CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:16

Dòng sông trôi mãi qua dòng đời

Sông Cái chảy trước ngực làng tôi. Khi hạ về thì ồn ào, nồng nã, cuồng nhiệt với lớp lớp sóng cồn cào, cuồn cuộn đỏ quạch màu phù sa… Sông Cái chảy bất tận, miên man từ thượng nguồn xuống. Năm năm, tháng tháng thầm lặng qua hàng chục triệu năm bồi đắp nên những cánh đồng mầu mỡ, trù phú của miền châu thổ sông Hồng. Mỗi vụ hè tới sông còn cần mẫn, hào phóng mang tải trên mặt sóng bồng bềnh, nhấp nhô bao nhiêu cây, cành của rừng của núi làm quà tặng cho dân trung, hạ lưu sông. Khi thì là những cốn bè gỗ, tre nứa làm nên những nếp nhà, lều chợ, mái đình, mái chùa. Khi chỉ là những cây, những cành làm củi rều cho dân đôi bờ thổi cơm, nấu bánh. Sóng sông cũng mang theo những đụn bọt xùi lên vàng nhợt, nơi nương náu của hàng triệu trứng cá dành cho những người nuôi cá bột nơi đầm, ao, cho những đàn cá ngày một lớn lên để dân quẳng lưới, thả chài...

 Hội làng tôi mở vào trung hạ, mùa nước cường. Ngày chính hội vào rằm tháng 5 ta giữa kì, nắng đổ lửa. Tiếng trống dồn dập, vang động cả khúc sông mênh mông thúc thuyền chở những trai đinh lực lưỡng, khoẻ mạnh bơi thuyền ra giữa dòng sông mẹ lấy nước về làm lễ mộc dục (lễ tắm cho Đức Thành hoàng làng). Đức Thành hoàng làng tôi huý tự là Lý Ông Trọng, một trong những quí nhân của nước Đại Việt, từng chặn ngang dòng sông Cái để tát cạn bắt cho kì được con dải đã kéo chân phụ mẫu ngài khi bà ra sông gánh nước. Ngài còn sang giúp vua Tần đánh bại giặc Hung nô. Giặc Hung nô lui, ngài từ chối mọi bổng lộc vua ban để cùng phu nhân là công chúa nước Tần về sống yên ả ở làng cho đến khi viên tịch. Thế mới hay tình yêu quê còn quí ngàn, vạn lần so với chức vị, bổng lộc...

Mùa hè sông Cái cường tráng, nồng nã là thế mà khi vào tiết thu sông  thoắt trở thành hiền hoà, đôn hậu như người đàn bà đằm tuổi. Màu nâu phù sa trên dòng sông nhạt đi. Dòng trôi lặng lẽ. Giữa sông nổi lên bãi giữa mượt mịn màng phù sa, cát bồi cho dân làng tôi ra gơ dăm luống khoai lang, nhói vài mảnh ngô, trồng đôi ba thửa kê tích cốc phòng khi giáp hạt. Ven bờ đã thôi rồi những con sóng chồm lên, táp liên hồi vào bờ đê mà chỉ còn những lưỡi sóng mơn man vào những hủm sâu nơi cá chép đang vào mùa vật đẻ, cá chiên, cá ngạnh vào độ làm tổ, tìm bạn.

Ảnh minh họa: HT 

Đình làng tôi nằm kề ngay bên sông. Gảnh đình làng tôi năm tháng đã làm biến đổi khá nhiều nhưng... Tôi còn nhớ vào thủa lên chín, lên mười gảnh đình ấn tượng sâu đậm với đời tôi nên nó cứ trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm của tôi khi văn xuôi, kịch, phim... là nơi Liễu (người đàn bà không rõ khôn hay dại nhưng xinh đẹp và lòng dạ độ lượng nhất làng Chiện- nhân vật chính trong tiểu thuyết “Con ngố”). Đó là khoảng bãi rộng, phẳng, cỏ mượt, mịn như nhung, xanh mướt buổi xuân về. Trên thảm cỏ đó năm 46 là nơi bẩy người con dũng cảm của làng tôi bị  xử bắn để cho nền cộng hoà vừa trứng nước của ta thoát khỏi can qua. Thủa nhỏ, cái thủa mà mẹ tôi gánh đôi quang thúng, một bên là tôi, một bên là hũ rượu, gói chè, bánh thuốc lào rong ruổi qua những bốt lính bảo hoàng, lính đoan, lính ba ti giăng. Lớn một chút tôi hay ra gảnh đình nhìn ngắm những lớp sóng cuộn trào vào mùa hạ, êm ả khi thu sang, đông tới. Làng tôi thuộc làng tề. Qua dòng sông là vùng tự do. Mẹ kể, tôi sinh ra ở Vũ Ẻn nơi bố, mẹ tôi tản cư. Bố ở lại làm việc. Mẹ bảo tôi nếu muốn bố về thì đừng nói với ai chuyện này.  Mỗi chiều nhớ bố, tôi lại ra gảnh đình dõi qua vời vợi trùng trùng những lớp sóng xôn xao ngóng đợi. Cũng từ gảnh đình này, tôi còn thấy cứ đến mùa thu dòng bắt đầu cạn thì tàu cuốc Liên Xô lại xuất hiện từ phía cuối sông, xủng xoảng những gầu xúc quay tròn, tiến dần về phía làng tôi để nạo vét cho lòng sông khoáng đãng. Đêm đến tàu cuốc bật điện sáng như sao xa. Vào những buổi chiều hè tôi với đám bạn cùng lứa lại từ gảnh đình lao xuống dòng sông. Mỗi lần lên bờ, đứa nọ chỉ mặt đứa kia phá ra cười vì lông mày và lớp lông tơ trên mặt ngấn hoen phù sa. Có lần cậu tôi kênh tôi trên vai bơi ra tàu cuốc. Mấy chàng trai Liên Xô, ngực đầy lông, da đỏ hắt vỗ tay, miệng hô u ra khi thấy cậu tôi tay vịn thành tàu, tay giơ ra bắt. Cũng nơi bến Ngự này cũng là nơi lần đầu tôi biết đỏ mặt, tim đập rộn lên khi nhìn cô bạn gái tay cầm chèo, đứng nghiêng vát trên thuyền, vầng ngực mới nhú in vào dáng chiều thoáng quay lại nhìn tôi mỉm cười, thình lình quẳng cho tôi chùm nhãn vừa hái vội ở cây nhãn bà Ba. Cùng từ gảnh đình này, tôi nhìn thấy chiếc cầu là khối sắt, thép bê tông khổng lồ mỗi ngày một chút từ từ trườn qua sông, nối đôi bờ…Thế mà ngoảnh đi ngoảnh lại hơn sáu chục năm đã trôi qua. Giờ mỗi bận về làng, dù bận bịu đến đâu tôi đều ra sông để rồi chạnh buồn. Dòng sông Cái yêu thương, gắn chặt đời tôi, cho tôi những kỉ niệm, những sự kiện trong dòng cảm hứng gần như bất tận để tôi viết văn, làm thơ, soạn kịch. Dòng sông như một nhân vật huyền ảo mà có thật hiển hiện trong bộ tiểu thuyết “Dòng sông màu máu vẫn chảy” mà tôi viết ra để chép lại đời cậu tôi, một chàng trai làng Chèm, với bi kịch của một người chân chính giữa thăng trầm của cuộc sống. Dòng sông tôi đã đắm say kể trong truyện “Làng êm ả bên sông” hai lần lên phim, giờ đã không còn như xưa nữa. Thời gian làm sông đổi dòng. Mùa nước lên, sóng không còn vỗ liên hồi vào đê làng tôi. Lòng sông như cạn hơn, mặt sông như thu hẹp lại.

Trẻ con giờ không dám tắm sông, khi khát không dám vục mặt xuống uống ngụm nước sông mát lạnh như hồi tôi còn ấu thơ. Dân làng không gánh nước sông về đổ chum, đổ bể cho lắng, hay đánh phèn để ăn dần. Nước sông ngầu đục váng dầu. Thấy bảo trên mạn Việt Trì, Phú Thọ nước thải của nhà máy làm phân hoá chất, làm giấy thải ra làm chết cả cá. Cá khoẻ, ăn tạp như cá chiên, cá ngạnh, cá nheo…còn không sống nổi huống hồ cá anh vũ kén ăn tiến vua một thời. Bãi giữa sông từ hơn hai chục năm rồi, trước và sau tết cũng chẳng ai ra gơ khoai, nhói ngô nữa. Doi cát nào vừa nhú là lập tức có ngay hàng đoàn tàu, ca nô của cát tặc lao đến. Doi cát chưa nổi mà các gầu xúc của đám tàu cát đó lại bổ xuống, chọc ngáy vào lòng sông để moi cát lên.

Sông Cái chảy trước ngực làng tôi. Còn dòng Nhuệ giang lại kề sát  sườn làng tôi. Dân làng tôi gọi nôm là sông Đào. Tên gọi này cũng là cách gọi thuần Việt như một chứng tích ghi nhận sức dân ta trong trị thuỷ và tôn trọng, duy dưỡng vượng khí nước non bằng mạch thuỷ. Người Pháp đầu thế kỉ 20 đã cho xây một công trình thuỷ nông mang tên “Công trình trung thuỷ nông Thụy Phương”còn dân làng tôi gọi ngắn gọn là cầu sông. Mỗi khi nước sông Cái lên to, cống của cầu sông mở ra để dồn nước vào sông Nhuệ phân thuỷ sông Cái đỡ tức nước, tránh tai hoạ vỡ đê. Khi sông Nhuệ vào mùa cạn thì cống mở ra lấy nước cho dân đôi bờ sông Nhuệ sinh sống và trồng trọt. Khi vào tuổi nghịch ngợm tôi đã nhận ra nước sông Đào trong hơn nước sông Cái. Cá ở sông Đào cũng dễ bắt hơn cá sông Cái. Mùa đông khi nước sông Đào cạn, tôi hay ra câu trạch chấu và cá bống. Những con trạch chấu, cá bống sông Đào ham mồi mà lì lợm. Dong cước, buông cần không đúng, không kịp thời thì hai giống cá phàm ăn này càm mồi lẩn vào hang thì đành đứt cước, mất lưỡi. Mùa nước cường thì tôi lại ra vó bè của cậu tôi để kéo vó kẽo kẹt. Cái giỏ cá cuối chúm lưới nâu sạm, tròn dài như dấu chấm than lửng lơ in dấu vào bình minh, vào đêm trăng tỏ. Khi mương làng mở cống cho nước sông Đào vào thì đám trẻ chúng tôi  mang nơm ra úp. Còn gì sướng hơn khi trong tay mình con cá chép đang lớn giẫy mạnh hòng thoát thân trong chiều hạ...

Thuở ấy, làng tôi hai đồng. Đồng trên có từ khi lập làng. Miếu thờ   Khổng Tử, ở gò Văn Chỉ, một năm mở một lần khi sắp vào hội để phe Tư văn làng vào lễ và soạn văn tế. Còn đồng dưới hình thành từ khi sông Đào thông thuỷ. Kề liền những thửa ruộng đồng dưới là những bãi mía, bãi dâu, những cánh rừng thông... Mùa thu, mùa đông nước trong veo in rõ cả hình cô gái thắt lưng xanh vào xuân đang hái dâu. Câu hát “quê hương tôi bên bờ sông Nhuệ. Nương dâu bãi mía xanh bờ...” mỗi khi nghe tôi cứ mang mang nghĩ  nhạc sĩ Lân Tuất đã tìm nhạc cảm từ cảnh quê mình bên dòng sông Đào để viết nên bài hát “Người con gái Việt” mênh mang, đằm thắm ấy...

Vậy mà bây giờ, sông Đào đoạn chảy qua làng tôi chỉ còn là con lạch le te, chạt bùn, vẩn đục. Còn đoạn dưới kia, dưới kia nữa... thấy bảo nước sông Đào giờ đen kịt, bốc mùi... Cá, tôm không sống nổi, rau muống trồng đôi bờ úa vàng vì ngấm nước sông... Mương làng tôi giờ chỉ còn là một dòng cạn cỏ mọc, rêu phủ, đầy rác.   

Con sông mẹ thân yêu nhất của xứ sở này đã có trước cả khi nước Việt ta ra đời, chứ chưa nói đến cuộc đời ngắn ngủi của một kiếp người như tôi. Dòng sông Đào chí ít cũng hiện diện ở đất Việt Nam hơn hai thế kỉ rồi. Cả hai dòng sông như hiển hiện và cũng là nhân chứng của thời gian. Vậy mà sông Cái giờ đang ậm ạch, đau quặn vì cát tặc, quằn quại vì ô nhiễm, vất vả trôi giữa đôi bờ. Con sông Đào giờ lệt xệt, đặc quánh, ngắc ngoải. Cả hai con sông đang chảy trên mặt đất ngày càng cằn khô và chảy bên những cuộc đời với những thăng trầm ít niềm vui và nhiều âu lo. Với tôi. Một con người tóc đã cằn, da đã khô, nhờ đôi dòng sông yêu thương để hiểu nghĩa của đời, đã trải qua những niềm vui và những nỗi buồn thêm một lần ước vọng. Hỡi những con người đã ghép nên những dòng đời xôn xao đi từ bình minh cho đến hoàng hôn. Đi từ mùa xuân đến mùa đông của một đời người hãy biết yêu hơn, quí trọng và giữ gìn hơn những dòng sông trên đất mẹ, để dòng chảy luôn trong lành, mát rượi, đủ sức mang lại cho làng mạc đôi bờ niềm hân hoan trong lành mỗi khi ta chạm mặt với dòng sông.    

Nhà văn Nguyễn Hiếu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh