưu sinh, người Tiền Thiệp ở khắp mọi miền đất nước nhiệt tâm đóng góp tiền của mua một con thuyền mới, biến ước mong đưa con thuyền mang tên làng trở lại với dòng Kiến Giang của bao thế hệ nhân dân Tiền Thiệp thành hiện thực. Sau nửa thế kỷ, người Tiền Thiệp lại háo hức cùng hòa vào dòng người nô nức đón chờ lễ hội và những trái tim lại hòa chung nhịp đập với hàng nghìn người con xứ Lệ.
“Năm 2014, đò bơi Tiền Thiệp được Nhì bảng A, em ạ! Chao ui, là mừng! Người làng đón trai bơi trở về mà người cười, người khóc vì sung sướng”, trưởng thôn Lê Thanh Nghị xúc động nhớ lại. Năm 2015, với thành tích sẵn có, đò bơi Tiền Thiệp tiếp tục tham gia Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang với một lòng quyết tâm bền chặt. Trước khi thi đấu nửa tháng, đò được hạ thủy để tập luyện (người Lệ Thủy gọi là “thụa”).
Do không có điều kiện về kinh tế nên thay vì tập trung ăn uống sau các buổi tập như các đò bơi khác, trai bơi Tiền Thiệp phải ăn cơm nhà, rồi ngày thi đấu, cả đội bơi mới tụ tập lại ăn uống một bữa đông đủ. Khó khăn về kinh phí đã đành, với một làng quê “neo người” như Tiền Thiệp, việc huy động được một lực lượng trai bơi đủ con số quy định, vừa bảo đảm về sức khỏe, thời gian càng không hề là chuyện đơn giản.
Giây phút chiến thắng của đò bơi Tiền Thiệp.
Nhưng như cụ Trương Thái Thịnh khẳng định, đã là người xứ Lệ, ai đã một lần được tắm mát trên dòng sông Kiến Giang thì truyền thống bơi đua thuyền với hàng trăm năm lịch sử đã ăn sâu vào máu thịt, vào tiềm thức.
Và như hàng nghìn người con xứ Lệ khác, người Tiền Thiệp dẫu đi đâu, về đâu thì cứ đến dịp Tết độc lập, đều gác lại những bộn bề công việc để được về dự lễ hội. “Dịp đó, trai làng đi làm ăn xa ngái đến mấy cũng trở về tập luyện và đặc biệt, nếu các làng có điều kiện kinh tế dư dả, trai bơi được trả công tính theo số ngày tập luyện thì trai Tiền Thiệp đã bỏ công, bỏ việc, ăn cơm nhà, lại không hề lấy một đồng công cán nào của làng”, anh Lê Thanh Nghị tự hào.
Và chính sự quyết tâm ấy đã mang đến cho Tiền Thiệp giải vô địch trong Lễ hội bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2015. Đón trai bơi trở về sau chiến thắng, người Tiền Thiệp từ già đến trẻ cứ ôm lấy nhau trong vỡ òa niềm vui và hạnh phúc. Người xứ Lệ đã tin có một chuyện cổ tích được viết nên bằng lòng quyết tâm và tình đoàn kết, gắn bó của một ngôi làng bé nhỏ và khó nghèo bên dòng sông Kiến.
Chia tay làng quê ven sông ấy trong một buổi chiều đông lồng lộng gió. Ánh hoàng hôn chảy tràn trên những khuôn mặt đen sạm. Trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ, người Tiền Thiệp lại bắt đầu một chuyến thả lưới, giăng câu mới. Như dòng Kiến Giang muôn đời ôm ấp, vỗ về và nuôi lớn bao phận người bên sông, người Tiền Thiệp vẫn gắn bó, tựa vai bên nhau và thủy chung cùng dòng sông mẹ. Họ tin, tình làng, nghĩa xóm, sự đoàn kết bền chặt sẽ giúp họ vượt qua những khó nghèo, biến thiên của cuộc sinh tồn.